Vượt khó, làm giàu trên đồng đất quê hương
Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) vừa vinh danh 38 quốc gia có thành tích nổi bật trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Trong đó, Việt Nam được đánh giá đã về đích trước năm năm khi giảm số người nghèo, đói từ 46,9% (32,16 triệu người) giai đoạn 1990-1992 xuống còn 9,45% (8,01 triệu người) năm 2010. Ðằng sau chiến lược đúng đắn của Chính phủ, sự đầu tư, hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, là nỗ lực vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng của không ít những người nông dân ngay trên mảnh đất quê hương.
Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) vừa vinh danh 38 quốc gia có thành tích nổi bật trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Trong đó, Việt Nam được đánh giá đã về đích trước năm năm khi giảm số người nghèo, đói từ 46,9% (32,16 triệu người) giai đoạn 1990-1992 xuống còn 9,45% (8,01 triệu người) năm 2010. Ðằng sau chiến lược đúng đắn của Chính phủ, sự đầu tư, hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, là nỗ lực vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng của không ít những người nông dân ngay trên mảnh đất quê hương.
Người nông dân trẻ Nguyễn Hữu Thanh, 31 tuổi, đưa chúng tôi đến thăm trang trại nuôi gà của anh nằm gần bờ biển thôn Minh Tân Bắc, xã Ðức Minh (Mộ Ðức, Quảng Ngãi). Năm 2008, được sự đầu tư của gia đình, vay vốn của người thân, anh Thanh mạnh dạn lên UBND xã xin thành lập khu chăn nuôi gà. Ðây là thời điểm quan trọng thay đổi cuộc sống của anh bởi trước đó, sau khi hết nghĩa vụ quân sự, Thanh đã đi làm nhiều nơi, nhưng cuộc sống rất bấp bênh. Và anh nhận ra, không nơi nào sống và làm việc tốt hơn chính mảnh đất quê hương mình. Vạn sự khởi đầu nan, với số vốn gần 500 triệu đồng, ngoài việc đầu tư xây dựng chuồng trại, Thanh mua 10 nghìn con gà giống về nuôi. Kinh nghiệm chưa có, lại là người đầu tiên thành lập trang trại ở vùng đất trống chỉ có cát và cây phi lao, khó khăn bộn bề. Nhiều lúc nản, tưởng chừng phải bỏ cuộc, nhưng được sự động viên của gia đình, nhất là từ người cha của mình, anh quyết tâm mày mò, tìm bằng được bí quyết để thành công. Chỉ sau hơn một năm gắn bó với trại nuôi gà, cơ hội đã đến với Thanh khi Công ty sản xuất thức ăn gia súc của Thái-lan đóng tại tỉnh Ðồng Nai cử cán bộ giúp đỡ anh về con giống, thuốc chữa bệnh, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm chăn nuôi. Sau sáu năm, đàn gà của Thanh phát triển lên 14 nghìn con, chưa bao giờ mắc phải dịch bệnh. Mỗi năm, Thanh cho xuất chuồng bốn lứa, mỗi lứa lãi 350 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho gia đình, trang trại gà của anh tạo việc làm thường xuyên cho bốn lao động là những người nghèo trong xã; lúc chuẩn bị xuất chuồng, anh phải thuê thêm mười nhân công mới bảo đảm công việc.
Giống như Nguyễn Hữu Thanh, xuất thân từ một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, anh Huỳnh Tấn Phát, ở thôn Trường Lệ, xã Hành Tín Ðông (Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) xuất ngũ năm 2001, trở về địa phương với hai bàn tay trắng. Anh Phát cũng từng bỏ nhiều công sức mong tìm được công việc phù hợp, thu nhập ổn định nhằm nuôi bản thân và giúp đỡ gia đình. Lặn lội kiếm tìm, rồi cuối cùng Phát lại trở lại quê nhà và quyết định gắn bó với mảnh đất quê hương khi nhận ra tiềm năng đất rừng còn ít ai khai thác. Năm 2005, thông qua Hội Nông dân xã, anh mạnh dạn vay 300 triệu đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư xây dựng chuồng trại và 20 con lợn; số tiền còn lại Phát đầu tư trồng 2 ha rừng. Anh Phát cho biết, keo tai tượng rất phù hợp vùng đất quê mình và quyết định đầu tư trồng keo, lấy lãi từ trồng rừng đầu tư vào chăn nuôi. Ðến nay, ngoài trồng rừng, anh đầu tư một trang trại nuôi khoảng 300 con lợn, trung bình mỗi năm xuất chuồng ba lứa lợn. Tận dụng chất thải từ chuồng trại, Phát đầu tư xây bể bi-ô-ga, lấy chất đốt phục vụ sinh hoạt hằng ngày, làm giàn che mát cho trại lợn. Ngoài ra, anh còn mở thêm xưởng sửa chữa xe gắn máy.
