WB và IMF kêu gọi G7 hỗ trợ các nước đang phát triển tiếp cận vaccine
Lãnh đạo hai tổ chức nhấn mạnh đại dịch COVID-19 sẽ không kết thúc cho đến khi tất cả mọi người trên thế giới được tiếp cận vaccine, trong đó có người dân ở những quốc gia đang phát triển.
Ngày 2/6/2021, công ty Vaxxas của Australia thông báo cuộc thử nghiệm đối với vaccine ngừa COVID-19 Hexapro của Đại học Texas (Mỹ) đã cho thấy những kết quả tích cực. (Ảnh: University of Queensland/TTXVN)
Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 3/6 đã kêu gọi các quốc gia thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) dự tính nguồn cung vaccine ngừa COVID-19 dư thừa trong những tháng tới để chia sẻ số vaccine này với các nước đang phát triển sớm nhất có thể.
Trong một tuyên bố chung gửi tới G7, Chủ tịch WB David Malpass và Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva nhấn mạnh đại dịch COVID-19 sẽ không kết thúc cho đến khi tất cả mọi người trên thế giới được tiếp cận vaccine, trong đó có người dân ở những quốc gia đang phát triển.
Theo hai quan chức này, việc người dân trên toàn cầu được tiếp cận vaccine mang lại hy vọng tốt nhất để chấm dứt đại dịch, cứu sống nhiều người và đảm bảo phục hồi kinh tế trên diện rộng.
Ông Malpass và bà Georgieva nêu rõ cùng với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), WB và IMF đã kêu gọi tài trợ quốc tế tổng cộng 50 tỷ USD nhằm đạt được sự tiếp cận vaccine công bằng hơn và nhờ đó chấm dứt đại dịch trên toàn thế giới.
Các lãnh đạo WB và IMF cho biết hai tổ chức này đã kêu gọi các nước G7 dự tính nguồn cung dư thừa vaccine ngừa COVID-19 để chia sẻ một cách minh bạch với các nước đang phát triển càng sớm càng tốt, đồng thời các nước đang phát triển cần nhanh chóng đưa ra các kế hoạch mua và phân phối vaccine phù hợp cũng như nỗ lực tuyên truyền về tầm quan trọng của vaccine trong phòng, chống dịch bệnh.
Hai nhà lãnh đạo hối thúc các nhà sản xuất vaccine ưu tiên mở rộng quy mô sản xuất vaccine, tăng cường khả năng tiếp cận cho các nước đang phát triển, đồng thời nêu rõ WB và IMF sẽ hoạt động tích cực để khuyến khích và hỗ trợ khả năng tiếp cận nhiều hơn.
IMF cho rằng việc đẩy nhanh công tác tiêm chủng sẽ giúp thúc đẩy nối lại hoạt động kinh tế nhanh hơn, theo đó đến năm 2025 có thể mang lại cho nền kinh tế thế giới khoảng 9.000 tỷ USD.
Trong một cuộc họp báo gần đây, Tổng Giám đốc IMF Georgieva cho rằng 60% trong số 9.000 tỷ USD này sẽ được đưa vào các thị trường mới nổi ở các nước đang phát triển và 40% còn lại dành cho các nền kinh tế phát triển.
Dự kiến, các nhà lãnh đạo của WB và IMF sẽ có cuộc gặp trực tiếp với các quan chức tài chính của G7 trong hai ngày 4-5/6, trong đó chủ đề thảo luận chính là dịch bệnh COVID-19./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()