Vượt lên số phận
(LSO) – Bị tai nạn, toàn thân bất động, cánh cửa cuộc đời tương như đã khép lại với anh Hoàng Văn Tuấn, sinh năm 1978, thôn Bản Châu, xã Tri Lễ, huyện Văn Quan. Thế nhưng với ý chí và nghị lực phi thường của bản thân, anh đã vượt qua tất cả. Câu chuyện của anh đã truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ về tinh thần vượt lên số phận.
Tại lễ tuyên dương “Thanh niên tiến tiến làm theo lời Bác” câu chuyện của anh Hoàng Văn Tuấn đã truyền cảm hứng cho hơn 500 thanh niên tham gia buổi lễ. Từ chỉ nằm một chỗ, mọi sinh hoạt đều phải có người giúp đỡ, bằng nghị lực của bản thân, anh đã tự luyện tập, hồi phục sức khỏe, tự học chữ, học điều chỉnh thiết bị âm thanh và sửa chữa thiết bị làm đẹp và có nguồn thu nhập ổn định.
Năm 2005, trong một lần tham gia giao thông, anh Tuấn bị tai nạn. Tỉnh dậy trong bệnh viện sau 15 ngày hôn mê biết mình còn sống nhưng đa chấn thương, không thể cử động, không nói được. Anh thấy mọi thứ như sụp đổ trước mắt. Hơn 1 tháng điều trị anh xuất viện với tình trạng toàn thân bó cứng. Lúc này, cần nhất là sự đồng hành của những người thân trong gia đình thì vợ anh lại bỏ đi.
Anh Hoàng Văn Tuấn nhận bằng khen của Tỉnh đoàn Lạng Sơn tuyên dương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác
Từ khi bị tai nạn, cuộc sống của gia đình anh phụ thuộc vào cô con gái 8 tuổi. Hằng ngày, ngoài giờ học em đi nhặt ve chai, rau rừng, rau dại… và chăm sóc bố. Hơn 2 năm trời chăm bố ốm, kiếm gạo, tìm rau đắp đổi qua ngày là những tháng ngày tưởng chừng như không thể vượt qua của cả hai cha con. Ý thức được mình phải tự vươn lên, anh Tuấn đã tự luyện tập với mục tiêu đầu tiên là phải nói được. Anh tập điều chỉnh hơi thở theo cách người ta thổi bóng. Sau gần 1 năm anh bắt đầu nói được.
Giọng nói trở lại anh nhờ người thân giúp mình treo sợi dây thừng lên xà nhà để luyện tập. Ban đầu chẳng ai dám làm vì nghĩ anh có ý định tự tử. Anh sử dụng sợi dây thừng để tập luyện đôi tay, cầm, nắm, nâng lên, đặt xuống, rồi tự nâng người, tự ngồi… Anh tâm sự: Nói thì dễ nhưng với một người mất cảm giác tay, chân thì việc đơn giản của người thường là giơ tay lên với tôi cũng không phải điều dễ dàng. Sau thời gian dài nằm một chỗ, lúc bắt đầu ngồi dậy thì hoa mắt, chóng mặt, đau mỏi chẳng thể ngồi lâu. Sau hơn 6 tháng luyện tập, đôi tay dần có cảm giác trở lại…Trong thời gian này, anh bắt đầu học chữ. Một người đã 28 tuổi tự học chữ không phải điều dễ dàng. Với niềm đam mê âm nhạc, anh dùng các đĩa nhạc Karaoke vừa hát theo vừa nhìn chữ trên màn hình để học, dần dần anh có thể tự đọc được.
Đôi tay có cảm giác anh nghĩ ngay đến chuyện mưu sinh. Trong tay vốn có nghề sửa chữa xe máy nhưng lại không có tiền sắm phụ tùng, anh nghĩ ra cách dùng mọi thứ có thể đổi được trong nhà như xô, chậu, cũ… đổi lấy những phụ tùng còn dùng được từ những chiếc xe máy cũ mà những người buôn phế liệu mua về. Những phụ tùng đổi được anh thay cho người dân trong vùng. Lúc mới trở lại nghề sửa chữa, anh Tuấn chưa thể tự ngồi được, vậy là cả người vẫn nằm trên giường chỉ có đôi tay với xuống đất làm việc.
