Vượt khó khăn, thực hiện mục tiêu kép trong phát triển kinh tế - xã hội
Ngày 3-11, trong ngày làm việc thứ tám, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020; kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021 và một số nội dung quan trọng khác.
Nỗ lực bảo đảm cuộc sống của nhân dân
Thảo luận tại hội trường về các vấn đề kinh tế – xã hội, đa số các đại biểu thống nhất các báo cáo của Chính phủ đã nhận định, đánh giá toàn diện, cụ thể về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2016 – 2020; đánh giá cao những chính sách điều hành của Chính phủ, sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc phòng, chống đại dịch Covid-19, đặc biệt là công tác ứng phó với thiên tai, bão lũ xảy ra với các tỉnh miền trung vừa qua; bảo đảm ổn định đời sống của người dân, thực hiện mục tiêu kép trong phát triển kinh tế – xã hội.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan (TP Hà Nội), Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) và một số đại biểu khác nêu rõ, năm 2020 là một năm khó khăn chồng chất khó khăn, chúng ta phải gánh chịu những tổn thất nặng nề chưa từng có do dịch bệnh, thiên tai khó lường. Nhưng nước ta cơ bản vẫn đạt được mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, tăng trưởng đạt hơn 2%, vẫn là điểm sáng trong khu vực và thế giới. Thời gian tới, cần tập trung hơn vào chính sách tài chính, tài khóa, ưu tiên phát triển du lịch. Hiện, nhiệm vụ quan trọng nhất là nỗ lực đạt mức cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2020, sau đó là chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi bắt đầu từ năm đầu tiên kế hoạch 2021 – 2025. Đặc biệt, Chính phủ sớm ban hành các quy định tạo cơ chế chính sách, kích cầu phát triển ngành du lịch, góp phần vực nhanh phát triển kinh tế thời hậu Covid-19.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường. Năm 2021 và những năm tiếp theo, vấn đề quan trọng hàng đầu trong mục tiêu kép là phải khôi phục nền kinh tế và ngăn ngừa hiệu quả không để tái diễn dịch Covid-19. Ổn định đời sống sinh hoạt của người dân, tạo công ăn việc làm cho người lao động, đồng thời kích cầu tiêu dùng, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tái tạo lại sản xuất, kinh doanh… Đề nghị Chính phủ có giải pháp hữu hiệu hơn trong việc lựa chọn, phân bổ các dự án đầu tư công, tránh cào bằng, chủ nghĩa bình quân theo từng bộ, ngành, địa phương. Kiên quyết thu hồi, chuyển vốn các dự án chậm triển khai, xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu khi tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư chậm do yếu tố chủ quan được xem là không hoàn thành nhiệm vụ…
Bảo vệ rừng để phòng, chống thiên tai
Trước những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng bất thường, thiên tai gây nhiều thiệt hại, nhiều đại biểu QH đưa ra vấn đề về phát triển thủy điện và bảo vệ rừng. Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang), việc xây dựng nhiều dự án thủy điện vừa và nhỏ đã phá vỡ một tỷ lệ diện tích rừng đáng kể, làm đất đá xói mòn, nguy cơ lũ quét, lũ ống ngày càng gia tăng ở các vùng núi, trung du… Bên cạnh hiệu quả hoạt động của một số công trình thủy điện, trong thời gian qua, một số công trình còn bộc lộ nhiều bất cập. Công tác thẩm định dự án, công tác đánh giá tác động môi trường của dự án chưa thật sự tốt. Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) kiến nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát các dự án thủy điện vừa và nhỏ trong cả nước để đánh giá hiệu quả hoạt động, từ đó có phương án quy hoạch phát triển điện hiệu quả, bền vững. Đồng thời, đề xuất QH có chuyên đề giám sát việc trồng lại rừng thay thế của các dự án xây dựng hồ đập và thủy điện trong những năm qua…
