Vượt lên nỗi đau, hết mình vì nạn nhân chất độc da cam
– Nhắc đến ông Nông Hồng Phong, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc Da cam/dioxin thành phố Lạng Sơn, nhiều người hết lời khen ngợi, ngưỡng mộ nghị lực của người cựu chiến binh, thương binh, nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC). Vượt qua mọi nỗi đau của bản thân, ở “cái tuổi xưa nay hiếm”, ông vẫn dành thời gian nghiên cứu, tư vấn chế độ, chính sách và huy động các nguồn lực để chia sẻ, động viên, giúp đỡ những người cùng hoàn cảnh vượt qua khó khăn.
Năm 1972, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông Nông Hồng Phong (khi đó 27 tuổi) đang làm việc tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tỉnh Lạng Sơn lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu ở mặt trận Đông Nam Bộ. Sau 4 lần bị thương nặng, năm 1976, ông Phong trở về quê hương, tiếp tục công tác trong ngành ngân hàng đến năm 2005 thì nghỉ hưu.
Ông Nông Hồng Phong, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin thành phố Lạng Sơn (bên phải) đến thăm gia đình hội viên tại phường Hoàng Văn Thụ
Hiện tại, bản thân ông, 2 người con và 1 người cháu nội của ông đều bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin. Cơ thể các con, các cháu hầu hết có các vết chàm, nổi cục. Buồn nhất là con trai cả của ông học đến năm thứ hai đại học thì phát bệnh qua đời. Còn ông Phong với 32 vết thương lớn nhỏ trên người, những khi trái gió trở trời thì đau không tả xiết.
Vượt lên những nỗi đau của bản thân và gia đình, những năm qua, ông Phong luôn thấu hiểu, tận tình giúp đỡ đồng đội của mình – những người lính đến nay vẫn mang trong mình chất độc da cam. Năm 2012, ông bắt đầu tham gia hoạt động Hội NNCĐDC/ dioxin, dành thời gian nghiên cứu các văn bản pháp luật để tư vấn, hỗ trợ các NNCĐDC hoàn thiện hồ sơ, hưởng chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước theo quy định. Từ năm 2015 đến nay, ông Phong được hội viên tin tưởng bầu làm Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin thành phố Lạng Sơn.
Ngày hai buổi, trên chiếc xe đạp cũ, ông Phong đều đặn đến trụ sở hội miệt mài làm việc, nghiên cứu. Cùng với các thành viên của hội, ông Phong thường xuyên đến với những người lính bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, con cái, bệnh tật, xác định đối tượng nào có đủ điều kiện để hội phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội thành phố làm hồ sơ giúp họ được hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước. Từ năm 2015 đến nay, ông đã trực tiếp tư vấn, hỗ trợ 118 trường hợp, trong đó có 112 trường hợp đã được công nhận hưởng chế độ, chính sách hằng tháng.
Cùng với đó, ông Phong cùng Thường trực hội thường xuyên vận động nhiều nguồn lực xây dựng quỹ hội để có kinh phí hỗ trợ hội viên. Từ năm 2015 đến nay, ông đại diện hội phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể kêu gọi hơn 40 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ủng hộ và tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà cho những người mẹ, người vợ có công trực tiếp chăm sóc chồng, nuôi dưỡng các con bị nhiễm chất độc da cam/dioxin trong các dịp lễ, tết với tổng số quà trị giá trên 200 triệu đồng. Qua đó, góp phần chăm lo đời sống tinh thần và vật chất cho nạn nhân và động viên, hỗ trợ các gia đình có NNCĐDC khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Đặc biệt, tháng 7/2021, hội đã phối hợp với Đảng ủy, UBND phường Hoàng Văn Thụ hỗ trợ để hội viên Nguyễn Thành Khôi (khối 3, phường Hoàng Văn Thụ) sửa chữa lại nhà ở. Được ở trong ngôi nhà mới, ông Nguyễn Thành Khôi vui mừng cho biết: Gia đình tôi là NNCĐDC 3 thế hệ, cuộc sống gia đình rất khó khăn, phải ở nhà lụp xụp. Được sự quan tâm của Hội NNCĐDC/dioxin thành phố Lạng Sơn và được cấp ủy, chính quyền phường hỗ trợ 70 triệu đồng, tôi đã có điều kiện sửa lại nhà ở, lợp lại mái, lát gạch, sơn tường. Giờ đây, có nhà khang trang để ở, tôi vui mừng, yên tâm hơn rất nhiều.
Với những việc làm thiết thực, đầy ý nghĩa, những năm qua, ông Phong nhiều lần được các cấp, ngành vinh danh, tặng giấy khen, bằng khen vì những đóng góp để góp phần xoa dịu nỗi đau da cam. Đặc biệt, năm 2020, ông được Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam tặng bằng khen vì đã có thành tích trong phong trào thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam” giai đoạn 2015 – 2020.
Ý kiến ()