Vượt khó, duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu
Năm 2015, kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu. Đà phục hồi kinh tế toàn cầu vẫn chưa đồng đều. Tổng cầu nhập khẩu hàng hóa trên thị trường thế giới vẫn ở mức thấp trong khi nguồn cung của các nước xuất khẩu dồi dào tạo sức ép cạnh tranh và giảm giá đối với hàng hóa xuất khẩu. Bối cảnh đó đã ảnh hưởng tới kết quả xuất khẩu năm 2015 của Việt Nam.
Tăng trưởng trong khó khăn
Theo Bộ Công thương, xét riêng 11 tháng qua, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 148,7 tỷ USD, tăng 8,3% so cùng kỳ năm 2014, tỷ lệ nhập siêu bằng 2,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Với mức tăng trưởng này, nhiều khả năng hoàn thành và có thể vượt kế hoạch đề ra (165 tỷ USD, đạt mức tăng trưởng 10%, kiểm soát nhập siêu ở mức dưới 5% kim ngạch xuất khẩu). Theo phân tích của Bộ Công thương, tăng trưởng xuất khẩu 11 tháng qua không cao như kế hoạch đề ra do kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản và nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản giảm mạnh so với cùng kỳ. Tính chung hai nhóm hàng này, kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đã giảm 5,4 tỷ USD, trong khi xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng khoảng 16,56 tỷ USD so cùng kỳ năm 2014. Nhóm hàng nông, lâm, thủy sản: Kim ngạch xuất khẩu 11 tháng năm 2015 giảm khoảng 1,56 tỷ USD so với cùng kỳ, do sự sụt giảm của cả giá xuất khẩu và lượng xuất khẩu. Trong đó, giảm do giá xuất khẩu khoảng 220 triệu USD và giảm do lượng xuất khẩu khoảng 548 triệu USD (không tính hai mặt hàng thủy sản và rau quả không thống kê lượng xuất khẩu). Xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến 11 tháng năm 2015 ước đạt khoảng 117 tỷ USD, tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ (khoảng 16,5%).
Nguyên nhân của sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy sản là do nguồn cung của các nước xuất khẩu dồi dào, dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường, nhất là cạnh tranh từ Thái-lan, Ấn Ðộ; chính sách duy trì giá trị đồng nội tệ thấp để thúc đẩy xuất khẩu của nhiều quốc gia; xu hướng bảo hộ mặt hàng nông, lâm, thủy sản của các nước gia tăng… Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm 2015, xuất khẩu thủy sản, gạo đã có sự tăng trưởng trở lại, tháng sau cao hơn tháng trước, tuy không đủ để kéo mức tăng trưởng chung của cả năm nhưng đây là những tín hiệu khả quan thể hiện sự phục hồi, nỗ lực vượt khó và cho thấy khả năng tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu của những mặt hàng này trong thời gian tới. Đặc biệt, với việc ký kết được các hợp đồng gạo tập trung thời gian qua, xuất khẩu gạo từ tháng 10 đã có sự tăng trưởng mạnh, lượng xuất khẩu 11 tháng đạt khoảng 6,26 triệu tấn, tăng 3,9% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu ước đạt khoảng 2,66 tỷ USD, mức giảm kim ngạch thu hẹp còn khoảng 4,6%, so sánh với mức giảm khoảng 15% vào cuối quý III-2015.
Đa số thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tiếp tục có tăng trưởng ổn định. Riêng thị trường ASEAN và thị trường Nhật Bản có kim ngạch xuất khẩu giảm, với nguyên nhân chủ yếu là sự sụt giảm giá của nhóm nhiên liệu khoáng sản, nhất là dầu thô. Trong năm, nhiều quốc gia có xu hướng sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để tạo rào cản, bảo hộ sản xuất trong nước. Tiêu biểu là việc Ấn Độ áp thuế tự vệ 20% đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu; In-đô-nê-xi-a, Thái-lan và Ma-lai-xi-a đều điều tra chống bán phá giá đối với thép, tôn lạnh của Việt Nam.Thị trường tiền tệ có những diễn biến phức tạp trong năm 2015. Nhiều quốc gia, trong đó có nhiều nước là đối thủ cạnh tranh của Việt Nam như Bra-xin, Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a… đều hạ giá đồng nội tệ để thúc đẩy xuất khẩu tạo ra khó khăn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Việc Trung Quốc hạ giá đồng nhân dân tệ cũng đã tác động trực tiếp và gián tiếp đến xuất khẩu của Việt Nam mặc dù những động thái kịp thời và phù hợp trong điều hành chính sách tiền tệ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thời gian qua đã phần nào làm giảm áp lực cho DN xuất khẩu.