Trong chuyến đi công tác tại tỉnh Gia Lai, chúng tôi được cán bộ Ngân hàng Chính sách – Xã hội đưa đi thăm một số hộ nghèo đã sử dụng rất hiệu quả đồng vốn vay để phát triển kinh tế. Ðến thăm nhà anh Rơ Lan Hoa, dân tộc Gia Rai ở làng Bi, xã Ia Ia Grái, huyện Ia Grai, nhìn vườn cao-su xanh ngát hơn 1 ha của anh, ít ai nghĩ rằng trước đây từng là bãi đất bỏ hoang, cỏ dại um tùm. Ðể làm được điều này, anh Hoa đã được Huyện đoàn phối hợp cùng Ngân hàng Chính sách – Xã hội huyện cho vay 30 triệu đồng phát triển kinh tế. Ngoài trồng cao-su, anh Hoa còn đầu tư trồng cà-phê. Không chỉ anh Hoa biết tận dụng lợi thế đất đai, mà các nông dân ở miền đất Tây Nguyên này giờ đây học tập nhau, đầu tư trồng cà-phê. Chị Ksor H’Lak, dân tộc Gia Rai ở làng Breng 2, xã Ia Dêr được Hội Phụ nữ đứng ra tín chấp Ngân hàng Chính sách – Xã hội vay tiền phát triển kinh tế. Ðược vay vốn sản xuất, chị mua ba con bò, mua cây giống cà-phê về trồng. Nhờ chịu khó tích góp, học hỏi cách làm ăn của các hộ người Kinh trong làng, đến nay chị H’Lak đã có 500 gốc cà-phê, 200 cây sầu riêng, hơn năm sào lúa nước, thu nhập hằng năm hàng trăm triệu đồng. Chị Ksor H’Lak cho biết: Do tập quán làm ăn cũ, mình chỉ biết làm rẫy thôi. Ðã vậy, vợ chồng mình đông con, khó khăn lắm. Mình biết ơn Hội Phụ nữ, nếu không có tiền vốn, cán bộ không đến tận nhà hướng dẫn cách làm ăn, thì gia đình mình không biết đến bao giờ mới hết đói, hết nghèo. Bây giờ, gia đình mình đã trả lại sổ nghèo rồi. Các cháu ăn học đến nơi, đến chốn, trở thành cán bộ nhà nước cả rồi.
Ông Ðinh Êm, dân tộc Ba Na, ở thôn 1, xã Ðông, huyện Kbang mới chỉ qua một lần vay vốn chính sách mà đã cơ bản thoát nghèo. Năm 2011, gia đình ông vay 20 triệu đồng mua hai con bò lai sinh sản. Số tiền còn lại, ông mua giống mía cao sản, cải tạo lại đất trồng 2 ha mía. Ðược sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ nông nghiệp, hai con bò cái lai đang chuẩn bị sinh sản. Hai héc-ta mía đã cho thu hoạch, thu lời hơn 60 triệu đồng. Ông Ðinh Êm chia sẻ: Trước đây có đất nhưng không biết làm ăn đâu. Cây chỉ trồng một vụ thôi, năm được, năm mất, thiếu ăn lắm. Nay, được cán bộ dạy cách làm ăn, hướng dẫn vay tiền ngân hàng, dù chưa đến hạn trả nợ nhưng mình cũng đã trả đủ cả gốc lẫn lãi. Mình đang muốn được vay thêm 30 đến 40 triệu đồng nữa để mua đất trồng thêm mía, nuôi thêm bò đẻ để làm giàu.
