WB tăng 13 tỷ USD chống đói nghèo
Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố tăng vốn thêm 13 tỷ USD nhằm nâng cao năng lực chống đói nghèo trên toàn cầu.
Theo kế hoạch, khoản vốn nói trên sẽ được chuyển tới 2 cơ quan trực thuộc Ngân hàng Thế giới là Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) và Công ty Tài chính quốc tế (IFC), chịu trách nhiệm cho vay khu vực tư nhân. Nhật Bản dự kiến đóng góp 1,1 tỷ USD trong khoản vốn tăng thêm này.
Các cổ đông Nhóm Ngân hàng Thế giới đã chấp thuận hàng loạt các biện pháp cơ bản gồm tăng 13 tỷ USD vốn góp, cải tổ nội bộ và các biện pháp chính sách nhằm tăng cường cơ bản năng lực của định chế giảm nghèo toàn cầu này, giúp Nhóm Ngân hàng Thế giới có thêm nguồn lực để hoàn thành sứ mệnh của mình tại những khu vực cần trợ giúp nhất trên thế giới.
Gói tăng vốn do Ủy ban Phát triển thuộc Hội đồng Thống đốc chấp thuận gồm một khoản 7,5 tỷ USD tăng vốn cho IBRD và một khoản 5,5 tỷ USD tăng vốn cho IFC, qua việc tăng loại vốn góp chung và vốn góp có chọn lựa. Ngoài ra, cùng với khoản tăng vốn góp này, khoản vốn “có thể huy động thêm” của IBRD cũng tăng thêm 52,6 tỷ USD. Bên cạnh đó, một loạt các biện pháp khác như cải tổ nội bộ, nâng cao hiệu quả, định giá khoản vay và các biện pháp chính sách khác sẽ góp phần nâng cao tối đa tác động và làm cho Nhóm Ngân hàng Thế giới ngày càng mạnh mẽ hơn.
Từ nay trở đi, các định chế tài chính trong Nhóm Ngân hàng Thế giới sẽ có khả năng tài chính lên tới khoảng 100 tỷ USD mỗi năm tài chính trong giai đoạn 2019 – 2030 để hỗ trợ các nước thành viên thuộc mọi nhóm thu nhập trong Nhóm Ngân hàng Thế giới.
Nhóm Ngân hàng Thế giới gồm 5 định chế: Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) và Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA); Công ty Tài chính quốc tế (IFC); Cơ quan Bảo lãnh đầu tư đa phương (MIGA); và Trung tâm Giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế (ICSID). Các định chế này cùng nhau cấp vốn, tư vấn và cung cấp các giải pháp khác tại trên 100 nước, giúp các nước này giải quyết các vấn đề cấp bách nhất trong công cuộc phát triển của họ. |
Theo baochinhphu
Ý kiến ()