Vượt siêu bão số 3, tăng GDP quý III đạt tới 7,4%
Vượt qua những ảnh hưởng nặng nề của siêu bão Yagi, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III năm 2024 của Việt Nam vẫn tăng 7,4%, đưa tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2024 cán mốc 6,82%, mức tăng khá cao so với cùng kỳ năm 2023.
Xu hướng cải thiện rõ nét của nền kinh tế tạo kỳ vọng tăng trưởng GDP cả năm 2024 đạt khoảng 7%. Đây là những thông tin đáng chú ý tại cuộc họp báo của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố số liệu thống kê kinh tế-xã hội quý III và 9 tháng năm 2024 diễn ra sáng 6-10.
Tăng trưởng cao hơn kỳ vọng
Quý III, tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, nhanh và khó lường với nhiều rủi ro, bất ổn. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra ngày càng gay gắt, căng thẳng địa chính trị, xung đột quân sự leo thang ở một số quốc gia tác động đến hòa bình, ổn định trên thế giới, làm suy giảm hệ thống thương mại, đầu tư, sản xuất và tiêu dùng của các quốc gia.
Trong nước, bão số 3 đã gây nhiều thiệt hại về người, tài sản, hạ tầng kinh tế-xã hội và sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ở các tỉnh phía Bắc. “Trong bối cảnh khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản bị sụt giảm do ảnh hưởng của yếu tố thời tiết bất thường nhưng được bù đắp bởi mức tăng ấn tượng của ngành công nghiệp, khu vực dịch vụ tiếp tục duy trì mức tăng khá nhờ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng ổn định, tạo đà phát triển cho quý IV và cả năm”, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết.
Kết quả, GDP quý III năm 2024 ước tính tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,58%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,11%, khu vực dịch vụ tăng 7,51%. Tính chung, GDP 9 tháng năm 2024 ước tăng 6,82% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,2%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,19%; khu vực dịch vụ tăng 6,95%.
Có thể thấy, kết quả tăng trưởng GDP của nền kinh tế trong quý III cao hơn mức kỳ vọng trong bối cảnh nền kinh tế một số địa phương phía Bắc bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 3 đầu tháng 9 vừa qua. Theo Tổng cục Thống kê, để đạt được kết quả này, ngoài nỗ lực trong quản lý, điều hành của Chính phủ; sự đồng lòng, ủng hộ của người dân còn nhờ vào một số động lực chính như, kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý, bảo đảm các cân đối của nền kinh tế, tạo tiền đề, điều kiện cho kiến tạo phát triển. Hoạt động thương mại quốc tế sôi động tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế trong 9 tháng năm 2024. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 9 tháng đạt 578,5 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu đạt 299,6 tỷ USD, tăng 15,4%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 20,8 tỷ USD.
Cùng với đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục gia tăng là điểm sáng, hỗ trợ cho phát triển sản xuất và xuất khẩu. 9 tháng Việt Nam thu hút 24,78 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư thực hiện của khu vực FDI 9 tháng năm 2024 ước tăng 10,7% so cùng kỳ, cao hơn rất nhiều mức tăng 3,9% cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, đầu tư đang có xu hướng tăng lên nhờ hoạt động xuất khẩu phục hồi và các nhà đầu tư lạc quan hơn khi đầu tư vào các dự án. Nhiều doanh nghiệp FDI tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng đầu tư cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Động lực tăng trưởng chính những tháng cuối năm
Năm 2024 là năm bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025. Những mất mát, thiệt hại do siêu bão Yagi là một tham số cần phải tính đến, song Chính phủ vẫn kiên định phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cả năm khoảng 7%.
Đối với Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP đạt 6,1%, tăng 0,6 điểm phần trăm so với dự báo tại thời điểm tháng 6-2024; Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo đạt 6% (không thay đổi so với dự báo trong tháng 7-2024) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo đạt 6,1%, tăng 0,6 điểm phần trăm so với dự báo tại thời điểm tháng 4-2024.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bão số 3 và hoàn lưu sau bão ảnh hưởng tới 26 tỉnh, thành phố phía Bắc và Thanh Hóa. Các địa phương này chiếm hơn 41% GDP và 40% dân số cả nước. Tính chung cả năm, GDP có thể giảm 0,15% so với kịch bản tăng trưởng đưa ra vào cuối quý II (kịch bản tăng trưởng 6,8-7%). Tuy nhiên, trên cơ sở kết quả hoạt động kinh tế quý III và 9 tháng năm 2024, Tổng cục Thống kê nhận định khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 theo Nghị quyết Chính phủ từ 6,5-7% là khả thi. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 7% thì quý IV cần tăng 7,5%. “Với kết quả tăng trưởng của quý III và 9 tháng, cùng với nhận định về xu hướng tăng trưởng các tháng cuối năm, tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 khả năng cao đạt được mục tiêu cận trên của kịch bản tăng trưởng”, bà Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.
Về động lực tăng trưởng trong những tháng sắp tới, các ý kiến cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, thách thức, việc thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, ổn định chính trị, xã hội là yếu tố quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm 2024.
Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng, Cơ quan đại diện thường trú ADB tại Việt Nam bày tỏ lạc quan về triển vọng kinh tế năm 2024 của Việt Nam, trong đó, xuất khẩu, nhất là trong lĩnh vực sản xuất chế biến chế tạo và đầu tư công vẫn là những động lực tăng trưởng chính của kinh tế của Việt Nam.
Theo đó, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, điều này sẽ hỗ trợ trực tiếp cho các ngành như xây dựng, sản xuất và tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn; đồng thời các biện pháp kích thích tài khóa nên được ưu tiên trong bối cảnh Việt Nam còn dư địa ngân sách.
Còn ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) bày tỏ, về điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, Việt Nam cần có chính sách phù hợp, nếu chỉ tập trung nới lỏng tiền tệ và tài khóa để thúc đẩy tăng trưởng thì áp lực lạm phát sẽ gia tăng. Do đó, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến lạm phát, điều này cũng đồng thời với việc tạo dư địa tài khóa để ứng phó với các cú sốc trong tương lai.
Ý kiến ()