Xóa đói, giảm nghèo nơi vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, dân tộc ở đất liền đã khó, chuyện xóa đói, giảm nghèo ở huyện đảo xa xôi cách trở như Phú Quốc còn khó hơn. Phú Quốc hiện có 1.860 hộ nghèo, trong đó có 250 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ. Theo quy định, thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/hộ/tháng trở xuống là hộ nghèo, từ 501 đến 650.000 đồng/tháng là hộ cận nghèo. Tuy nhiên, tiêu chí này có lẽ không phù hợp với điều kiện sinh hoạt của người dân trên đảo. Do điều kiện đi lại xa xôi, hàng hóa ra đảo bao giờ cũng cao hơn đất liền từ 1,5 đến ba lần. Trong khi đó, giá cả thị trường luôn biến động theo chiều hướng tăng, dẫn tới tình trạng, nhiều hộ có thể kiếm từ 2,5 đến ba triệu đồng/tháng vẫn rơi vào tình trạng kinh tế khó khăn. Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Quốc, Nguyễn Hồng Tươi cho rằng: Chính quyền, Hội Phụ nữ đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong hỗ trợ vốn, chuyển giao kỹ thuật cho các gia đình nghèo do phụ nữ làm chủ hộ vươn lên, thoát nghèo nhưng nguy cơ tái nghèo luôn rình rập. Ngoài nguyên nhân giá cả tăng cao thì việc quy hoạch đã và đang ảnh hưởng đến 103 nghìn hộ dân nơi đây. Tiến độ đầu tư chậm, đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư đang là vấn đề bức xúc đối với người dân. Nhiều gia đình hội viên Hội Phụ nữ nằm trong vùng quy hoạch phải di dời đến nơi ở mới. Cuộc sống tái định cư không ổn định, việc làm thất thường, thu nhập bấp bênh khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn, nhất là chị em phụ nữ.
Thông qua các chương trình hỗ trợ vốn, Hội LHPN huyện Phú Quốc chỉ đạo cấp hội cơ sở xây dựng các mô hình giúp nhau phát triển kinh tế, như duy trì các tổ góp vốn xoay vòng, tổ tiết kiệm, tổ mua sắm vật dụng gia đình bằng hình thức trả góp. Ðến nay, toàn huyện thành lập mới 27 tổ tiết kiệm vốn xoay vòng gồm 642 thành viên, với tổng số tiền gần 330 triệu đồng, giúp 13 chị vay. Nhờ đó, nhiều chị đã vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo. Chị Võ Thị Nga ở khu phố 9, thị trấn Ðông Dương có hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn. Một mình chị lăn lộn kiếm tiền chữa bệnh cho chồng, nuôi bốn đứa con ăn học. Sau hai lần được vay vốn phát triển kinh tế, cộng thêm sự tần tảo, chị đi vá lưới, tráng bánh thuê, đến nay, gia đình chị Nga đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo. Chị xúc động nhớ lại: “Khi chồng tôi qua đời, tưởng như không gượng lại được. Ðúng lúc đó thì đồng vốn do Hội Phụ nữ đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách đến tay. Nhờ ba triệu đồng vay lần đầu vào năm 2009, tôi cầm tiền trang trải nợ nần, đóng học phí cho con. Nhờ đó, hai đứa con lớn đang đi học trung cấp nghề và cao đẳng. Ðó là của để dành lớn nhất của đời tui”.
Những tấm gương người dân vươn lên từ đói nghèo mà chúng tôi được gặp mặt, trò chuyện ở Quảng Ngãi, Gia Lai, Kiên Giang… đã minh chứng một điều: Ðó là dù còn nhiều khó khăn, nhưng người dân nói chung và người nông dân nói riêng hoàn toàn có thể thoát nghèo, vươn lên từ chính mảnh đất quê hương mình. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, bài học thoát nghèo ở đây là phải dựa vào chính sự nỗ lực bản thân, không chùn bước trước khó khăn, vất vả. Ngoài ra còn ở chỗ, khả năng phân tích, sử dụng đồng vốn được vay, được hỗ trợ hiệu quả, thiết thực. Bên cạnh đó, cần biết tận dụng lợi thế từ đất đai, nguồn nguyên liệu, nhu cầu của địa phương để tìm hướng đi cụ thể, phù hợp trong phát triển sản xuất. Những người có hoàn cảnh khó khăn, thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, sau quá trình phấn đấu bền bỉ nay đã trở thành những người làm ăn giỏi trên quê hương mình, góp phần giải quyết việc làm, giúp người nghèo trong xã thoát nghèo vươn lên.
Trang trại nuôi gà của anh Nguyễn Hữu Thanh ở thôn Minh Tân Bắc, xã Minh Ðức (Mộ Ðức, Quảng Ngãi).
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()