Vượt nắng thắng mưa trên đường 31
LSO - Quốc lộ 31 xuyên qua huyện Đình Lập là con đường ngắn nhất nối miền ngược với miền xuôi. Cùng với thời gian, con đường bị xuống cấp tới mức khó có thể lưu thông được. Không quản gian khó, những cán bộ, công nhân viên Công ty Quản lý sửa chữa xây dựng giao thông Lạng Sơn đã vượt nắng, thắng mưa sửa chữa quốc lộ 31 đoạn Đình Lập- Bản Chắt. Một đoạn quốc lộ 31 trước khi sửa chữaGặp tôi, ông Nguyễn La Bình, Phó Giám đốc Công ty Quản lý sửa chữa xây dựng giao thông Lạng Sơn tâm sự ngay: “Đường 31 tốt lắm rồi, khi nào chú có thời gian đi tuyến tìm hiểu thêm”. Nói vậy vì có lần tôi thắc mắc, sao đường 31 quan trọng vậy mà chậm nâng cấp? Chắc câu hỏi ấy làm ông nhớ để bây giờ khi tuyến mới được đầu tư ông đã “khoe”. Quốc lộ 31 nhìn trên bản đồ như một dải lụa đào ngoằn ngoèo qua những sườn dốc cheo leo. Có những địa danh như dốc 6 độ, ngầm Khe Vuồng… nghe mà chính người dân bản địa...
LSO – Quốc lộ 31 xuyên qua huyện Đình Lập là con đường ngắn nhất nối miền ngược với miền xuôi. Cùng với thời gian, con đường bị xuống cấp tới mức khó có thể lưu thông được. Không quản gian khó, những cán bộ, công nhân viên Công ty Quản lý sửa chữa xây dựng giao thông Lạng Sơn đã vượt nắng, thắng mưa sửa chữa quốc lộ 31 đoạn Đình Lập- Bản Chắt.
Một đoạn quốc lộ 31 trước khi sửa chữa
Gặp tôi, ông Nguyễn La Bình, Phó Giám đốc Công ty Quản lý sửa chữa xây dựng giao thông Lạng Sơn tâm sự ngay: “Đường 31 tốt lắm rồi, khi nào chú có thời gian đi tuyến tìm hiểu thêm”. Nói vậy vì có lần tôi thắc mắc, sao đường 31 quan trọng vậy mà chậm nâng cấp? Chắc câu hỏi ấy làm ông nhớ để bây giờ khi tuyến mới được đầu tư ông đã “khoe”.
Quốc lộ 31 nhìn trên bản đồ như một dải lụa đào ngoằn ngoèo qua những sườn dốc cheo leo. Có những địa danh như dốc 6 độ, ngầm Khe Vuồng… nghe mà chính người dân bản địa cũng phải lắc đầu. Nhưng đi vượt qua những nơi tột khó ấy lại mở ra một cánh cửa giao lưu kinh tế giữa các tỉnh miền xuôi, nối sang nước bạn. Vì thế, dù chưa hình thành cửa khẩu nhưng nhiều chủ hàng đã chọn lối 31 để xuất nhập hàng hóa.
