Vượt thách thức,tạo đột phá mới
Năm 2013, ngoài những khó khăn của nền kinh tế mà các doanh nghiệp ngành năng lượng gặp phải, với Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN), những khó khăn càng thêm chồng chất khi là đơn vị đặc thù, đầu tư phát triển hạ tầng điện lực luôn đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, lại đang trên lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh. Tuy nhiên, được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, EVN đã vượt qua những thách thức, rào cản để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế-xã hội, cũng như nỗ lực bảo đảm tiến độ, đưa vào vận hành nhiều công trình trọng điểm nguồn và lưới điện, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải các năm tới.
Thêm nhiều công trình nguồn điện
Năm 2013 là năm Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) đã vượt qua những khó khăn thách thức, tạo ra những đột phá mới, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Ðảng, Chính phủ giao, đó là: tập trung đầu tư xây dựng cơ bản cả nguồn và hệ thống lưới điện; tổ chức sản xuất, vận hành hệ thống thường xuyên, liên tục, bảo đảm cung cấp điện đầy đủ cho nền kinh tế – xã hội và đời sống nhân dân. Cụ thể, EVN đã đưa vào vận hành được sáu tổ máy thuộc bốn dự án với tổng công suất 1.420 MW, bao gồm Nhà máy thủy điện (NMTÐ) Bản Chát, các Nhà máy nhiệt điện (NMNÐ) Nghi Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng. Hoạt động có hiệu quả, điện sản xuất và mua đạt khoảng 130,85 tỷ kW giờ, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm ngoái. EVN còn khai thác các nguồn điện của Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) và một số nguồn thủy điện nhỏ của các thành phần kinh tế khác. Cùng với sản xuất, EVN còn bảo đảm đáp ứng yêu cầu cung cấp nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân ở đồng bằng Bắc Bộ; đáp ứng yêu cầu cấp nước phục vụ dân sinh, tưới tiêu nông nghiệp. Việc điều hành sản xuất đã bám sát tình hình phụ tải và diễn biến thủy văn để huy động nguồn một cách hợp lý nhất, đạt hiệu quả kinh tế cao, trong đó phát huy các nguồn phát có giá thành thấp.
Ðối với công tác đầu tư xây dựng cơ bản, năm 2013, EVN bảo đảm tăng nguồn và hệ thống lưới ở mức 10-11%/năm, phù hợp tốc độ phát triển của nền kinh tế quốc dân. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới, kinh tế trong nước gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành, EVN đã có bước đột phá mới để thu xếp được một lượng vốn đầu tư cho nguồn và lưới điện lên tới gần 76 nghìn tỷ đồng (gần 4 tỷ USD). Việc phát triển nguồn điện đối với EVN là rất nặng nề. Với tốc độ tăng trưởng điện năng như bây giờ cũng như các năm tới, hằng năm EVN cần bổ sung vào hệ thống điện quốc gia từ 3.000 – 4.000 MW công suất, với số vốn cần có lên tới 5 đến 6 tỷ USD/năm, bảo đảm hoàn thành mục tiêu Quy hoạch Ðiện VII. Mặc dù trong năm qua gặp rất nhiều khó khăn về việc thu xếp vốn, giải phóng mặt bằng… nhưng EVN vẫn bảo đảm được tiến độ xây dựng các dự án trọng điểm, tập trung khởi công xây dựng dự án cảng Duyên Hải, cũng như đẩy mạnh thi công dự án NMNÐ Duyên Hải 1 (1.200 MW); đã ký hợp đồng và thu xếp vốn để chuẩn bị khởi công dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 (1.200 MW), Thái Bình 1 (600 MW), đang thu xếp vốn để triển khai xây dựng dự án Nhiệt điện Duyên Hải 3 (1.200MW), Duyên Hải 3 mở rộng (600 MW).
EVN cũng đã nỗ lực hoàn thành hồ sơ lập dự án đầu tư và xây dựng phê duyệt địa điểm dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2, đang đàm phán về tài chính với nhà thầu Nhật Bản và Nga cũng như hoàn thành các điều kiện để chuẩn bị khởi công hai dự án này vào năm 2014… EVN còn chỉ đạo các tổng công ty điện lực: miền bắc, miền trung, miền nam đưa công nghệ hiện đại từ các nước EU để đầu tư xây dựng cáp vượt biển, đưa điện ra các đảo Cô Tô, Lý Sơn, Phú Quốc… thực hiện được nguyện vọng, ước mơ ngàn đời của người dân các huyện đảo này.
