Vượt thử thách bằng chiều sâu văn hóa
Từ tháng 3 năm 2020 đến nay, Hà Nội đã có ba lần bị dịch Covid-19 tấn công, nhưng cả ba lần Hà Nội đều “khoanh nhanh, diệt gọn”.
Lần thứ tư này, có lẽ, cũng không là ngoại lệ. Ngoài sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của cả cộng đồng với nhiều giải pháp, biện pháp, chỉ đạo, sáng tạo…, có một nhân tố đặc biệt góp phần làm nên những thành công trong công tác phòng, chống dịch bệnh ở Hà Nội. Đó là văn hóa. Cũng từ đó, đặt ra những vấn đề cần tiếp tục phát huy cổ vũ cũng như lưu tâm giải quyết trong xây dựng văn hóa, con người Hà Nội.
1. Dịch Covid-19 khiến nhiều loại dịch vụ phải dừng, hoặc không được hoạt động hết công suất. Nhưng khi thành phố vắng vẻ hơn, cũng là lúc người ta dễ cảm nhận được vẻ đẹp của những ngôi nhà, hàng cây, góc phố, như khi Hà Nội chưa quá đông đúc, ồn ào. Sự thân quen, không chỉ hiện ra trong con mắt, nếu rẽ vào một cửa hàng, cửa hiệu trên tuyến phố Hàng Đào – Hàng Ngang, Hàng Bông – Hàng Gai… – những con phố vốn sầm uất nhất của Thủ đô – ta sẽ được nghe những lời mời chào một cách nhẹ nhàng, từ tốn.
Tôi chợt nhớ cách đây ít hôm, khi đến nhà người bạn ở chung cư Mipec (quận Long Biên), sau khi khai báo y tế, bạn tôi đón ở cầu thang máy. Bạn tôi gặp mấy người quen, đều khẩu trang kín mít. Mọi người cười với nhau qua ánh mắt, qua cái nghiêng đầu. Bạn tôi khoe: “Chung cư này có nhiều người từ các quận nội thành cũ chuyển sang sinh sống. Bình thường mọi người đều không ưa sự vồn vã, ăn to, nói lớn. Giờ thì càng “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên”. Những câu chuyện ấy khiến tôi rong ruổi về quá khứ. Mật độ dân cư ở Hà Nội luôn đông đúc. Vùng đô thị lõi, phố nhỏ, ngõ nhỏ, nhà cũng nhỏ. Có những con ngõ dung chứa bao nhiêu hộ gia đình. Người ta kỵ nhất sự ồn ào. To tiếng với nhau một cái, hàng xóm có thể nghe thấy ngay. Thành ra, ăn nói phải nhẹ nhàng hơn. Cái tế nhị, tao nhã trong lời ăn tiếng nói ở kinh kỳ Kẻ Chợ, do con người chủ ý dựng xây, chắt lọc qua năm tháng, mà cũng do hoàn cảnh tạo nên.
Rồi khi những khu tập thể dựng lên ở từ những năm 1960 đến 1980 cũng thế. Các căn hộ sát vách nhau. Nhiều khi lại là người làm cùng cơ quan, đơn vị. Người ta làm gì cũng chừng mực. Người Hà Nội gặp nhau nơi công cộng ít thể hiện sự ồn ào, suồng sã. Hà Nội bước vào giai đoạn phát triển mới, diện tích được mở rộng. Những khu đô thị mới, những chung cư mọc lên. Nhưng ngoại trừ những nơi người các tỉnh khác về quá nhiều, lề thói ấy vẫn được đem vào những khu đô thị, những chung cư “đời mới”. Người ta đi chung thang máy với nhau, gặp nhau ở hành lang…, chào hỏi nhau thân mật đấy, nhưng vẫn sẽ sàng.
