Tính đến trưa qua, các vết răn nứt mới chỉ còn cách quốc lộ 91 vài chục mét. Với những diễn biến trên, vụ sạt lở bờ sông Hậu lần này có nguy cơ lặp lại vụ sạt lở quốc lộ 91 kinh hoàng tại xã Bình Mỹ (huyện Châu Phú, An Giang) cách đây đúng 2 năm.
Diễn biến theo hướng xấu
Khoảng 6 giờ 30 phút sáng qua, ngày 4-3, hàng loạt nhà dân khu vực sụt, lún, rạn nứt ngày trước bắt đầu chuyển động, nghiêng và đổ sập xuống sông Hậu. Trực tiếp chứng kiến vụ sạt, ông Trần Văn Ngọc, ngụ khu vực Bình Đức 3 (phường Bình Đức, TP Long Xuyên) kể chi tiết: “Do đã được địa phương, công an cảnh báo nên cả đêm qua, chúng tôi hầu như không ngủ. Gần sáng thì nghe tiếng răng rắc liên tục. Khoảng hơn 6 giờ sáng, tiếng động mạnh hơn, người dân ra phía bãi bồi dưới kho Vạn Ý nhìn thì nhà bà con đổ ầm ầm. Chỉ chưa đầy mười lăm phút, toàn khu vực đã nằm gọn dưới sông”. Quan sát trực tiếp tại hiện trường, vụ sạt lở gây ra hàm ếch sâu hoắm, luồn vào trong. Chân nền đất bờ sông đã không còn, nước đổ từ thượng nguồn về tiếp tục xoáy mạnh vào trong bờ. Các vạt đất liên tục sạt thẳng xuống sông. Hiện địa phương đã lập hai vòng cảnh báo, túc trực canh gác 24/24 từ mép sạt lở vào sâu trong bờ.
Trong khi đó, tình hình di dời người dân vẫn tiếp tục khẩn trương. Đối với các hộ đã di dời trước đó, công tác đảm bảo chỗ định cư cơ bản hoàn tất. Tuy nhiên, do diễn biến vụ việc theo chiều hướng xấu đi, vết rạn nứt ăn sâu và xuất hiện mới liên tục nên những hộ dân nằm cặp quốc lộ 91 cũng bắt đầu di chuyển đồ đạc. Bên cạnh các lực lượng túc trực từ ngày trước của Lữ đoàn Pháo binh 6 (Quân khu 9) và các lực lượng công an, dân phòng, quân sự, bảo vệ dân phố địa phương… TP Long Xuyên còn huy động thêm cảnh sát giao thông, nhờ hỗ trợ của lực lượng Hải quân Trung đoàn Giang Thuyền 962 đóng trên địa bàn… cùng tham gia bảo vệ, tháo dỡ nhà cửa, di chuyển hàng hóa, nhà cửa người dân. Toàn bộ khu vực đã được cắt điện diện rộng nhằm bảo đảm an toàn cho công tác di dời. Đến chiều qua, việc di chuyển vẫn tiếp tục.
Phó Chủ tịch UBND phường Bình Đức, Nguyễn Thế Mỹ cho biết: Hiện khu vực di dời khẩn cấp thống kê có 23 nhà dân, trong đó có một nhà xưởng và một bãi chứa vật liệu xây dựng. Đối với nhà dân, việc di chuyển đồ đạc tương đối thuận tiện, tuy nhiên, với nhà xưởng do thiết bị nhiều, nặng nên chỉ các máy móc, thiết bị, vật dụng thiết yếu mới tháo dỡ di chuyển. Kho vật liệu xây dựng, cát đá… của Vạn Ý hầu như chỉ chuyển đi được một phần cát đá sâu trong bờ và các máy cẩu, xúc… ra khỏi khu vực. Đến thời điểm hiện tại, do chủ động cảnh báo, quy khu cảnh báo và di chuyển kịp thời nên thiệt hại do sạt lở chủ yếu là phần xác nhà, không thiệt hại về tính mạng người dân. Hiện khu vực còn 13 ngôi mộ, nhân dân có nguyện vọng di dời, bốc mộ khẩn cấp, chính quyền địa phương đang xin ý kiến thường trực thành phố Long Xuyên giải quyết.
Hiện, ngoài các nhà dân đã sạt lở, hiện trạng khu vực tiếp tục có chiều hướng răn nứt có độ rộng tăng dần từ 20cm đến 40cm, một số điểm đạt mức 50cm, độ lệch mặt đất từ vài mm đến vài cm.
Nghiêm trọng hơn cảnh báo!
Đó là nhận định của ông Hồ Văn Quý, Phó phòng Khoáng sản, Sở Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) tỉnh An Giang. Ông Quý cho biết: Ngay khi có tin báo của địa phương về việc sạt lở, đoàn công tác của Sở TN-MT tỉnh đã tiến hành quan trắc cho thấy khu vực xuất hiện hố sâu từ -25m đến -27m, dòng nước có tâm xoáy vào bờ, vết nứt nằm ngay tâm hố sâu.
