Vượt khó để xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở Ninh Bình
Những ngôi trường trên vùng đất nghèo
Từ những năm 1997 Ninh Bình mới tái lập trong ngổn ngang, bộn bề của sự chăm lo đời sống cho người dân địa phương, đồng thời phải quan tâm đến “sự nghiệp trồng người” của tỉnh. Khi đó, số hộ đói nghèo trung bình của tỉnh chiếm tới hơn 20%, riêng các huyện Yên Mô, Nho Quan, thị xã Tam Điệp, Gia Viễn, v.v. tỷ lệ này còn cao hơn nhiều. Thậm chí, ngay tại thị xã Ninh Bình với mệnh danh ba “B” (bẩn, bụi, buồn) là hình ảnh khắc họa rõ nét về một thị xã được coi là trung tâm hành chính của tỉnh.
Vậy nhưng từ những năm đó, đảng bộ và chính quyền cơ sở trong tỉnh Ninh Bình đã chú trọng chăm lo đầu tư cho sự nghiệp giáo dục. Năm 1998, Ninh Bình có bốn trường tiểu học “mở màn” cho chương trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở thị xã Tam Điệp và các huyện Nho Quan, Yên Khánh. Năm 1999, số trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia nâng lên 12 trường, năm 2001 là 29 trường, 2002 là 39 trường, v.v.
“Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia chỉ trở thành phong trào lớn mạnh khi HĐND tỉnh ra Nghị quyết số 20/NQ-HĐND năm 2008 về kế hoạch xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Sau đó, Tỉnh ủy Ninh Bình ra Nghị quyết 11 (nhiệm kỳ 2010-2015)” – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình Vũ Văn Kiểm cho biết.
Cũng phải nói rằng, các cấp ủy Đảng và chính quyền cơ sở cấp huyện, xã đóng góp phần quan trọng trong việc xây dựng trường đạt tiêu chí trường chuẩn quốc gia giai đoạn I. “Nhiều lúc nguồn thu của xã không đủ chi cho công tác ở địa phương nhưng đảng ủy vẫn cố gắng cắt giảm chi tiêu để đầu tư nâng cấp cho các trường học” – Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Khánh Thiện (Yên Khánh) nói. Hàng loạt vấn đề nổi cộm trong xã cần đến kinh phí như nâng cấp hạ tầng giao thông, xây nhà văn hóa thôn, nâng cấp hệ thống thủy lợi nội đồng, v.v, xã chỉ dám vận động nhân dân đóng góp ngày công để tu bổ còn tiền ngân sách thì xã tập trung cho nâng cấp trường mầm non, trường tiểu học để các cháu có cơ ngơi khang trang học tập.
Chủ tịch UBND huyện miền núi Nho Quan, Bùi Thị Quế cho biết, sự nghiệp giáo dục được chính quyền địa phương đặt lên hàng đầu. Từ những năm 2003 khi huyện là vùng có tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 30% nhưng chính quyền đã dành hàng trăm triệu đồng vào việc tu bổ và nâng cấp các trường mầm non, trường tiểu học trên địa bàn. Nhất là những xã thuộc diện nghèo theo chính sách trợ cấp 135 của Chính phủ như Kỳ Phú, Thạch Bình, Cúc Phương hàng năm đều được tỉnh, huyện đầu tư thêm kinh phí để nâng cấp trường lớp học, tạo điều kiện để các em có môi trường học tập tốt nhất.
Trong tổng số 54 xã, phường, thị trấn là miền núi, vùng cao (chiếm 37% số xã phường của tỉnh Ninh Bình) thì Cúc Phương, Kỳ Phú, Phú Long, Quảng Lạc và Thạch Bình là năm xã nghèo nhất tỉnh. Ngoài ra, còn có sáu xã bãi ngang đặc biệt khó khăn của huyện Kim Sơn gồm Cồn Thoi, Kim Tân, Kim Mỹ, Kim Hải, Kim Trung, Kim Đông. Các địa phương này bên cạnh nguồn kinh phí của nhà nước, cấp ủy đảng và chính quyền đã tổ chức vận động doanh nghiệp, nhà hảo tâm, các tổ chức xã hội, đoàn thể chung tay góp sức đưa sự nghiệp giáo dục phát triển.