Cái gốc ứng xử của người Hà Nội là thế, nhưng đã biến đổi cùng dòng người nhập cư, cùng sự mở rộng. Thành phố “nắn chỉnh” bằng ban hành Quy tắc ứng xử nơi công cộng. Tuy không có những “điều khoản” trực tiếp liên quan đến phòng dịch, nhưng những nội dung trong Quy tắc ứng xử lại đem đến tác dụng một cách gián tiếp. Đó là việc khuyến cáo người dân không nên nói to, gây ồn ào, mất trật tự, không khạc nhổ, vứt rác bừa bãi… nên giữ gìn trật tự, tôn trọng không gian chung, ứng xử lịch thiệp, nhã nhặn… tại nơi công cộng. Đến giờ, qua bốn năm triển khai, nhiều quy tắc ứng xử tại công viên, vườn hoa, di tích, siêu thị, nhà hàng, quán ăn… bắt đầu “thấm” dần vào đời sống. Cách đây ít lâu, một nhà nghiên cứu bảo: Hà Nội có lợi thế hơn trong phòng, chống dịch Covid-19 là nhờ văn hóa. Tưởng như cái gì xa lạ, mà lại rất đỗi thiết thực: Hà Nội mật độ dân số đông, thương mại sầm uất, mỗi cá nhân luôn có rất nhiều hoạt động tương tác với cộng đồng. Vi-rút SARS-CoV-2 thì lây qua giọt bắn, qua không khí. Thử hỏi, nếu nhiều người hay ăn to, nói lớn, cười nói bỗ bã, suồng sã, khạc nhổ, vứt rác… nhất là trong các không gian công cộng hẹp như xe buýt, cầu thang máy, quán ăn, hành lang chung cư… thì mối nguy sẽ lớn đến mức nào?
2. Trong cuộc đời mỗi con người, có hai việc trọng: Việc hiếu, việc hỷ. Đấy không chỉ là việc của cá nhân, gia đình, mà còn là việc của họ tộc. Và thường tập trung đông người. Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, những sự kiện đó rất dễ trở thành sự kiện “siêu lây nhiễm”. Khi thành phố ban hành quy định dừng các hoạt động tập trung đông người, đồng thời vận động người dân chuyển tổ chức tiệc cưới sang báo hỷ, tổ chức tang lễ văn minh, không ai ngờ rằng, mọi việc lại “đâu vào đấy” nhanh thế. Huyện Đông Anh là địa bàn xảy ra dịch bệnh trong “làn sóng” thứ tư này, nhưng cũng là địa bàn mà hoạt động tang ma, hiếu hỷ đi vào nền nếp. Khi được hỏi về việc vận động nhân dân thực hiện việc cưới, việc tang văn minh trong tình hình dịch bệnh, công chức văn hóa xã Cổ Loa Nguyễn Thị Yến cười bảo: “Không vất vả như anh nghĩ đâu. Vùng đất Đông Anh giàu truyền thống văn hóa, cho nên các cụ giữ tục lệ rất “ghê”. Nhưng khi đã “thông” về tư tưởng, các cụ lại rất nghiêm. Gia đình nào có người nằm xuống, nếu nghiêm túc tổ chức việc hiếu văn minh, thì các đoàn thể, nhất là Hội Người cao tuổi, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ vào cuộc “lo” cho gia đình. Nhưng nếu không tuân thủ, thì gia đình chỉ có nước tự “khiêng” người thân ra đồng. Mùa dịch này, hầu hết các gia đình thực hiện hỏa táng, tang lễ gói gọn trong 24 giờ, hạn chế người đến phúng viếng. Các đoàn thể địa phương phụ trách việc khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt, giám sát việc thực hiện các quy tắc phòng dịch”. Ở Cổ Loa còn có chuyện dựng rạp, sắp cỗ rồi, mà gia chủ quyết định mời khách về.
Qua cả bốn đợt dịch, tính đến giữa tháng 6-2021, thành phố có đến 13 nghìn đám cưới được tổ chức gọn nhẹ, hoặc chuyển sang hình thức báo hỷ; 2.400 cặp uyên ương lùi thời gian tổ chức hôn nhân. Cán bộ Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội cho biết, con số đó còn chưa đầy đủ, vì còn nhiều gia đình tự tổ chức báo hỷ, hoặc lùi thời gian cưới mà không báo cáo. Đối với tang lễ, từ đầu năm 2020 đến nay thành phố có 21.653 người qua đời, thì có đến 20.382 gia đình tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch.