Khi bắt đầu kiếm được tiền anh đặt vấn đề với người thu mua phế liệu mua lại của họ những chiếc xe máy cũ. Anh tự bổ máy, lấy những thứ còn dùng được, phần còn lại bán cho người thu mua phế liệu. Những thứ còn tốt như: vòng bi, nhông, xích, vành… anh bán cho bà con trong xã. Với người dân vùng nông thôn những phụ tùng dù đã qua sử dụng nhưng còn tốt, giá rẻ nên họ rất ưa chuộng. Việc tận dụng những phụ tùng cũ tuy không cho nhiều thu nhập nhưng đã giúp bố con anh Tuấn vượt qua những khó khăn ban đầu.
Nhớ lại quãng thời gian khó khăn, anh kể: Khi sức khỏe khá hơn, tôi mua được 1 chiếc xe lăn cũ từ người buôn phế liệu với mong muốn có thể tự đi lại được. Thế nhưng với người tàn tật như tôi việc ngồi và điều khiển chiếc xe cũng không đơn giản như người thường. Tất cả đều phải luyện tập, từng chút một, lúc đầu chỉ 5 phút, rồi 7 phút, sau cả tháng như vậy tôi mới có thể ngồi lên và điều khiển nó.
Công việc vất vả, thu nhập chỉ đủ trang trải cuộc sống tối thiểu của hai bố con, nhưng anh luôn giữ tinh thần lạc quan. Đam mê âm nhạc, thích ca hát anh chủ động tìm hiểu về các thiết bị âm thanh rồi bị cuốn vào lúc nào không hay. Từ thợ sửa chữa xe máy anh chuyển sang chỉnh âm thanh, loa đài cho các đám cưới trong vùng. Thấy anh chỉnh tốt, các cửa hành kinh doanh Karaoke cũng mời anh đến căn chỉnh. Cứ như vậy, nghề chỉnh âm thanh đến với anh rất tự nhiên, tiếng lành đồn xa, không chỉ chỉnh âm thanh cho người dân trong huyện, cuối năm 2018 anh ra thành phố Lạng Sơn lập nghiệp và được rất nhiều người ủng hộ.
Trong quá trình làm việc tại thành phố Lạng Sơn, thấy máy móc của các cửa hàng kinh doanh dịch vụ làm đẹp như: spa, tóc, da, móng… thường xuyên bị hỏng. Trên địa bàn thành phố lại không có người sửa nên họ phải gửi về công ty. Vậy là anh lại thử sức với công việc mới, ban đầu là xin họ cho sửa thử, anh tháo tung mọi thứ, tìm hiểu nguyên tắc vận hành, công năng sử dụng và cách sửa các lỗi. Sau khi tìm tòi, tự học anh đã có thêm kinh nghiệm và có thể sửa nhiều loại máy. Chính vì thế cửa hàng của anh ngày càng đông khách. Đến nay, anh đã có một cửa hàng ổn định tại thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc với thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng. Cô con gái nhỏ năm nào giờ đã thành thiếu nữ em đang học việc tại một cơ sở chăm sóc sắc đẹp trên địa bàn thành phố. Cuộc sống của 2 cha con đã khá lên nhiều.
Khi chúng tôi liên hệ, do thay đổi thời tiết anh đang phải chịu cơn đau từ những vết thương cũ trên cơ thể, tuy vậy, anh vẫn vui vẻ tiếp chúng tôi. Có được ngày hôm nay với hai cha con anh Hoàng Văn Tuấn là cả một hành trình dài được anh đánh đổi bằng mồ hôi và nước mắt song anh luôn tâm niệm một điều “cánh cửa này đóng lại thì cánh cửa khác sẽ mở ra” nếu bản thân thực sự cố gắng thì tương lai luôn rộng mở.
HOÀNG VƯƠNG
Ý kiến ()