Chính vì thế, việc xây dựng trường chuẩn quốc gia ở các cấp học trong 10 năm qua có bước phát triển không ngừng tại Ninh Bình. Cụ thể ở bậc giáo dục mầm non năm 2002, tỉnh mới có một trường đạt tiêu chí chuẩn quốc gia, năm 2013 nâng lên 100 trường. Bậc giáo dục tiểu học số trường đạt chuẩn quốc gia mức độ I năm 2003 là 17 trường đến năm 2013 nâng lên 155 trường. Trường THCS và THPT năm 2003 có năm trường, năm 2013 nâng lên 94 trường trong đó, 6 trường THPT đạt chuẩn quốc gia mức độ I.
Cuộc sống là vươn lên không ngừng nghỉ
Đó là suy nghĩ của Chủ tịch UBND xã Cúc Phương, Đinh Thúc Chiến khi anh nêu về quan điểm đầu tư cho giáo dục. Cúc Phương hiện có ba trường gồm mầm non, tiểu học và THCS thì hai trường, mầm non và tiểu học đạt tiêu chí trường chuẩn quốc gia mức độ I. Năm 2013, tuy là xã khó khăn, song chính quyền địa phương cũng đầu tư 200 triệu đồng vào việc tu bổ, duy trì trường ở mức độ I. Xã có tới 90% số hộ là đồng bào Mường và sự nghiệp học chữ vô cùng quan trọng đối với đồng bào. Bởi, nhiều gia đình thoát nghèo bằng việc áp dụng KHKT vào sản xuất, chăn nuôi con, cây đặc sản gồm nhím, hươu, gà rừng, ong,v.v, mỗi năm thu nhập từ 60-80 triệu đồng/hộ. “Tất cả những thành công của các hộ đều phụ thuộc vào kiến thức KHKT cho nên không biết chữ thì chịu thua!” – anh Chiến cho biết.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình cho biết việc xây dựng trường chuẩn quốc gia mức II đang được các cấp ủy đảng, chính quyền gắn với phong trào xây dựng NTM ở địa phương. Hiện nay, tỉnh Ninh Bình có 150 trường tiểu học đạt mức độ II của tiêu chí chuẩn quốc gia ở 8 huyện thị xã. Nổi bật là các huyện Kim Sơn 29 trường, Gia Viễn 22 trường, Yên Khánh 22 trường, Yên Mô 18 trường. Riêng các trường THCS và THPT 169 trường, trong đó 142 trường THCS đạt chuẩn mức độ II.
Hiệu trưởng Trường tiểu học xã Hồi Ninh (Kim Sơn), Phạm Ngọc Thủy cho biết năm 2005 trường được công nhận chuẩn quốc gia mức độ I, năm 2013 trường vẫn chỉ được “tái công nhận” như cũ, không “lên được độ II” bởi còn thiếu phòng chức năng gồm mỹ thuật, âm nhạc, thư viện, vi tính, nhà xe, bãi tập, v.v. Nhà trường có mặt bằng nhưng thiếu kinh phí để xây dựng nên chưa thực hiện được. Còn khó khăn của trường tiểu học Kim Chính lại nằm ở chỗ mặc dù đạt bốn tiêu chí ở mức độ II song sáu tiêu chí còn lại thì quá lớn về kinh phí. “Phải cần ba tỷ đồng mới đủ nguồn để đạt chuẩn mức độ II trong khi ngân sách xã thì eo hẹp” – Hiệu trưởng Trần Thị Huyền chia sẻ.
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình Vũ Văn Kiểm, đến đầu năm 2014 toàn tỉnh có 46 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia II. Tuy nhiên con số này vẫn còn khá thấp so với hệ thống trường thuộc các cấp học. Khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn kinh phí đầu tư tại cơ sở đang hẹp dần trong khi cấp tỉnh, huyện cũng còn nhiều chương trình đang đòi hỏi đầu tư kinh phí để thực hiện.
Để đẩy nhanh việc xây dựng trường chuẩn quốc gia ở mức độ II thì theo giám đốc Vũ Văn Kiểm, phải huy động nguồn nhân lực tại chỗ để cải tạo nâng cấp hạ tầng kỹ thuật của trường. Đồng thời, tổ chức tốt công tác xã hội hóa, kêu gọi doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể đóng góp chung tay xây dựng các trường học. Bên cạnh đó, mỗi trường cần tập trung bồi dưỡng chính trị, chuyên môn cho đội ngũ giáo viên, nhân viên. Gắn việc xây dựng trường chuẩn quốc gia mức độ II với việc xây dựng NTM tại cơ sở.
Ý kiến ()