Vượt qua nỗi đau để bền bỉ sống và cống hiến cho đời
Nghệ sĩ nghiếp ảnh Nguyễn Trọng Nghị (áo trắng) ‘thuyết trình” tác phẩm của mình với người xem tại triển lãm ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày 24/8/2014. Nguồn: Hà Nội Mới |
Những người không cam chịu nỗi đau da cam
Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, từ năm 1961, quân đội Mỹ đã sử dụng chất độc hóa học, trong đó có một lượng lớn chất da cam/dioxin để ngăn cản cuộc chiến đấu giành tự do, độc lập, thống nhất đất nước của nhân dân ta.
Dấu mốc của hoạt động tội ác này bắt đầu vào ngày 10/8/1961 khi quân đội Mỹ cho máy bay phun rải chất độc hóa học dọc theo Quốc lộ 14 từ thị xã Kom Tum lên Đắk Tô. Ước tính, từ năm 1961-1971, quân đội Mỹ phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học (61% trong đó là chất da cam, chứa 366 kg dioxin) xuống các cánh rừng, sông suối, thôn ấp, khu đất trồng trọt… với tổng diện tích 3,06 triệu ha, gần bằng 1/4 tổng diện tích miền Nam Việt Nam. Chất độc cũng đã khiến hàng triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm hoặc trở thành nạn nhân và di chứng còn để lại đến thế hệ thứ 2, thứ 3, thậm chí thế hệ thứ 4 (1).
Trong số những nạn nhân chất độc da cam, có rất nhiều người là quân nhân và con cháu họ. Nhiều năm qua, họ phải chịu đựng nỗi đau cả thể chất lẫn tinh thần khó tưởng tượng nhưng họ không cam chịu. Từ sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, cộng đồng, những con người ấy vẫn kiên cường sống và cống hiến cho đời…
Triển lãm ảnh “Võ Nguyên Giáp-Đại tướng của nhân dân”của Trung tá Nguyễn Trọng Nghị ngày 24/8/2014 thu hút đông đảo người xem. Ảnh: Báo Quân đội nhân dân |
Trong số những nạn nhân chất độc da cam hiện nay, có nhiều tấm gương vượt lên nỗi đau để sống vui, sống khỏe, sống có ý nghĩa trong cộng đồng.
Một người trong số rất nhiều người đó là Trung tá Nguyễn Trọng Nghị ở phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Tham gia chiến đấu chống Mỹ ở Trường Sơn 11 năm trời, ông bị nhiễm chất độc da cam, di chứng còn ảnh hưởng đến 2 con gái và cháu ngoại. Sức khỏe ông suy sụp có lúc tưởng không qua khỏi. Song với bản lĩnh người Bộ đội Cụ Hồ, Trung tá Nguyễn Trọng Nghị đã nỗ lực vượt qua và hăng hái tham gia công tác xã hội rồi ông bén duyên với nghề nhiếp ảnh.
Dù không qua trường, lớp nào, chỉ với niềm đam mê, ông đã có nhiều bức ảnh nghệ thuật có giá trị và đoạt được nhiều giải thưởng.
Tại cuộc thi ảnh báo chí chào mừng SEA Games 22 năm 2003 tổ chức tại Việt Nam, ông đoạt giải Nhì với bức ảnh các cô gái Việt Nam mặc áo dài truyền thống, tay giương cao lá cờ của các nước tham dự Đại hội trong lễ diễu hành ở SVĐ Mỹ Đình.
Trong dịp cả nước kỷ niệm 53 năm Đường Hồ Chí Minh huyền thoại (19/5/1959-19/5/2012), bức ảnh ông chụp “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên” được người xem đánh giá cao vì đây là tư liệu quý.
Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm 104 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911-25/8/2014), 104 bức ảnh của ông đã được trưng bày tại triển lãm “Võ Nguyên Giáp-Đại tướng của nhân dân”. Đây là lần thứ 3 nghệ sĩ nhiếp ảnh-Trung tá Nguyễn Trọng Nghị tổ chức triển lãm ảnh về Đại tướng. Cũng vì tiếng thơm này, ông đã được nhiều tờ báo trân trọng mời làm cộng tác viên.
