Vượt qua khó khăn, kinh tế Ấn Độ được dự báo tăng trưởng
Vượt lên những khó khăn do tác động của Thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) cũng như chiến dịch đổi tiền, kinh tế Ấn Độ sẽ đạt mức tăng trưởng 7,3% trong năm tài khóa 2018 – 2019 (từ 1/4/2018 đến 31/3/2019) và đạt 7,5% trong năm tài khóa 2019 – 2020 ( từ 1/4/2019 đến 31/3/2020).
Đó là nhận định trong Báo cáo cập nhật về tình hình phát triển của Ấn Độ do Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra ngày 14/3.
Theo Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ấn Độ tạm thời chậm lại trong 2 quý cuối cùng của tài khóa 2016 – 2017 (từ tháng 10/2016 đến cuối tháng 3/2017) và quý đầu tiên của năm tài khóa 2017 – 2018 (từ tháng 4 đến tháng 7/2017) do chiến dịch đổi tiền và những gián đoạn xoay quanh thời gian thực hiện ban đầu Thuế hàng hóa và dịch vụ. Tuy nhiên, hoạt động kinh tế của nước này đã bắt đầu ổn định từ tháng 8/2017.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cũng nêu rõ, trong khi dịch vụ tiếp tục duy trì là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ thì hoạt động công nghiệp của nước này dự kiến sẽ tăng trưởng với lĩnh vực chế tạo dự kiến tăng sau khi Thuế hàng hóa và dịch vụ được áp dụng còn lĩnh vực nông nghiệp nhiều khả năng tăng với tốc độ trung bình trong dài hạn.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới chỉ rõ, tăng trưởng của Ấn Độ trong những năm gần đây là nhờ sự hỗ trợ của “chính sách kinh tế vĩ mô thận trọng”, trong đó có khuôn khổ về lạm phát mới, những cải cách trợ giá năng lượng, củng cố tài chính, chi tiêu công chất lượng cao hơn và cân bằng ổn định tình hình thanh toán. Để đạt được mức tăng trưởng hơn 8% thì Ấn Độ sẽ cần phải tiếp tục cải cách nhằm giải quyết các vấn đề liên quan tới tín dụng và đầu tư, đồng thời tăng cường tính cạnh tranh trong lĩnh vực xuất khẩu của nước này.
Báo cáo cũng nêu cụ thể những chính sách cải cách của Ấn Độ đã và đang áp dụng nhằm cải thiện được môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho các dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài và giúp cho hoạt động tín dụng tốt hơn.
Theo nhận định của ông Junaid Ahmad – Giám đốc phụ trách Ấn Độ của Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng lâu dài của Ấn Độ đã trở nên vững chắc, ổn định, đa dạng và mau phục hồi hơn./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()