Nhiều đại biểu cho rằng, trước những thiệt hại về người và cơ sở vật chất do thiên tai gây ra, cần phải nhìn nhận đúng tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng trong phòng, chống thiên tai. Chính phủ cần xem xét điều chỉnh tiêu chí phân bổ ngân sách trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 cho các tỉnh có tỷ lệ diện tích che phủ rừng cao, đồng thời đề nghị Chính phủ có chính sách sắp xếp ổn định dân cư vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai có nguy cơ lũ lụt, sạt lở cao để bảo đảm an toàn cho người dân. Bên cạnh đó, QH cần xem xét có chương trình chính sách phát triển lâm nghiệp và vùng nguyên liệu lâm nghiệp đối với khu vực các tỉnh miền núi. Coi phát triển lâm nghiệp là giải pháp quan trọng thực hiện mục tiêu bảo đảm an ninh nguồn nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, làm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra… Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) đề nghị có những cơ chế, chính sách khuyến khích trồng rừng gỗ lớn, trồng cây bản địa, rừng sinh kế cho người dân. Đồng thời đề nghị rà soát lại toàn bộ hệ thống hồ đập, đặc biệt là các dự án thủy điện vừa và nhỏ trong phạm vi cả nước để đánh giá tác động môi trường… Ngoài ra, QH cần sớm ban hành nghị quyết về an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập chứa nước cùng với hằng năm Chính phủ cần sửa đổi, bổ sung các nghị định, thông tư liên quan đến các luật như: Luật Tài nguyên, Luật Thủy lợi… vì đây là hành lang pháp lý để tổ chức, cá nhân vận hành và các địa phương triển khai thực hiện với phương châm bốn tại chỗ: Sinh thủy tại chỗ, giữ nước tại chỗ, bảo vệ tại chỗ và điều hành, vận hành, phân phối tại chỗ.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường báo cáo, giải trình các vấn đề được đại biểu QH nêu. Theo Bộ trưởng, đến nay, nước ta có tổng diện tích 14,6 triệu héc-ta rừng, trong đó rừng tự nhiên 10,3 triệu héc-ta, rừng trồng đạt 4,3 triệu héc-ta. Đây là một sự cố gắng vượt bậc của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Bởi vì năm 1990, Việt Nam chỉ có chín triệu héc-ta rừng, lúc đó hệ số che phủ chỉ 27%, trong vòng 30 năm, với một đất nước GDP còn thấp, chúng ta quyết tâm xây dựng một nền kinh tế bền vững, phát triển rừng là trọng yếu để bảo vệ môi trường. Do đó, đến hôm nay, chúng ta đã có tới 14,6 triệu héc-ta rừng, hệ số che phủ rừng đạt 42%, thế giới bình quân 29%. Bộ trưởng cho biết, thời gian tới, chính sách khoanh nuôi, bảo vệ rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng cần được cải thiện, nâng cao mức tiền công khoán để bảo đảm từng bước nâng cao chất lượng khoanh nuôi bảo vệ rừng…
Đầu tư hiệu quả các tuyến đường sắt đô thị
Vấn đề quy hoạch đô thị và các dự án đầu tư, xây dựng các tuyến đường sắt đô thị gắn kết với không gian đô thị cũng là vấn đề được một số đại biểu quan tâm. Một số đại biểu cho rằng, đầu tư tuyến đường sắt đô thị chỉ hiệu quả cao khi đầu tư toàn tuyến, bởi tính kết nối liên thông là rất quan trọng. Bên cạnh đó, khi ký hợp đồng với các nhà thầu, cần chuẩn bị đủ các điều kiện, nhất là giải phóng mặt bằng… TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đang đô thị hóa mạnh mẽ, phát triển bùng nổ, gây áp lực lớn đến hệ thống hạ tầng cơ sở vốn đã quá tải, đặc biệt là hạ tầng giao thông và hệ lụy là ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người dân, làm thiệt hại kinh tế và là điểm nghẽn về phát triển bền vững của hai thành phố… Vì vậy, Chính phủ, QH cần tháo gỡ vướng mắc trong quy hoạch, có cơ chế, chính sách để đầu tư tích hợp hệ thống đường sắt đô thị gắn với tái cấu trúc đô thị cũ, phát triển khu mới như: đô thị vệ tinh, đô thị hai bên sông Hồng, sông Sài Gòn để hai siêu đô thị tháo gỡ điểm nghẽn, phát triển bền vững, văn minh, hiện đại, có bản sắc…
Giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã có ý kiến về vấn đề giao thông đô thị, nhất là những vướng mắc vừa qua của một số tuyến đường sắt đô thị và vấn đề giao thông của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Theo Bộ trưởng, đường sắt đô thị là loại hình giao thông hiện đại, là hướng đột phá để giải quyết ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn và cần sự ủng hộ của Chính phủ, của QH để bố trí nguồn lực và tổ chức xây dựng nhanh hơn, tốt hơn, đáp ứng được yêu cầu phát triển. Tuy nhiên, thời gian qua đã bộc lộ nhiều vấn đề, đặc biệt là chậm tiến độ. Qua các dự án hiện nay, Bộ đã rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc liên quan vấn đề quy hoạch, đáp ứng yêu cầu phát triển. Tiếp thu ý kiến đại biểu QH, Bộ trưởng Giao thông vận tải khẳng định, sẽ cùng các thành phố lớn tham mưu cho Chính phủ tốt hơn, để những dự án khởi công mới có giải pháp rõ ràng, từ đó xác định giá trị và tránh tình trạng phải điều chỉnh giá…
Chiều cùng ngày, QH tiến hành thủ tục bãi nhiệm đại biểu QH đối với ông Phạm Phú Quốc.
Ý kiến ()