Vượt khó thi công các dự án giao thông trọng điểm
Do diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19, các dự án giao thông trọng điểm gặp khó khăn lớn về huy động nhân lực, thiết bị, tổ chức thi công tại hiện trường. Các đơn vị chủ đầu tư, nhà thầu xây lắp đã linh hoạt triển khai các biện pháp nhằm “vượt dịch bệnh”, bù đắp tiến độ thi công bị ảnh hưởng, đồng thời vẫn bảo đảm chất lượng công trình.
Bảo đảm hoạt động công trường
Đoạn cao tốc Mai Sơn – quốc lộ 45 thuộc dự án cao tốc bắc – nam phía đông do Ban Quản lý dự án Thăng Long làm đại diện chủ đầu tư, dài hơn 63 km (qua Ninh Bình hơn 14 km, qua Thanh Hóa gần 49 km), tổng mức đầu tư khoảng 12.111 tỷ đồng, chia thành 5 gói thầu xây lắp, hiện đang đồng loạt thi công xây dựng. Công trình này được xem là “điển hình” của ngành giao thông với đủ các đặc thù: Công tác giải phóng mặt bằng phức tạp, thi công trên nền đất yếu, nguồn vật liệu và bãi đổ thải khó khăn. Tại Ninh Bình, qua rà soát, trữ lượng vật liệu đất đắp đủ điều kiện khai thác phục vụ cho dự án rất hạn chế, hiện còn thiếu khoảng 1 triệu m3. Tỉnh Thanh Hóa hiện tại đã chấp thuận 13 mỏ đất, 20 mỏ cát, 11 mỏ đá cung cấp cho thi công, nhưng công suất khai thác các mỏ rất thấp, chưa theo kịp tiến độ yêu cầu. Trên tuyến cũng có các loại hạng mục cầu, hầm lớn, phức tạp như cầu Vĩnh An, Núi Đọi, hầm Thung Thi, Tam Điệp,… Giám đốc Quản lý dự án Lương Văn Long cho biết, trên toàn dự án đang triển khai 67 mũi thi công tại năm gói thầu, gồm 29 mũi thi công đường, 33 mũi thi công cấu kiện và 4 mũi thi công hầm. Tổng sản lượng thi công hiện đạt khoảng 1.555,6 tỷ đồng, tương đương gần 23% giá trị xây lắp theo hợp đồng, vẫn cơ bản bám sát yêu cầu. Tuy vậy, do dịch diễn biến phức tạp, đã ảnh hưởng lớn đến công tác huy động nhân sự, thiết bị, vận chuyển và tập kết vật tư, vật liệu của nhà thầu và làm chậm tiến độ thi công.
Ban Quản lý dự án Thăng Long được giao quản lý nhiều dự án trọng điểm, yêu cầu tiến độ hết sức gắt gao như dự án cải tạo, nâng cấp đường băng, đường lăn sân bay Nội Bài; đường vành đai 3 trên cao, đoạn Mai Dịch – Nam Thăng Long; cao tốc bắc – nam đoạn Mai Sơn – quốc lộ 45 và Phan Thiết – Dầu Giây,… Hiện nay, các dự án đã qua giai đoạn thời tiết mùa khô thuận lợi để thi công, lại bị “làn sóng” dịch lần thứ tư cản lại khiến tiến độ càng gặp khó khăn, đặc biệt tại TP Hà Nội, Đồng Nai và Bình Thuận đang giãn cách xã hội. Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long Dương Viết Roãn cho biết: Do tiến độ cấp bách của các dự án trọng điểm quốc gia, theo chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải, Ban Quản lý dự án Thăng Long đã lên kế hoạch chi tiết để triển khai thi công, bảo đảm yêu cầu dù trong bối cảnh dịch bùng phát, vẫn không làm ngưng trệ hoạt động trên công trường, không gây ảnh hưởng tới tiến độ dự án. Tất cả công trường “cửa đóng, then cài”, hạn chế tối đa tiếp xúc với bên ngoài; tuân thủ nghiêm quy định 5K; tăng cường quản lý “ba tại chỗ” đối với việc ăn ở, sinh hoạt và thi công xây dựng trong phạm vi công trường; chia ca kíp để làm việc xuyên đêm với số lượng công nhân phù hợp, bảo đảm giãn cách tối đa. Các tổ, đội, mũi thi công được tổ chức riêng biệt nhằm tránh tập trung đông người; ứng dụng công nghệ thông tin để tương tác, trao đổi công việc,…
Giữ ổn định tiến độ thi công
Tại dự án cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 7 Hoàng Tuấn Khoát cho biết, sau khi có hai cán bộ thuộc gói thầu số 1 bị dương tính với Covid-19, dẫn tới nhiều trường hợp F1, F2 phải đi cách ly, công trình bị gián đoạn thi công 1 tuần. Ban Quản lý dự án 7 và các nhà thầu đã xốc lại tinh thần cán bộ, công nhân, bắt tay vào thi công trở lại và kiểm soát chặt dịch bệnh tại công trường. Toàn dự án đã huy động gần 1.600 cán bộ kỹ thuật, lái máy, cùng 850 thiết bị máy móc, triển khai hơn 60 mũi thi công trên toàn công trường dài hơn 100 km. Các nhà thầu đã chủ động trong các khâu tập kết nhân lực, huy động thiết bị, tài chính, tiếp cận nguồn vật liệu,… và cố gắng khắc phục khó khăn phát sinh cho nên về cơ bản vẫn bám sát tiến độ thi công. Ban Quản lý dự án 7 cũng điều chỉnh kế hoạch, chỉ đạo nhà thầu chuyển hướng các mũi thi công cầu, cống, hầm chui, sản xuất cấu kiện đúc sẵn và tập kết vật tư để kiểm soát tiến độ và giá trị sản lượng thực hiện. Các nhà thầu, đơn vị tham gia thi công cũng ưu tiên huy động nhân lực tại chỗ và kiểm soát chặt chẽ, chủ động đăng ký với chính quyền địa phương nhằm bảo đảm phòng chống dịch Covid-19; giữ ổn định công trường, tiến độ thi công và kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công.
Hiện nay, do đặc thù công tác thi công, các dự án trọng điểm cần số lượng lớn vật tư, máy móc và thiết bị phải vận chuyển từ những vùng phạm vi lân cận đến công trường. Những diễn biến phức tạp của dịch thời gian qua tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công các dự án. Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long Dương Viết Roãn cho biết, đã báo cáo Bộ Giao thông vận tải có ý kiến đề nghị các địa phương tạo điều kiện cấp “luồng xanh” cho các xe vận chuyển vật tư, vật liệu phục vụ thi công dự án; tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục, quy định trong công tác phòng, chống dịch.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mùa mưa bão đang đến gần, ảnh hưởng bất lợi đến việc triển khai dự án, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các đơn vị chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu lập kế hoạch thi công chi tiết các hạng mục, công trình; tập trung huy động thiết bị, bố trí nhân lực tranh thủ thời tiết thuận lợi triển khai các mũi thi công liên tục, đẩy nhanh tiến độ; chủ động sản xuất, tập kết vật liệu, lắp dựng trạm trộn,… có giải pháp phù hợp, linh hoạt “vượt dịch” để điều hành các dự án ở hiện trường…
Ý kiến ()