Hoàn thiện hệ thống lưới điện truyền tải
Ðầu tư, xây dựng, quản lý và vận hành lưới truyền tải điện quốc gia cũng là nhiệm vụ trọng tâm của EVN và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT). Trong năm 2013, EVNNPT đã xây dựng hoàn thành đưa vào vận hành gần 40 dự án đường dây (ÐD) và trạm biến áp (TBA) 220 kV, 500 kV với tổng chiều dài tăng thêm 1.430 km, dung lượng TBA tăng thêm 5.088 MVA, trong đó 14 dự án lưới điện 500 kV, 24 dự án lưới điện 220 kV; kịp thời để đưa điện vào các trung tâm phụ tải của ba miền, đặc biệt là khu vực kinh tế trọng điểm phía nam đang còn thiếu điện. Ðiển hình là hoàn thành các dự án: TBA 500 kV Sông Mây, nâng dung lượng tụ bù dọc các đường dây 500 kV Hà Tĩnh-Ðà Nẵng, Plây Cu-Phú Lâm; nỗ lực giải phóng mặt bằng để xây dựng hoàn thành ÐD 500 kV Sông Mây-Tân Ðịnh và Phú Mỹ-Sông Mây, nhờ đó phụ tải khu vực ở miền Ðông Nam Bộ và TP Hồ Chí Minh đã khép kín được mạch vòng 500 kV, tạo ra được một bước ngoặt lớn, bảo đảm năng lực và độ tin cậy cung cấp điện cho khu vực quan trọng này. EVNNPT cũng hoàn thành một loạt công trình như đấu nối Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, Nghi Sơn 1, Nhà máy thủy điện Bản Chát, tập trung thi công xây dựng các công trình đấu nối Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Mông Dương; đã thu xếp vốn xong và bảo đảm tiến độ khởi công xây dựng ÐD 500 kV Sơn La-Lai Châu vào tháng 12-2013. Nhiều ÐD 500 kV, 220 kV đi qua những khu vực hết sức khó khăn như rừng núi, sông suối hiểm trở, việc thi công và vận hành của công nhân trên các tuyến ÐD này hết sức gian khổ, điển hình như ÐD 500 kV Plây Cu-Mỹ Phước-Cầu Bông (dài gần 500 km) công tác đền bù giải phóng mặt bằng hết sức khó khăn, vất vả. EVNNPT còn phải cải tạo nâng cấp nhiều ÐD và TBA 500 kV, 220 kV.
Năm qua, EVNNPT đã phải xoay xở để có được lượng vốn hơn 19 nghìn tỷ đồng để bảo đảm nhiệm vụ được giao. Năm 2014, EVNNPT được EVN giao với một khối lượng hết sức lớn, trong đó các ÐD 500 kV, 220 kV tăng thêm 2.979 km, dung lượng các TBA tăng thêm 8.488 MVA, với số vốn yêu cầu hàng chục nghìn tỷ đồng, đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề và to lớn. Một vấn đề cần được quan tâm nhiều năm và hiện tại là giá truyền tải ở mức thấp và không thay đổi là 83,3 đồng/kW giờ. Tuy giá điện đã được điều chỉnh qua ba lần nhưng giá truyền tải điện vẫn không được điều chỉnh trong suốt hai năm qua. Do giá truyền tải thấp nên hằng năm, doanh thu của EVNNPT đạt thấp, trong khi rất cần có chi phí để tái đầu tư, nâng cấp sửa chữa lưới điện truyền tải và tiền đối ứng cho đầu tư xây dựng để vay vốn ngân hàng. Từ thực trạng đó, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam kiến nghị Chính phủ tăng giá truyền tải điện, bảo đảm đạt từ 8-10% trong cơ cấu giá điện như ở các nước trong khu vực và thế giới; ưu tiên dành vốn ODA cho việc phát triển lưới điện truyền tải và chỉ đạo các địa phương có các đường dây và trạm đi qua hỗ trợ cho EVNNPT trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
ÐỂ hoàn thành được các mục tiêu, nhiệm vụ của Quy hoạch Ðiện VII đề ra là hết sức to lớn và nặng nề, vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực, chủ động của EVN thì cần sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương với các giải pháp đồng bộ, nhất là như ưu tiên vốn ODA, phát hành trái phiếu Chính phủ, bảo lãnh vốn vay… để thu xếp được đủ vốn cho phát triển hệ thống nguồn và lưới điện cho các năm tới, cũng như quan tâm, chỉ đạo tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án nguồn và lưới điện.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()