Vượt lên số phận, giúp đỡ người cùng cảnh ngộ
Sinh ra, vốn bình thường như bao đứa trẻ khác nhưng số phận không may mắn sau khi trải qua trận sốt khi mới tròn 2 tuổi, đôi chân anh Trần Xuân Diệu bị teo không đi lại được.Dẫu chịu nhiều thiệt thòi nhưng luôn lạc quan tin tưởng vào cuộc sống và từ tay trắng anh đã xây dựng được một cơ ngơi sản xuất vật liệu gỗ xây dựng và đồ gỗ mỹ nghệ; quản lý gần 20 thợ mộc, đóng, xẻ gỗ; 10 thợ khuyết tật có tay nghề chạm khắc gỗ; nuôi dạy miễn phí bảy em khuyết tật tại cơ sở của mình.Anh Trần Xuân Diệu sinh năm 1979 ở vùng quê nghèo huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, trong gia đình đông anh em. Dù bị tật nguyền nhưng hiểu nỗi khó khăn và cơ cực của gia đình nên anh luôn suy nghĩ phải có ý chí vượt lên số phận. Điều may mắn đã đến với anh, thắp lên niềm hy vọng mới khi anh 14 tuổi. Sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, anh quyết định xin ba mẹ theo học nghề mộc. Vốn bản tính thích học hỏi, ham...
Dẫu chịu nhiều thiệt thòi nhưng luôn lạc quan tin tưởng vào cuộc sống và từ tay trắng anh đã xây dựng được một cơ ngơi sản xuất vật liệu gỗ xây dựng và đồ gỗ mỹ nghệ; quản lý gần 20 thợ mộc, đóng, xẻ gỗ; 10 thợ khuyết tật có tay nghề chạm khắc gỗ; nuôi dạy miễn phí bảy em khuyết tật tại cơ sở của mình.
Anh Trần Xuân Diệu sinh năm 1979 ở vùng quê nghèo huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, trong gia đình đông anh em. Dù bị tật nguyền nhưng hiểu nỗi khó khăn và cơ cực của gia đình nên anh luôn suy nghĩ phải có ý chí vượt lên số phận. Điều may mắn đã đến với anh, thắp lên niềm hy vọng mới khi anh 14 tuổi. Sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, anh quyết định xin ba mẹ theo học nghề mộc. Vốn bản tính thích học hỏi, ham hiểu biết, anh nhanh chóng biết nghề và mày mò tìm hiểu thêm về cách chế tạo đồ gỗ mỹ nghệ.
Những thử thách lớn đến với chàng thanh niên khuyết tật khi bước vào nghề với hai bàn tay trắng. Khi đó, anh mạnh dạn thuê một lô đất cạnh quốc lộ 1A thuộc thôn Hà Thanh, xã Gio Châu, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị dựng tạm một lán nhỏ mở cơ sở sản xuất đồ gỗ. Vì không có tiền vốn mua nguyên liệu, anh chạy vạy khắp nơi tìm các mối gỗ hỏi mua nợ. Nhiều lúc trở trời, đôi chân hành hạ đau nhức không thể đứng vững nhấc nổi tấm gỗ mỏng, nên có lúc anh đã muốn buông xuôi.
“Thời gian đầu, khó khăn lắm vì người ta nghĩ mình tật nguyền nên hoài nghi liệu có làm được không? Khi ấy mình cảm thấy rất tủi thân, nhưng sinh ra vốn vậy thì biết làm sao, lòng dặn mình và tự an ủi hãy cố gắng nếu mình buông bỏ cho cuộc đời ra sao thì ra lúc ấy người khổ nhất là mình rồi ba mẹ nữa. Mình sinh ra không được may mắn nên cứ mong trời sẽ chẳng phụ lòng người”, đôi mắt rớm nước, Trần Xuân Diệu nói về thời kỳ đầu lập nghiệp của mình.
Với đức tính chịu thương chịu khó, vợ chồng anh Diệu chăm chỉ làm việc mở rộng cơ sở sản xuất, kinh doanh, năm 2008 anh quyết định thành lập doanh nghiệp tư nhân Xuân Diệu. Hiện tại, cơ sở của anh một năm thu lãi hơn 600 triệu đồng. Chuyên sản xuất vật liệu gỗ, nội thất phục vụ xây dựng, đồ mỹ nghệ có uy tín trên địa bàn. Mỗi thợ làm tại xưởng thu nhập ổn định mỗi tháng 4 triệu đồng.
Ngoài tạo công việc và thu nhập ổn định cho mình, anh luôn ấp ủ ước muốn giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ. Anh nhiệt tình đến từng gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn, có con em khuyết tật, lắng nghe, động viên đưa các em về nuôi ăn và dạy nghề miễn phí với mong muốn giúp các em không tự ti mặc cảm, có nghề nghiệp tự nuôi sống bản thân. “Anh Diệu như người anh trai luôn giúp đỡ khi chúng em gặp khó khăn. Nhà nghèo, được sự giúp đỡ của anh, chúng em lên đây học nghề mong sau này có thể tự nuôi bản thân và phụ giúp gia đình. Mỗi dịp Tết đến, anh Diệu may quần áo, mua kẹo mứt, và gửi tiền cho chúng em về quê ăn Tết cùng gia đình. Điều đó đã giúp chúng em không cảm thấy tủi phận và mặc cảm với mọi người chung quanh.” Em Trần Quốc Dũng (19 tuổi) quê Cửa Việt, Gio Linh, Quảng Trị chia sẻ.
Hiểu được nỗi lòng của chồng cộng đức tính chịu thương chịu khó, chị Nguyễn Thị Thông – vợ anh, luôn cùng chồng tạo điều kiện ăn ở trong nhà và truyền nghề miễn phí cho các em thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn. Những em học thành nghề ở lại cơ sở của anh làm việc có mức thu nhập hằng tháng hơn 3 triệu đồng. Nhiều người từng học nghề ở chỗ anh đã tạo dựng gia đình, lo được cuộc sống ổn định.
Theo Nhandan
Ý kiến ()