Tận dụng cơ hội từ hội nhập
Cho tới trước năm 2015, các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia ký kết (ASEAN, ASEAN 1) về cơ bản là với các nước có cơ cấu xuất khẩu khá tương đồng, thậm chí cạnh tranh với ta như Ấn Độ, ASEAN, Trung Quốc…, cho nên lợi ích thu được từ các FTA chưa mang tính đột phá. Hiện nay, Việt Nam đã kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA với EU (EVFTA) là các nước có cơ cấu kinh tế bổ sung với Việt Nam. Đây sẽ là cú huých đối với tăng trưởng xuất khẩu cũng như tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Các Hiệp định FTA đã và đang đàm phán được kỳ vọng tạo tiền đề cho phát triển sản xuất trong nước và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Thông qua lộ trình cắt giảm, xóa bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan theo cam kết tại các Hiệp định này, hàng hóa Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận thị trường các quốc gia đối tác trong FTA. Hơn nữa, Việt Nam đang gia tăng các danh mục mặt hàng có thể sản xuất và xuất khẩu. Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH đang diễn ra mạnh mẽ, dòng vốn đầu tư FDI đang đổ vào nước ta của các tập đoàn, cũng là yếu tố thuận lợi cho phát triển công nghiệp nói chung và hoạt động xuất khẩu nói riêng.
Tuy vậy, năm 2016, khó khăn vẫn còn nhiều. Kinh tế thế giới thường xuyên biến động khó lường. Xu hướng các nước áp dụng rào cản thương mại ngày càng tăng với các biện pháp ngày càng đa dạng, phức tạp hơn. Việc tham gia các FTA cũng sẽ đặt ra nhiều thách thức cho nền kinh tế và thương mại trong nước. Tham gia các FTA, DN Việt Nam sẽ phải đối mặt với những yêu cầu, tiêu chuẩn cao về chất lượng hàng hóa, chịu sức ép phải tuân thủ các điều khoản quy định về vệ sinh, môi trường, lao động và quy trình công nghệ… Đây vừa là cơ hội để tự nâng cao năng lực, vừa là thách thức đối với DN của ta vì đa số là DN vừa và nhỏ, thiếu công nghệ, vốn và kinh nghiệm sản xuất. Ngoài ra, vấn đề đặt ra là làm sao để DN xuất khẩu tận dụng tối đa lợi ích mà các FTA này mang lại để đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường. Hiện nay vẫn còn một số DN xuất khẩu chưa thật sự quan tâm các ưu đãi về thuế quan, làm cho DN mất đi lợi ích về thuế, khả năng cạnh tranh, hàng hóa trên thị trường quốc tế.
Trong thời gian tới, bên cạnh việc đàm phán mở cửa thị trường, Bộ Công thương sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến tới DN, Hiệp hội về các Hiệp định đã và đang ký kết, tạo điều kiện cho các DN tận dụng tối đa lợi ích từ các Hiệp định mang lại, góp phần thúc đẩy xuất khẩu.
Theo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 2016 được Quốc hội thông qua, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%, tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu dưới 5%. Để tiếp tục giữ vững tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2016, Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhóm giải pháp lớn như:
Tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất, tạo thêm nguồn hàng cho xuất khẩu. Theo dõi sát sao, cập nhật tình hình diễn biến giá cả, tiến độ xuất khẩu các mặt hàng, những biến động của thị trường thế giới để kịp thời có biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn.
Tăng cường tìm kiếm, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu. Tăng cường các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2016 theo hướng chú trọng mở rộng thị trường ở các nước đang phát triển, các thị trường tiềm năng và thị trường mới nổi. Đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, có giải pháp hỗ trợ phù hợp đối với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, có lợi thế, có thị trường và có khả năng cạnh tranh.
Tiếp tục hoạt động đàm phán các FTA, đồng thời tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến để các DN tận dụng tối đa điều kiện thuận lợi về tiếp cận thị trường và cắt giảm thuế quan ngày càng sâu hơn của các đối tác để đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang các thị trường đã ký FTA.
Chú trọng cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho các DN. Tiếp tục triển khai quyết liệt, có hiệu quả, đúng tiến độ các giải pháp được nêu tại Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016.
Tổ chức hiệu quả, đồng bộ công tác thông tin, dự báo, bám sát tình hình thị trường; tăng cường hoạt động của các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, đặc biệt là tại các thị trường trọng điểm kịp thời nắm bắt các thay đổi về chính sách, cơ chế quản lý nhập khẩu, kiểm soát chất lượng hoặc những thông tin bất lợi đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam tại các thị trường để kịp thời thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước và DN, Hiệp hội, tạo điều kiện chủ động phối hợp, ngăn ngừa, giải quyết sớm các vụ việc phát sinh.
Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng từ tháng 1 đến tháng 10-2015 Xuất khẩu sang khu vực thị trường châu Á đạt 65 tỷ USD, tăng 7,9%, trong đó: xuất khẩu sang thị trường ASEAN đạt 15,4 tỷ USD, giảm 1,8%; sang thị trường Trung Quốc đạt 14 tỷ USD, tăng 13,7%; sang thị trường Nhật Bản đạt 11,6 tỷ USD, giảm 5,8%. Xuất khẩu sang khu vực thị trường châu Âu đạt 28,2 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu sang thị trường EU đạt 25,4 tỷ USD, tăng 12,2%. Xuất khẩu sang khu vực thị trường châu Mỹ đạt 33,8 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ, trong đó, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đạt 27,7 tỷ USD, tăng 17,5%. Xuất khẩu sang khu vực châu Phi đạt 2 tỷ USD, tăng 3,4%; xuất khẩu sang khu vực châu Đại Dương đạt 2,78 tỷ USD, giảm 25,7%. |
Theo Nhandan
Ý kiến ()