Vượt khó để thành công
Hội KH tỉnh trao học bổng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nhân đầu năm học mới 2016-2017 |
Phát triển hội viên, xây dựng tổ chức hội
Từ năm 2000 ông Lã Thanh Thủy, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT và nhà giáo Hoàng Hồ hàng ngày với chiếc xe đạp cũ kỹ đi hết khu vực thị trấn Cao Lộc, quay lại thành phố Lạng Sơn, rồi đi các huyện để vận động các nhà giáo, các cán bộ hưu trí tham gia KH và thành lập Hội KH cơ sở. Trò chuyện với chúng tôi, ông không nhớ hết những chuyến đi như thế, ông tâm sự: tâm huyết với sự học đã có sẵn trong mỗi cán bộ, nhà giáo, chỉ cần một gợi mở, khơi dậy là những tâm huyết ấy “bùng cháy”, lan tỏa…Được Sở GD&ĐT ủng hộ, được cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến huyện chấp thuận và giúp đỡ, từ Hội KH đầu tiên ở Văn Quan, đến năm 2005, toàn tỉnh đã có 8/11 huyện, thành phố thành lập được hội KH và đến năm 2008 tất cả các huyện, thành phố đã có hội KH.
Cùng với quá trình thành lập hội KH cấp huyện, thành phố là sự phát triển của hội KH cấp xã, phường, thị trấn và chi hội KH thôn, bản, khối phố. Năm 2005, toàn tỉnh chỉ có 112 hội KH xã, phường thị trấn, chiếm tỷ lệ 54%, với tổng số hội viên là 13.300 người, chiếm tỷ lệ 2,1% dân số (bằng 1/3 tỷ lệ chung toàn quốc).
Với sự tham gia mạnh mẽ của hội Cựu giáo chức, đội ngũ cán bộ giáo viên trong ngành GD&ĐT, trong 10 năm hội KH Lạng Sơn đã có sự phát triển rất mạnh về tổ chức. Đến tháng 6/2016, toàn tỉnh đã có 226 hội cơ sở xã (tỷ lệ 100%), có 3.135 chi hội, 184 ban KH. Tổng số hội viên toàn tỉnh lên đến 151.849 người, đạt tỷ lệ 20,7% dân số toàn tỉnh (gấp 1,38 lần bình quân toàn quốc), nằm trong nhóm có tỷ lệ cao nhất trong các tỉnh trung du và miền núi phía bắc. Từ phong trào chung đã xuất hiện nhiều dòng họ “có thương hiệu” về KH như dòng họ Dương ở Bắc Sơn với 112 chi hội và 3.254 hội viên, dòng họ Nguyễn ở Tràng Định, dòng họ Bùi ở Tú Đoạn (Lộc Bình)…
Công tác KH không chỉ ở những xã, thị trấn có điều kiện kinh tế xã hội phát triển, mà còn lan rộng, đứng vững và đi lên ở những xã khó khăn. Nêu ví dụ cụ thể ở xã Cao Minh (Tràng Định) với 8 thôn, 205 hộ, 11 dòng họ hiếu học, Ông Nguyễn Khắc Dư, Chủ tịch Hội KH huyện Tràng Định cho biết: “Đối với đồng bào Mông, Dao, ý thức, quan hệ dòng họ, huyết thống là sự gắn kết cộng đồng và khi được tuyên truyền, thì sự gắn bó ấy rất có ích cho công tác KH. Nắm được đặc điểm ấy, Hội KH huyện đã quan tâm tuyên truyền lợi ích của KH đến đồng bào, được cấp ủy, chính quyền và người dân ủng hộ, công tác KH ở đây được coi là động lực và là một phần của phát triển KTXH”.
Từng bước thành công
Sau 10 năm phát động phong trào thi đua xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, đến nay đã có 51.215 gia đình hiếu học, 208 dòng họ hiếu học. Bằng nguồn đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, hằng năm đã có trên 30 ngàn lượt học sinh được khen thưởng, 7.400 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được nhận học bổng với số tiền trên 2,5 tỷ đồng. Bà Trần Thu Hà, Chủ tịch Hội KH huyện Bắc Sơn cho biết: trong 6 năm vừa qua, tổng quỹ hội KH của Bắc Sơn đã đạt con số trên 2,2 tỷ đồng, khen thưởng và trao học bổng cho trên 14.800 lượt học sinh.
Kết nối với các cơ quan, tổ chức cá nhân, nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng; phối hợp với ngành GD&ĐT tổ chức tốt ngày “Hội toàn dân đưa trẻ em đến trường” là các hoạt động trung tâm của hội KH. Hội KH các cấp đã tăng cường thông tin, phổ biến các chính sách của Đảng và nhà nước về giáo dục dân tộc, phổ biến quyền lợi của người học để động viên người trong độ tuổi ra lớp, giảm tỷ lệ bỏ học hằng năm xuống ở mức thấp nhất.
Trao đổi với chúng tôi, bà Lê Kim Hòa, Chủ tịch Hội KH Lạng Sơn cho biết: kết quả trong 15 năm qua là rất lớn, nó kết tinh công sức, trí tuệ và nhiệt huyết của các thế hệ cán bộ KH để hình thành một mạng lưới KH rộng khắp. Trong thời gian tới, thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập” giai đoạn 2012-2020, Hội KH Lạng Sơn sẽ cố gắng hơn nữa; trước mắt là duy trì và phát triển tổ chức KH, không để “trắng” thôn bản khuyến học, phát hiện và nhân rộng phong trào xây dựng dòng họ hiếu học, gia đình hiếu học; nâng chất lượng công tác khuyến học lên một bước mới, tiến tới xây dựng một xã hội học tập.
Ý kiến ()