Vượt số lượng, kém chất lượng
![]() |
Học sinh Trường THCS Chi Lăng (thành phố Lạng Sơn) trong giờ học Tiếng Anh |
Mở rộng đối tượng học
Năm học 2015 – 2016, toàn tỉnh có 249 trường tiểu học với 29.667 học sinh được học Tiếng Anh (đạt 100% số trường và gần 50% số học sinh). Ngoài nâng cao chất lượng dạy Tiếng Anh chương trình 7 năm tại tất cả các trường THCS và THPT, toàn tỉnh đã có 77 trường THCS với 19.260 học sinh (chiếm 38% số trường và 44% số học sinh) và 6 trường THPT với 293 học sinh được học chương trình Tiếng Anh hệ 10 năm. Riêng Trường THPT Chu Văn An, số học sinh học môn Tiếng Trung đã tăng trong những năm gần đây. Bên cạnh đó đã có 9 trường và 3 cơ sở mầm non với 69 nhóm lớp trên địa bàn thành phố Lạng Sơn thực hiện thí điểm cho trẻ làm quen với Tiếng Anh.
Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người học, Trung tâm Ngoại ngữ – Tin học đã nỗ lực khắc phục khó khăn để bồi dưỡng, giảng dạy ngoại ngữ cho nhiều đối tượng trên địa bàn. Ông Phạm Huy Thắng, Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ – Tin học cho biết: Đối tượng học Tiếng Anh, Tiếng Trung trên địa bàn tỉnh rất phong phú, họ là những cán bộ công chức, viên chức học tập để lấy văn bằng chứng chỉ, cũng có thể là những người kinh doanh buôn bán có nhu cầu học để giao tiếp làm ăn với người nước ngoài… Trong 5 năm 2011 – 2016, trung tâm đã đào tạo, bồi dưỡng trên 1.000 lượt người; riêng năm 2016 đã mở 5 lớp với 160 người theo học.
Tăng cường đội ngũ, tạo chuyển biến chất lượng
Toàn ngành hiện có 970 giáo viên trực tiếp dạy Tiếng Anh, trong đó có 242 giáo viên cấp tiểu học, 499 giáo viên cấp THCS và 229 giáo viên cấp THPT, cơ bản đáp ứng đủ biên chế. Về chất lượng, có 29,4% giáo viên chuẩn B2, C1 cấp tiểu học và THCS và 24,9% giáo viên cấp THPT đạt chuẩn. Với tỷ lệ đạt chuẩn thấp, hằng năm, các nhà trường đã cử giáo viên tham dự bồi dưỡng về chuyên môn tại tỉnh và các trường đại học lớn. Năm 2016 đã có 385 giáo viên được bồi dưỡng chuyên đề tại Trung tâm Ngoại ngữ – Tin học của tỉnh.
Ngành đã chỉ đạo đa dạng hóa các hình thức dạy và học như: tổ chức các chuyên đề, cuộc thi và giao lưu Tiếng Anh từ cấp trường đến cấp huyện, thành phố, tạo điều kiện cho học sinh được cọ sát, nâng cao kỹ năng, nhất là nghe, nói. Khi môn Tiếng Anh đã trở thành môn giáo dục bắt buộc trong nhà trường và là môn thi chính trong kỳ thi THPT quốc gia, ngành GD&ĐT đã đưa môn Tiếng Anh vào kỳ thi tuyển sinh cấp THPT. Chất lượng dạy và học Tiếng Anh đã có sự chuyển biến. Năm học 2016 – 2017, tỷ lệ hoàn thành môn Tiếng Anh ở cấp tiểu học đạt 99,68%; tỷ lệ khá, giỏi môn Tiếng Anh cấp THCS là 52,8%; cấp THPT là 42,9%.
Tuy vậy, so với mặt bằng chung của cả nước, chất lượng môn ngoại ngữ của Lạng Sơn vẫn còn rất thấp. Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, với điểm bình quân 3,554 điểm, Lạng Sơn đứng thứ 4 trong 10 tỉnh có bình quân điểm ngoại ngữ thấp nhất toàn quốc.
Đến nay, việc thực hiện học ngoại ngữ chương trình 10 năm đã vượt so với kế hoạch số 49/KH-UBND ngày 20/3/2017 của UBND tỉnh đề ra cho năm 2020 về số học sinh các cấp tham gia, song chất lượng còn phải phấn đấu rất nhiều. Muốn đạt được chất lượng theo quy định của từng cấp học, việc bổ sung số lượng và chuẩn hóa đội ngũ giáo viên có tầm quan trọng đặc biệt. Bên cạnh đó, cần đầu tư mạnh mẽ trang thiết bị cho phòng học ngoại ngữ; đa dạng hóa các hình thức học tập để nâng cao kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, chứ không đơn thuần là kiến thức bó hẹp trong sách giáo khoa.
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()