Vượt mục tiêu giai đoạn 2012-2015
LSO-Thực hiện Quyết định số 89/QĐ-TTg, ngày 9/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 172/KH-BCĐ, ngày 26/9/2013 về xây dựng xã hội học tập (XHHT) đến năm 2020, ngành GD&ĐT Lạng Sơn đã có nhiều hình thức triển khai và thu được những kết quả bước đầu.
Cán bộ xã của huyện Cao Lộc dự bồi dưỡng tin học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện |
Linh hoạt trong hoạt động giáo dục
Triển khai Đề án Xây dựng XHHT trong bối cảnh tỉnh đã hoàn thành và giữ vững phổ cập giáo dục tiểu học- chống mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập THCS. Tuy nhiên, chất lượng phổ cập ở một số huyện như: Bình Gia, Cao Lộc, Lộc Bình, Đình Lập chưa cao; tỷ lệ người trong độ tuổi 15-60 chưa biết chữ còn lớn; việc điều tra huy động ra lớp và duy trì lớp phổ cập còn nhiều khó khăn.
Trước tình hình ấy, ngành GD&ĐT với vai trò là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh, Ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập đã thực hiện nhiều giải pháp linh hoạt trong việc tạo cơ hội học tập suốt đời cho người dân.
Trước hết, ngành tổ chức điều tra, huy động, mở và duy trì các lớp bổ túc từ cấp tiểu học đến cấp THPT. Sắp xếp lại và tổ chức các hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng (HTCĐ) tại 226/226 xã, phường, thị trấn, tạo điều kiện cho công tác học tập, bồi dưỡng suốt đời, đáp ứng mọi nhu cầu của người dân. Phối hợp với lực lượng biên phòng tổ chức kiện toàn, xây dựng và huy động người dân các xã biên giới đi học nhằm nâng cao kiến thức toàn diện cho họ.
Ông Cao Văn Đông, Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên – Sở GD&ĐT cho biết: trong 3 năm (2013-2015), phòng đã tham mưu cho Sở GD&ĐT- cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo chấn chỉnh hoạt động của trung tâm HTCĐ, cử giáo viên cấp THCS hoặc tiểu học sang công tác biệt phái theo tính chất bán chuyên trách; giao cho các trung tâm GDTX làm nòng cốt giúp đỡ các trung tâm HTCĐ về chương trình, trang thiết bị và cách tổ chức. Thực hiện phối hợp chặt chẽ với lực lượng biên phòng thực hiện chương trình phối hợp. Vì vậy, việc xây dựng XHHT đã đi vào những nội dung thực chất hơn, có hiệu quả hơn.
Kết quả thực hiện các mục tiêu đến năm 2015
Năm học 2014-2015, toàn tỉnh đã mở 6 lớp với 180 học viên ra lớp xóa mù chữ, trong đó có 5 lớp với 145 học viên xóa mù chữ và 1 lớp với 35 học viên được giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ; 19 lớp bổ túc THCS với 271 học viên; duy trì tại trung tâm GDTX và bổ túc THPT xã, cụm xã với trên 2.000 học viên. Tất cả 226 trung tâm HTCĐ đã hoạt động, trong đó có 144 trung tâm kết hợp nhà văn hóa xã, 100% trung tâm được cấp kinh phí hoạt động theo quy định. Tổng số giáo viên “biệt phái” là 226 người. Các trung tâm đã tổ chức 6.282 lớp chuyên đề, thu hút 285.034 người đến học. Đến hết tháng 11/2015, toàn ngành đã có trên 1.800 chương trình tập huấn, bồi dưỡng, trên 900 văn bản được triển khai tuyên truyền.
Với sự chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, các giải pháp linh hoạt, đến hết năm 2015, toàn tỉnh đã có 543.086/555.898 người trong độ tuổi 15-60 biết chữ, đạt 97,7% (vượt 1,2% so với chỉ tiêu đề ra). Trong đó có 169.477/170.052 người trong độ tuổi 15-25 biết chữ, đạt tỷ lệ 99,66% (vượt 0,66%). Trong 3 năm qua, toàn tỉnh đã có 432 cán bộ công chức cấp xã tham gia học bổ túc THPT; trên 2.400 lượt cán bộ công chức, viên chức cấp xã tham gia học tin học, ngoại ngữ. Các chỉ tiêu về bồi dưỡng kiến thức lãnh đạo cấp xã, đào tạo nghề… đều vượt. Việc xây dựng, hoàn thiện kỹ năng sống, giá trị sống cho học sinh, sinh viên, người lao động… đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Nói về kết quả thực hiện giai đoạn, đồng chí Trần Quốc Tuấn, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng: việc hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra cho năm 2015 chứng tỏ sự chỉ đạo sát sao của Ban chỉ đạo cấp tỉnh; sự thực hiện sáng tạo và quyết liệt của ngành GD&ĐT; sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang. Kết quả này là tiền đề cho Lạng Sơn thực hiện xây dựng XHHT giai đoạn 2016-2020 với mức phấn đấu cao hơn, bền vững hơn.
TRẦN KIM
Ý kiến ()