Vy Thị Kim Bình – Người đặt "dấu son" đầu tiên cho văn xuôi hiện đại Xứ Lạng
– Tôi vẫn nhớ mãi, hình ảnh một nhà văn nữ với vóc dáng nhỏ nhắn, mái tóc bạc trắng và đôi mắt vẫn toát lên sự tinh anh khi bà được vinh danh và lên nhận phần thưởng tại Lễ công bố Quyết định khen thưởng của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tác giả đạt giải văn học nghệ thuật (VHNT) cấp Quốc gia năm 2021 được tổ chức vào đầu tháng 4/2022. Đó là nhà văn Vy Thị Kim Bình, năm nay đã ngoài 80 tuổi, hiện đang sinh sống tại khối Đèo Giang, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn.
Nhà văn Vy Thị Kim Bình sinh năm 1941 tại xã Hồng Phong, huyện Cao Lộc. Bà tốt nghiệp Trường Cán bộ y tế Trung ương năm 1961, sau đó bà công tác trong ngành y cho đến khi nghỉ hưu năm 1988. Bà bước chân vào con đường văn chương từ năm 1962. Thời điểm đó, khi công tác tại Bệnh xá huyện Bắc Sơn, trong một lần tình cờ đọc được thông báo về cuộc thi viết truyện ngắn trên Tạp chí “Văn nghệ Việt Bắc” và bà đã tham gia viết để dự thi. Tác phẩm dự thi có tiêu đề “Đặt tên” nói về một sự việc có thật mà bà đã được chứng kiến khi bà mới hơn 6 tuổi. Với truyện ngắn đầu tay này, bà đã được trao giải khuyến khích.
Nhà Văn Vy Thị Kim Bình
Sự khởi đầu này là động lực để một cây bút trẻ người dân tộc Tày của quê hương Xứ Lạng tiếp bước trên con đường sáng tạo của mình. Từ đó đến nay, mặc dù cuộc sống có bao khó khăn, vất vả nhưng bà vẫn miệt mài sáng tác. Nhà văn Kim Bình chia sẻ: Từ khi còn bé, say mê lớn nhất của tôi là sách. Cứ có thời gian rảnh rỗi là tôi đọc. Sách như nguồn dinh dưỡng nuôi lớn tình yêu và đam mê với văn chương trong tôi. Tôi học được rất nhiều điều từ sách, kể cả kiến thức y khoa. Sau này, khi đã lập gia đình và công việc ngày càng bận rộn, tôi thường tranh thủ đọc sách và viết văn vào ban đêm. Vất vả, khó khăn, thế nhưng mỗi khi cho ra đời được một “đứa con tinh thần” là một truyện ngắn, bút ký… thì tôi lại quên hết mệt mỏi.
Với hơn nửa thế kỉ cầm bút, nhà văn đã có trên 50 tác phẩm, trong đó, chủ yếu là các tác phẩm truyện ngắn, bút ký. Nội dung các tác phẩm của bà chủ yếu khai thác đề tài về con người và cuộc sống trên vùng đất Xứ Lạng, về tinh thần anh dũng chiến đấu chống giặc ngoại xâm của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao… về sự hy sinh, cống hiến của các bác sĩ, y tá, thuộc ngành y của tỉnh. Tiêu biểu trong số đó là các tác phẩm như: Niềm vui; Những bông huệ trắng; Chiếc khăn quàng màu xanh; Hương rừng; Theo con đường gập ghềnh…
Trong quá trình sáng tác, nhà văn đã khẳng định vị trí và đóng góp của mình bằng nhiều thành tích như: Bằng khen của Ủy ban Dân tộc Chính phủ với thành tích “là nhà văn dân tộc Tày có nhiều sáng tác về dân tộc thiểu số”(1958); giải B giải thưởng VHNT Hoàng Văn Thụ lần V (2019) với tác phẩm “Theo con đường gập ghềnh”. Gần đây nhất, nhà văn đã đạt giải khuyến khích giải thưởng VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam (năm 2021) với tác phẩm “Tim tôi có vầng hồng của ánh bình minh”… Đặc biệt, nhà văn Kim Bình còn là 1 trong 3 nhà văn của Lạng Sơn có tác phẩm được tuyển chọn giảng dạy trong chương trình Ngữ Văn địa phương cấp phổ thông THCS với tác phẩm “Kho báu của bảy nàng tiên”. Nhiều tác phẩm văn học của bà được các sinh viên và học viên các trường đại học sử dụng là luận văn cử nhân và thạc sĩ.
Bà Vi Thị Thu Đạm, Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, Tổng Biên tập Tạp chí Văn Nghệ Xứ Lạng cho biết: Nhà văn Vy Thị Kim Bình là tác giả tiêu biểu của văn xuôi tỉnh Lạng Sơn. Có thể coi bà là người mở đầu và là người đặt “dấu son” đầu tiên cho văn xuôi hiện đại Lạng Sơn trong dòng chảy văn học nước nhà. Hiện nay, mặc dù tuổi đã cao, nhà văn vẫn miệt mài sáng tạo, trở thành một trong những tấm gương đầy tâm huyết và trách nhiệm để cho các bạn viết trẻ noi theo.
Nhà văn Vy Thị Kim Bình là hội viên nữ dân tộc thiểu số đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam. Bà cũng là hội viên đồng sáng lập Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam và là hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn. |
Ý kiến ()