Quan trọng là vậy nhưng suốt vài chục năm trời quốc lộ 31 không hề được nâng cấp. Để đi lại, người dân vẫn cứ phải dựa vào chính đôi chân của mình để vượt dốc, vượt ngầm suốt mấy chục năm trời. Đón chúng tôi đi tuyến, anh Trương Văn Chung, Phó trưởng phòng Quản lý công ty nói để khách yên tâm: cứ tà tà anh ạ, giờ ra tận cửa khẩu 3 tiếng đồng hồ thôi. Ba tiếng? Tôi hỏi lại vì trước đây mất nửa ngày, Chung đáp rất hồn nhiên: anh yên tâm đúng 3 tiếng vì 31 giờ không còn như xưa. Quả như lời anh Chung, xe vượt qua dốc 6 độ, những cành thông xòe ra như che kín mặt đường rung rinh đón chúng tôi. Trong buổi đầu đông nghe thoảng trong gió tiếng máy ì ì, tiếng đầm cóc bùm bụp, tiếng máy xúc gầm gào tạo một âm thanh vang động núi rừng. Có mặt tại đoạn thi công Pò Háng, cả công trường mấy chục công nhân, vai áo ai cũng đẫm mồ hôi dù gió mùa đang về. Đã 11 giờ mà không ai nghỉ, không khí công trường như nóng lên cùng máy xúc máy đầm. Máy chạy đến đâu, công nhân căng ra đến đấy. San, gạt, lấp và con đường phẳng phiu cứ thế lộ ra. Nói trong tiếng máy ầm ào, chị Hoàng Thị Thê, Hạt trưởng Hạt Quản lý giao thông Đình Lập tâm sự. Quốc lộ 31 trước đây khó lưu thông vì đường hỏng, đã có những tai nạn chết người do đường xấu. Công ty đã xin vốn đảm bảo giao thông bước một. Để thi công hiệu quả trên đã cho dùng nguyên liệu tại chỗ. Khẩu hiệu thi đua của công trường là: “Vượt nắng, thắng mưa, vượt tiến độ”. Với người dân Bính Xá, Đình Lập, tự nhiên thấy hàng chục xe thi công cơ giới vào xã họ còn ngạc nhiên hỏi nhau: “Người ta mang máy đi bán sang Tàu à”? bởi vì mấy ai tin đường 31 được đầu tư. Đường được sửa thật, thế là có nhà còn mổ cả gà mời mấy anh công nhân vào uống chén rượu gọi là mừng đường mới.
Công trình sửa chữa đường 31 được đầu tư trên 5 tỷ đồng. Tập trung vào các đoạn kè, mặt đường để đảm bảo giao thông. Đoạn xung yếu nhất là đoạn km 6, km 12 và 2 kè. Chỉ những đoạn đất san lấp mặt đường còn ngái mùi cây cỏ, anh Chung tâm sự, ở đây có cái dốc cua tay áo mà lái xe nào cũng ngán, đã thế phía ta luy âm lại là vực sạt lở. Toàn bộ Ban Chỉ huy công trường phải dồn vào đây đến hai phần ba quân số. Cách đây 1 tháng xe nhỏ khó có thể vào đây được, nhưng bây giờ khác rồi, hàng hóa xuất nhập khẩu đã lưu thông. Và mới đây theo báo cáo của huyện Đình Lập, thu phí cũng đạt cả trăm triệu đồng. Dưới cái nắng, gió đầu đông, đoạn thi công bụi mù. Đoạn kè như một con trăn khổng lồ đang vặn vẹo như thử sức người. Trên mình con trăn ấy, hàng chục cán bộ công nhân viên đang ra sức kè mái, bốc xúc, đầm san gạt mặt đường. Chị Thê tự hào, hầu hết ở đoạn này đất lún anh em phải làm thủ công, vì thế phải đề ra nhiệm vụ bám công trường, hoàn thành nhiệm vụ. Các tổ mở đợt thi đua lao động, vì thế tiến độ hoàn thành rất nhanh. Anh Hoàng Tài, tổ thi công kè tâm sự, ở đây mưa nắng thất thường nhưng chúng em không nghỉ để quyết tâm vượt tiến độ. Dưới gió bấc đầu đông mà mồ hôi của những người công nhân vẫn ướt đầm vai áo. Cũng từ thi đua, bờ kè các đoạn đường xung yếu được hoàn thành rất nhanh, nhanh đến mức ông Chu Điềm, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Bính Xá, người rất quan tâm đến con đường cũng phải ngạc nhiên: “Công nhân làm kiểu gì mà nhanh thế”? Chỉ trong vòng 2 tháng thi công, đường 31 từ Đình Lập đi Bản Chắt đã dần hoàn thiện, giờ đây hàng có thể chạy một mạch ra cửa khẩu mà không cần chờ đường.
Khi tôi đang viết bài này, chắc đường 31 đã nối niềm vui ra biên giới. 27 km đường Đình Lập- Bản Chắt đã đạt tiêu chuẩn đảm bảo giao thông bước một. Và chắc rằng nó sẽ góp phần đắc lực vào phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Đây cũng sẽ là động lực để người dân vươn lên làm giàu.
Bài ảnh: Nguyễn Đông Bắc
Ý kiến ()