3. Hà Nội vẫn đang trong đợt dịch thứ tư. Khó khăn còn nhiều. Nhưng càng khó khăn, lại càng xuất hiện những câu chuyện cảm động về người dân giúp đỡ lẫn nhau, về hỗ trợ tuyến đầu chống dịch. Những cây ATM gạo, những điểm phát hàng miễn phí… chưa kịp cũ đi, thì lại có những câu chuyện mới. Ví như câu chuyện chị Nguyễn Thị Thành – chủ quán bún ngan ở 154 Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên. Như bao quán ăn khác, dịch bệnh khiến doanh thu cửa hàng chị Thành giảm sút hơn một nửa. Thấy nhiều người khó khăn hơn mình, chị đăng lên mạng xã hội, những người gặp khó khăn đến cửa hàng chị sẽ nhận được phần quà là 20 kg gạo và 500 nghìn đồng. Những phần quà trích từ số tiền chị tích luỹ được. Rồi câu chuyện về cậu bé Phan Anh Khôi (Trường tiểu học Trung Tự, quận Đống Đa), mới bảy tuổi, nhưng đã nhờ bố đưa đến Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam ủng hộ toàn bộ số tiền tiết kiệm 4,7 triệu đồng cho Quỹ phòng, chống Covid-19. Ở Chương trình “Hà Nội chung tay hành động đẩy lùi dịch Covid-19” mới tổ chức, bé Mộc An mới sáu tuổi, ở quận Long Biên đã bê con lợn đất lên trao tặng Quỹ vắc-xin phòng Covid-19. Dù rất nhỏ tuổi, nhưng bé đã chia sẻ đầy chững chạc: “Con dành toàn bộ số tiền tiết kiệm của mình để ủng hộ chương trình với mong muốn sẽ sớm đẩy lùi dịch để con được đi học cùng các bạn. Số tiền tiết kiệm này là tiền mừng tuổi, tiền bố mẹ thưởng khi con đạt thành tích cao trong học tập”. Khi những em nhỏ cũng đã có suy nghĩ vì cộng đồng, ta hiểu các em được sống, được giáo dục trong môi trường thế nào.
Cùng với những chính sách, ý thức cộng đồng mới là điều kiện “cần”, điều kiện “đủ”, là vắc-xin để vượt qua dịch bệnh. Hà Nội đã huy động Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19 được hơn 1.700 tỷ đồng và 2,5 triệu liều vắc-xin. Bên cạnh sự ủng hộ của những doanh nghiệp, những người có điều kiện kinh tế, còn rất nhiều tấm lòng của những người già dè sẻn từng đồng lương hưu, những cô bé, cậu bé tiết kiệm tiền ăn sáng, tiền mừng tuổi để chung sức vượt qua đại dịch.
4. Với những gì diễn ra với Hà Nội cũng như Việt Nam, chúng ta tin rằng, dịch bệnh rồi sẽ qua đi. Nhưng có nhiều điều đọng lại. Cùng với chủ trương, chính sách, giải pháp cụ thể, với Hà Nội, văn hóa chính là nhân tố góp phần giúp Thủ đô đứng vững, vượt qua những lần dịch bệnh tấn công.
Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ 17, Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình số 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 – 2025”. Điểm nhấn lớn nhất, mang tầm nhìn xuyên suốt của chương trình là coi văn hóa là nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô. Nguồn lực văn hóa, hiểu theo nghĩa rộng, chính là nhân tố con người. Đó không chỉ là hệ thống di tích, di sản, hệ thống thiết chế văn hóa hay nghệ thuật biểu diễn. Nguồn lực nội sinh ấy, còn là văn hóa ứng xử, là tình yêu quê hương đất nước, là tư tưởng, lối sống lành mạnh… của mỗi con người. Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng cũng không ít thách thức. Vì sao trong dịch bệnh khó khăn, những nét văn hóa ứng xử, những phẩm cách tốt đẹp mới trở nên nổi bật, trong khi thường ngày lại bị ẩn đi? Câu hỏi này chỉ có thể trả lời bằng những giải pháp tổng thể, là sự hài hòa giữa hạ tầng và số dân; là việc thực hiện nghiêm túc những Quy tắc ứng xử trong xây dựng đời sống văn hóa; đồng thời, với việc giáo dục để tạo nên những công dân Hà Nội, sao cho xứng với công dân Thủ đô nghìn năm văn hiến.
Ý kiến ()