Vượt lên nỗi đau da cam
Năm 1966, anh Nguyễn Duy Đức ở Đồng Lạc, Chí Linh (Hải Dương) nhập ngũ và được điều về công tác tại K10 bảo vệ đoàn gùi thồ Bình Sơn, thuộc huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Cuối năm 1968, anh được chuyển sang làm giao liên cho binh trạm 43 thuộc Đoàn 559.Trong ba năm hoạt động ở các vùng từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi, anh đã trực tiếp chứng kiến nhiều vụ máy bay Mỹ rải chất độc hóa học để làm rụng lá cây nhằm phát hiện các căn cứ và tuyến đường vận chuyển tiếp tế của hậu phương miền bắc chi viện cho chiến trường miền nam nói chung và địa bàn quân khu 5 nói riêng. Anh Đức cho biết: "Trong những năm chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược, các căn cứ, vị trí trú quân của ta phần lớn đều ở rừng núi, chúng tôi sống dưới các cánh rừng già héo khô, uống nước suối, ăn rau rừng. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, với sức trẻ nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc được chúng tôi đặt lên trên hết, nên không ai nghĩ chất...
Trong ba năm hoạt động ở các vùng từ Thừa Thiên – Huế đến Quảng Ngãi, anh đã trực tiếp chứng kiến nhiều vụ máy bay Mỹ rải chất độc hóa học để làm rụng lá cây nhằm phát hiện các căn cứ và tuyến đường vận chuyển tiếp tế của hậu phương miền bắc chi viện cho chiến trường miền nam nói chung và địa bàn quân khu 5 nói riêng. Anh Đức cho biết: “Trong những năm chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược, các căn cứ, vị trí trú quân của ta phần lớn đều ở rừng núi, chúng tôi sống dưới các cánh rừng già héo khô, uống nước suối, ăn rau rừng. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, với sức trẻ nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc được chúng tôi đặt lên trên hết, nên không ai nghĩ chất độc hóa học sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho mình đến thế”.
Cuối năm 1969, do sức khỏe có phần giảm sút, anh được đơn vị cho đi điều dưỡng ở Đoàn 050 thuộc binh trạm 31. Sức khỏe hồi phục, anh được đơn vị cử đi học lái xe vận tải ba tháng tại Trường 963. Tốt nghiệp lớp lái xe anh lại cùng đồng đội vận chuyển những chuyến hàng an toàn theo đường 10 vượt đèo 900 phục vụ chiến trường miền nam. Bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, anh Đức cùng 15 đồng đội tiếp tục đi vào các tỉnh, thành phố thuộc khu 5 để dẹp các xe của Mỹ, ngụy bị cháy, dọn đường để cho xe của ta cơ động thuận lợi tiến vào giải phóng Sài Gòn.
Chiến tranh chấm dứt, tháng 8-1975 được phục viên trở về gia đình, niềm ao ước lớn nhất của anh Đức và người vợ hiền là sinh ra những người con khỏe mạnh, ngoan ngoãn, sau này trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Năm 1976, niềm vui lớn đến với anh chị khi cô con gái đầu lòng ra đời mạnh khỏe, bình thường. Nhưng tiếp sau đó là những bất hạnh dồn dập, cô con gái thứ hai sinh năm 1980 bị câm, điếc, con gái thứ ba sinh năm 1982 bị nói ngọng, cậu con trai thứ tư, sinh năm 1988 cũng giống chị thứ hai khi bị câm, điếc. Anh Đức bộc bạch: Vợ chồng tôi sinh con ra mà ruột đau như cắt, nuôi con càng nhiều năm gia cảnh càng nghèo, con càng lớn càng đau khổ, vì các cháu không thể ở riêng được, toàn bộ ngần ấy người phải sống chung trong căn nhà cấp bốn chật hẹp, không có một vật dụng gì đáng giá, nhất là những tiện nghi phục vụ sinh hoạt cho các con.
Để tạo điều kiện giúp đỡ gia đình anh Đức, năm 2011 Hội nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin tỉnh Hải Dương phối hợp Thị hội và chính quyền, đoàn thể xã Đồng Lạc tổ chức vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm giúp đỡ gia đình anh Đức. Bằng tình thương yêu, đùm bọc “lá lành đùm lá rách”, Công ty phát triển nhà Trường Linh đã ủng hộ 50 triệu đồng, tỉnh hội ủng hộ 10 triệu đồng, thị hội ủng hộ hai triệu đồng và dòng họ ủng hộ năm triệu đồng. Với số tiền nói trên cùng công sức của các cựu chiến binh, các đoàn thể ở thôn, xã, chỉ trong thời gian ngắn một ngôi nhà 40 m2 mái bằng kiên cố đã được dựng lên trong niềm vui mừng không chỉ của riêng gia đình anh Đức mà còn của người dân trong thị xã.
Nỗi đau da cam là nỗi đau chung của nhiều người, nhiều gia đình. Cho dù cố gắng đến đâu, thì họ cũng không thể có cuộc sống như những người bình thường trong xã hội, bởi hằng ngày họ phải đối mặt với bệnh tật, thuốc men và những cơn đau hành hạ cả về thể xác lẫn tinh thần… Hàng trăm câu hỏi vẫn đặt ra hằng ngày đối với những người lính đã một thời không tiếc máu xương để chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Chính vì vậy, sự sẻ chia, đùm bọc, giúp đỡ của cộng đồng đối với họ là rất cần góp phần cùng các nạn nhân khắc phục khó khăn trong cuộc sống hằng ngày.
Theo Nhandan
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()