Vượt qua nỗi đau, tìm được niềm vui sống và cống hiến cho đời, Trung tá Nguyễn Trọng Nghị, người nay đã 79 tuổi đời, là nguồn động viên lớn lao cho những nạn nhân chất độc da cam nỗ lực vươn lên mỗi ngày…
Một trường hợp khác là anh Chu Quang Đức ở xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh, Hà Nội. Chàng trai sinh năm 1984 này nhiễm chất độc da cam do bố anh bị nhiễm chất da cam trong thời gian tham gia chiến đấu chống Mỹ ở chiến trường Quảng Nam – Đà Nẵng.
Chất da cam khiến tay, chân của Đức bị co quắp ngay từ nhỏ. Cuộc sống của anh gắn liền với chiến xe lăn, mọi sinh hoạt đều phải nhờ người trong gia đình giúp đỡ. Dù thế, Đức vẫn xin bố, mẹ đưa đến trường học tập. Suốt 12 năm, bố anh cần mẫn chở con trên chiếc xe đạp tới trường. Với Đức, ngồi đã khó, viết lại càng khó, song anh vẫn kiên trì luyện tập để học thật tốt…
Tốt nghiệp trung học phổ thông, anh thi đỗ vào Khoa Toán tin, Trường Đại học Sư phạm II. Dù gặp nhiều khó khăn, anh vẫn kiên tâm học tập nhờ sự giúp đỡ của bạn bè. Năm 2009, anh là 1 trong 5 sinh viên nhận bằng tốt nghiệp hạng xuất sắc của Khoa Toán tin. Ra trường, Chu Quang Đức được Trường Trung học phổ thông huyện Mê Linh nhận làm giáo viên giảng dạy môn Tin học.
Tấm gương học tập và kiến thức truyền đạt trên bục giảng của Chu Quang Đức đã truyền cảm hứng sống mạnh mẽ cho cả đồng nghiệp và các em học sinh.
Khu vực xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng. Ảnh: VGP |
Không nỗi đau nào của riêng ai
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có khoảng 75.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 2; 35.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 3; qua khảo sát tại một số địa phương, hậu quả chất độc da cam đã di nhiễm sang thế hệ thứ 4.
Ở nhiều tỉnh, trong số nạn nhân, có hơn một nửa là dân thường; 85% số hộ có 2 nạn nhân trở lên; 3% số hộ có 5 nạn nhân trở lên. Đời sống vật chất, tinh thần của họ còn rất khó khăn, thiếu thốn, nhất là những gia đình có nhiều nạn nhân, nhiều thế hệ nạn nhân, nạn nhân bị bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo, bệnh thường xuyên tái phát (2).
Cho rằng “nạn nhân chất độc da cam là những người nghèo nhất trong những người nghèo, những người đau khổ nhất trong những người đau khổ”, Đảng và Nhà nước ta đã kịp thời ban hành chính sách quan tâm chăm lo cho các nạn nhân. Cùng với đó, nhiều việc làm tình nghĩa của cộng đồng dành cho các nạn nhân góp phần xoa dịu nỗi đau của nhiều gia đình.
Hằng năm, Nhà nước dành ngân sách hơn 10.000 tỷ đồng để trợ cấp mỗi tháng, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam; hỗ trợ vùng đặc biệt khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề của chất độc da cam.
Hiện có hơn 320.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc da cam được hưởng chính sách ưu đãi như người có công với cách mạng. Các hộ gia đình có nạn nhân chất độc được hưởng trợ cấp xã hội, bảo hiểm y tế, khám, chữa bệnh miễn phí. Hàng trăm nghìn lượt người tàn tật, trong đó có nạn nhân da cam được chỉnh hình, phục hồi chức năng. Nhiều trẻ em bị hậu quả của chất độc được đi học trong các trường hòa nhập hoặc chuyên biệt… (3).
Bên cạnh đó, Nhà nước còn cấp hàng trăm tỷ đồng cho các công trình nghiên cứu khoa học khắc phục hậu quả môi trường… Đảng và Nhà nước còn có nhiều chỉ đạo về hoạt động khoa học và nỗ lực hợp tác quốc tế trong nghiên cứu tẩy độc, khắc phục ô nhiễm dioxin, nhất là tại các “điểm nóng” như sân bay Đà Nẵng, sân bay Phù Cát (Bình Định), sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) sân bay A So (Thừa Thiên-Huế)…
Những hoạt động này vẫn còn tiếp tục không ngừng nghỉ với tinh thần không nỗi đau nào của riêng ai!
Ý kiến ()