WB: FDI bật tăng nhờ dòng vốn đầu tư cơ sở sản xuất kinh doanh mới
Các chuyên gia WB khuyến nghị cơ quan quản lý tiền tệ của Việt Nam có thể cân nhắc cho phép tỷ giá linh hoạt hơn nữa, bao gồm cho phép tỷ giá tham chiếu tăng nhanh hơn.
Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam được Ngân hàng Thế giới (WB) phát hành trong tháng 11/2022 đánh giá nền kinh tế Việt Nam đã ghi nhận một số tín hiệu tích cực trong giai đoạn vừa qua, điển hình là FDI tăng bật lại nhờ dòng vốn đầu tư cơ sở sản xuất kinh doanh mới tăng trong các lĩnh vực.
Tăng trưởng sản xuất công nghiệp chững, FDI tăng
Điểm sáng trong thời gian qua được các chuyên gia WB đánh giá là số đăng ký vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng bật lại nhờ dòng vốn đầu tư cơ sở sản xuất kinh doanh mới tăng trong các lĩnh vực điện, khí và cấp nước, trong khi số giải ngân FDI vẫn duy trì tăng trưởng vững chắc.
Cụ thể, tổng vốn đăng ký đầu tư nhảy vọt lên 3,7 tỷ USD trong tháng Mười, tăng 122% (so cùng kỳ), cao thứ 2 trong năm 2022. Mức tăng này có được là nhờ các khoản đầu tư lớn vào cơ sở sản xuất kinh doanh mới (2 tỷ USD) trong lĩnh vực điện, khí và cấp nước.
Số giải ngân vốn FDI vẫn đứng vững, tăng 8,1% trong tháng 10 (so cùng kỳ) và tăng 15,2% trong 10 tháng đầu năm (so cùng kỳ).
Tuy nhiên, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,3% trong tháng Mười (so cùng kỳ năm trước), so với 10,3% trong tháng trước. Tăng trưởng giảm tốc có thể do hiệu ứng xuất phát điểm thấp đang yếu dần. Tuy nhiên, sức cầu yếu đi bên ngoài cũng có thể là nguyên nhân quan trọng khi tăng trưởng tại Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Trung Quốc đang chậm lại. Chỉ số PMI trong lĩnh vực chế tạo chế biến giảm từ 52,5% trong tháng Chín xuống 50,6% trong tháng 10/2022, vừa đủ trên mốc 50 nhưng là mức thấp nhất kể từ tháng 10/2021, càng chứng tỏ tăng trưởng trong lĩnh vực chế tạo chế biến đang giảm tốc.
Bên cạnh đó, doanh số bán lẻ tăng 17,1% trong tháng 10 (so cùng kỳ năm trước) so với 32,3% trong tháng trước đó thì lại giảm. Tăng trưởng giảm mạnh một mặt do hiệu ứng xuất phát điểm thấp đang mờ dần, giống như đối với chỉ số sản xuất công nghiệp, mặt khác, điều này phản ánh nhu cầu trong nước đang yếu đi do quá trình hồi phục tiêu dùng trong ba quý đầu năm dường như đang yếu dần trong điều kiện lạm phát.
Doanh số bán lẻ hàng hóa tăng 9,6% (so cùng kỳ), thấp hơn so với tốc độ tăng trước đại dịch ở mức khoảng 12% (so cùng kỳ). Tốc độ tăng doanh số dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành, từng vượt trên cả mức trước đại dịch trong tháng 8/2022, hiện chỉ đạt 12% (so cùng kỳ), nghĩa là thấp hơn so với tháng 10/2019.
Số lượt khách du lịch quốc tế sau khi phục hồi mạnh mẽ từ tháng Ba đến tháng Tám bắt đầu đi ngang trong tháng Chín và tháng Mười.
Cũng theo các chuyên gia của WB, cán cân thương mại hàng hóa ghi nhận thặng dư trong tháng Mười nhưng tăng trưởng xuất khẩu chững lại. Cụ thể, tăng trưởng xuất khẩu giảm xuống mức thấp trong 12 tháng qua, đạt 4,8% (so cùng kỳ năm trước) do nhu cầu bên ngoài yếu đi, lạm phát tăng cao, điều kiện huy động tài chính toàn cầu bị thắt chặt và bất định gia tăng trên toàn cầu.
