WB dự định giải ngân quỹ ARTF cho hỗ trợ nhân đạo tại Afghanistan
Quỹ Ủy thác tái thiết Afghanistan (ARTF) – do WB quản lý – hiện có tổng cộng 1,5 tỷ USD. WB đình chỉ giải ngân quỹ này sau khi lực lượng Taliban lên nắm quyền tại Afghanistan.
Ngân hàng Thế giới (WB) đang lên kế hoạch giải ngân tới 500 triệu USD từ Quỹ Ủy thác tái thiết Afghanistan (ARTF) cho các cơ quan nhân đạo hoạt động tại nước này.
Được thành lập vào năm 2002 và do WB quản lý, ARTF – hiện có tổng cộng 1,5 tỷ USD – là nguồn tài chính lớn nhất cho ngân sách dân sự của Afghanistan, trong đó viện trợ từ nước ngoài chiếm hơn 70%.
WB đình chỉ giải ngân quỹ này sau khi lực lượng Taliban lên nắm quyền tại Afghanistan. Ngoài ra, Mỹ – quốc gia đóng góp nhiều nhất cho ARTF – cũng ngừng viện trợ cho Afghanistan, đồng thời đóng băng khoản hỗ trợ riêng trị giá 9 tỷ USD tại ngân hàng trung ương của nước này.
Trong bối cảnh 39 triệu người dân tại Afghanistan phải đối mặt với một nền kinh tế tồi tệ, một mùa Đông thiếu lương thực và đói nghèo, chưa tới 7% dân số được tiêm vaccine ngừa COVID-19, các nguồn thạo tin cho biết khoản viện trợ WB dự tính giải ngân sẽ tập trung đáp ứng các nhu cầu chăm sóc y tế khẩn cấp.
Theo kế hoạch hiện tại, khoản viện hỗ trợ trên sẽ không bao gồm tiền lương cho giáo viên và các nhân viên chính phủ. Các chuyên gia cho rằng điều này có thể làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng trong hệ thống giáo dục công, chăm sóc sức khỏe và dịch vụ xã hội.
Giới quan sát cảnh báo rằng hàng trăm nghìn công nhân – những người đã không được trả lương trong nhiều tháng – có thể đình công và rời bỏ đất nước.
Mọi quyết định về phân bổ các khoản tài chính thuộc ARTF đều cần được tất cả các bên đóng góp đồng thuận, trong đó Mỹ là nước đóng góp lớn nhất.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận rằng Washington đang làm việc với WB và các nhà tài trợ khác về cách thức giải ngân, bao gồm cả khả năng chi trả cho những người làm việc trong “các lĩnh vực thiết yếu như nhân viên y tế và giáo viên.”
Người phát ngôn cho biết Mỹ vẫn cam kết đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân Afghanistan, “đặc biệt là về sức khỏe, dinh dưỡng, giáo dục và thực phẩm, lĩnh vực an ninh… nhưng viện trợ quốc tế không phải là ‘viên đạn bạc’ (một giải pháp dễ dàng và chóng vánh)”./.
Ý kiến ()