Trong khi đó, kết quả quan trắc toàn khu vực mới nhất của Sở TN-MT An Giang cho thấy đoạn sông từ bến đò Cần Xây (phường Bình Đức) về hạ nguồn khu vực bờ kè Tỉnh ủy An Giang (phường Mỹ Bình) dài khoảng 3km, độ rộng dao động từ 500m đến 800m có nhiều hố sâu (khu vực sạt lở nằm trong khu vực trên, P.v). Trắc diện đáy sông hình chữ V và dòng chảy áp sát vào bờ phải, nhiều điểm đến 190m. Bên cạnh, do khu vực có nhiều kho bãi chứa vật liệu nặng, nhà máy nằm cặp bờ sông, tàu tải trọng lớn ra vào thường xuyên, do vậy, khả năng sạt lở lan rộng và tăng nhanh rất cao, mức báo động.
Tại cuộc họp khẩn cấp giải quyết vụ sạt lở tại Bình Đức, tất cả các thành viên, chuyên gia tham dự đều hết sức quan ngại khi thượng và hạ nguồn khu vực xảy ra sạt lở, từ xưởng đóng tàu Minh Hoàng đến bãi vật liệu xây dựng Vạn Ý, có bán kính 500m trong khu vực quan trắc thuộc phạm vi danh mục cảnh báo sạt lở cấp nguy hiểm dòng nước đang xoáy mạnh và sâu trong đất liền. Với diễn tiến vụ sạt lở hiện tại, ông Quý cho rằng, mọi tính toán đều có thể ngoài tầm kiểm soát, vượt mức xa mức cảnh báo do lưu lượng dòng chảy đang xoáy mạnh, vật liệu trong bờ mất ổn định… do vậy thời gian tiếp theo tình trạng sạt lở sẽ rất khó lường về thiệt hại.
Cũng cần nói thêm, bờ sông Hậu trên địa bàn thành phố Long Xuyên khu vực từ bến đò Cần Xây chạy dọc về phía hạ nguồn đến phường Mỹ Bình dài khoảng 3km trong vùng cảnh báo, chưa đầy sáu tháng qua đã xảy ra đến 3 vụ sạt lở đặc biệt nghiêm trọng. Trong đó, vụ sạt lở đang diễn ra là nghiêm trọng nhất, ảnh hưởng trực tiếp đến quốc lộ 91.
Cần giải pháp ứng cứu
Do mọi diễn biến sạt lở đã vượt tầm dự báo nên vấn đề hiện nay là cần giải quyết tốt các biện pháp khắc phục cấp bách, song song đó cần những biện pháp ứng cứu có tính bền vững.
Phó Chủ tịch UBND TP Long Xuyên Trần Thị Kim Loan cho biết, TP tạm xuất kinh phí khoảng 100 triệu đồng phục vụ công tác ứng cứu, di dời giải quyết những vấn đề cấp bách vụ việc. TP quyết tâm bằng mọi biện pháp giải quyết ổn định đời sống nhân dân trong khu vực, trách nhiệm của chính quyền địa phương là mọi giá phải giúp người dân định cư ổn định do thiên tai. Trước mắt, tiếp tục vận động, hỗ trợ nhân dân di dời đến vị trí an toàn. Bên cạnh đó, UBND TP báo cáo toàn bộ vụ việc đến Thành ủy, UBND tỉnh xin chủ trương và tích cực phối hợp các ngành trong công tác khắc phục sự cố.
Góc độ chuyên môn, đồng chí Ngô Công Thức, Phó Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải An Giang, người đã có kinh nghiệm ứng phó vụ sạt lở nghiêm trọng trên quốc 91 tại xã Bình Mỹ (Châu Phú) hai năm trước nhìn nhận: Với diễn tiến vụ việc cho thấy, vụ sạt lở là đặc biệt nghiêm trọng. Công tác ứng cứu trước mắt là cảnh báo, di dời khẩn cấp và khảo sát chuyên sâu dòng chảy, hố xoáy…. TP Long Xuyên và ngành chức năng cần tham mưu tỉnh xem xét công bố tình trạng thiên tai, sạt lở khẩn cấp, nhằm chủ động về mọi mặt, không để vụ việc vượt tầm kiểm soát, nhất là vượt khả năng giải quyết cấp địa phương. Mặt khác, có thể nghiên cứu, xin chủ trương về việc thực hiện giải pháp ứng cứu sạt lở hố xoáy bằng cách vô cát như vụ Bình Mỹ (Châu Phú), vì vụ việc đang diễn biến chiều hướng xấu, đe dọa trực tiếp đến quốc lộ 91. Ông Hồ Văn Quý, Phó Phòng Khoáng sản, Sở TN-MT An Giang cho biết, chiều cùng ngày, đoàn chuyên môn của Sở tiếp tục tiến hành khảo sát khu vực nhằm đưa ra hướng giải quyết cấp thiết. Về lâu dài, Sở tham mưu tỉnh tiến hành khơi thông dòng chảy nhánh trái cồn Phó Ba và Mỹ Hòa Hưng nhằm chuyển hướng dòng chảy, hạn chế đến mức tối đa sạt lở tuyến bờ sông Hậu ven quốc lộ 91 nhằm bảo vệ tuyến giao thông huyết mạch của tỉnh.
Ý kiến ()