Tỷ giá cần linh hoạt hơn nữa
Cũng theo WB, mặc dù giá nhiên liệu giảm nhưng lạm phát tính theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vẫn tăng từ 3,9% trong tháng Chín lên 4,3% trong tháng 10 (so cùng kỳ năm trước) do tăng giá lương thực thực phẩm, đây là nhóm mặt hàng chiếm 21,5 giỏ hàng hóa tính CPI.
Tuy nhiên, giá xăng nhập khẩu bình quân giảm 4 tháng liên tiếp (giảm 9,0% so tháng trước) và dự kiến sẽ giúp hạ áp lực lạm phát trên thị trường trong nước. Giá phân bón nhập khẩu cũng giảm 15,0% (so tháng trước), gần bằng mức cách đây một năm. Giá thép cũng giảm 3 tháng liên tiếp (giảm 8,5% so tháng trước) và 20,4% so cùng kỳ năm trước. Mặc dù giá than nhập khẩu tăng 18,7% (so tháng trước) sau khi giảm 3 tháng, nhưng giá này chỉ cao hơn 3,3% so với năm trước đó.
Đối với tín dụng, WB đánh giá tăng trưởng tín dụng hạ nhiệt xuống còn khoảng 16,5% trong tháng 10 (so cùng kỳ năm trước) khi các điều kiện huy động tài chính trong nước bị thắt chặt. Lãi suất qua đêm liên ngân hàng bình quân tăng từ 4,95% trong tháng Chín lên mức 5,8% trong tháng Mười. Lãi suất cũng biến động mạnh hơn trong tháng Mười.
Trong bối cảnh điều kiện huy động tài chính toàn cầu bị thắt lại và đồng USD mạnh lên, tính đến ngày 3/11, VND mất 9,1% giá trị so với đồng USD kể từ đầu năm. Mặc dù vậy, đồng nội tệ vẫn bị mất giá ít hơn so với các đồng tiền khác.
Chính vì vậy, nhằm giảm áp lực hạ giá VND, Ngân hàng Nhà nước đã nâng độ linh hoạt của tỷ giá bằng cách nới rộng biên tỷ giá VND/USD từ /- 3% lên /- 5% đồng thời nâng các mức lãi suất chính sách thêm 1% trong tháng Mười.
Vào cuối tháng Mười, ngân sách nhà nước ghi nhận bội thu ở mức 10,7 tỷ USD. Do bội thu ngân sách và chi phí vay nợ gia tăng trên thị trường trong nước, khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ trong 10 tháng chỉ bằng 34,9% kế hoạch, so với 72,5% trong năm trước đó.
Theo chuyên gia của WB, nền kinh tế đang đối mặt với nhiều lực cản mạnh. Sức cầu bên ngoài chững lại trong khi điều kiện huy động tài chính toàn cầu bị thắt chặt gây ảnh hưởng đến tỷ giá. Lạm phát giá tăng và điều kiện huy động tài chính trong nước cũng bị thắt chặt có thể ảnh hưởng đến cầu trong nước trong vài tháng tới.
Do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ dự kiến tiếp tục nâng lãi suất, vì vậy các chuyên gia WB khuyến nghị cơ quan quản lý tiền tệ của Việt Nam có thể cân nhắc cho phép tỷ giá linh hoạt hơn nữa, bao gồm cho phép tỷ giá tham chiếu tăng nhanh hơn.
“Biện pháp này có thể được bổ sung bằng cách tiếp tục sử dụng lãi suất tham chiếu, đặc biệt nếu tỷ giá tăng nhanh dẫn đến tăng lạm phát và làm cho kỳ vọng lạm phát gia tăng. Do áp lực tỷ giá kéo dài, biện pháp bán ngoại tệ trực tiếp nên được áp dụng sáng suốt để bảo tồn dự trữ ngoại hối. Phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ lúc này trở nên hết sức quan trọng để đảm bảo giá cả ổn định trong bối cảnh lạm phát cơ bản trong nước tăng tốc,” chuyên gia WB nhấn mạnh./.
Ý kiến ()