LSO-Là thiết bị điều khiển giao thông ở những giao lộ có lượng phương tiện lưu thông lớn, đèn tín hiệu giao thông (thường được gọi là “đèn xanh, đèn đỏ”) không chỉ có tác dụng đảm bảo an toàn mà còn giúp giảm ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. Cụm đèn tín hiệu giao thông và tác dụng của nó thì hầu như ai cũng biết, song thực tế, tại không ít điểm giao cắt, tình trạng người tham gia giao thông vượt đèn đỏ vẫn thường xuyên xảy ra…
Đoàn viên thanh niên ra quân tuyên truyền ATGT
Nhà ở đường Mỹ Sơn, TP Lạng Sơn nên hàng ngày, đi làm, đi chợ, chị Hoàng Hoài Phương vẫn thường đi qua ngã tư Ngô Quyền giao cắt với quốc lộ 1A và ngã tư Lê Lợi-Bà Triệu. Và tại chính hai nút giao thông này, không ít lần chị phải bức xúc trước tình trạng người đi đường xem thường đèn tín hiệu giao thông. “Có lần, mình đang băng sang đường, thì bỗng từ đâu một chiếc xe máy vụt qua trước mặt; bất chấp chiều đi của họ, đèn đỏ đang sáng trưng. Chưa hết, có những lúc mình dừng xe chờ tới lượt qua đường, đồng hồ đếm ngược mới chỉ đến giây thứ 6, thứ 7 mà những người đi phía sau đã bấm còi inh ỏi để thúc giục” – Chị Phương kể. Cũng sinh sống tại khu Mỹ Sơn và thường xuyên qua lại 2 giao lộ gắn cụm đèn tín hiệu giao thông kể trên, ông Trịnh Văn Thuận, làm nghề xe ôm cho biết: Ai cũng biết “xanh đi, vàng đứng, đỏ dừng”, thế mà có lần tôi dừng đèn đỏ thì bị mấy cậu thanh niên đi phía sau mắng “đồ hâm, có công an đâu mà phải dừng?!”.
Trên địa bàn TP Lạng Sơn hiện nay có 7 nút giao thông được trang bị cụm đèn tín hiệu giao thông gồm: ngã tư Quang Trung-Đinh Tiên Hoàng, Lê Lợi-Bà Triệu; Phai Vệ-Bà Triệu, Minh Khai-Lê Lai, Ngô Quyền-quốc lộ 1A, Trần Phú-Bà Triệu và Trần Phú-quốc lộ 1A. Sự xuất hiện của các cụm đèn tín hiệu này không chỉ góp phần làm cho giao thông thành phố trật tự hơn mà nó còn là biểu hiện của một đô thị văn minh, giúp người dân nâng cao dần ý thức tự giác chấp hành luật lệ giao thông. Tuy nhiên, có một thực tế là tại hầu hết các giao lộ này, hàng ngày, chúng ta đều có thể dễ dàng bắt gặp cảnh người đi bộ, xe đạp, xe gắn máy… thản nhiên vượt đèn đỏ. Đối tượng có thể kể đến đủ thành phần từ ông xe thồ đến các cháu học sinh, thậm chí phụ huynh chở con trẻ vẫn … vượt đèn đỏ như thường. Thậm chí không ít người coi thời gian ngắn ngủi khi đèn tín hiệu giao thông chuyển sang màu vàng không phải chuẩn bị dừng lại mà lại coi đấy là dịp để “tăng tốc” băng qua đường. Với một số người, việc không chấp hành tín hiệu giao thông được bao biện là do vội quá, hoặc sơ ý nhưng cũng có không ít trường hợp (chủ yếu là thanh thiếu niên) coi việc vượt đèn đỏ như một cách “chơi trội”. Chị Nguyễn Thanh Tâm, kinh doanh ở chợ Giếng Vuông, TP Lạng Sơn kể: hôm trước đón con tan học về, tôi dừng đèn đỏ ở ngã tư Phai Vệ-Bà Triệu, bỗng nghe tiếng còi xe ầm ĩ phía sau rồi một đám các cô cậu nam thanh nữ tú đèo nhau phi vút lên. Người ta có thể chờ đợi một điều gì cả vài giờ đồng đồ nhưng khi đi đường chỉ có vài giây mà lại không đợi được!? Tôi nghĩ vấn đề ở đây không phải là không hiểu luật mà là họ kém ý thức. Theo thiếu tá Nguyễn Cao Huy, Đội trưởng Đội CSGT Công an TP Lạng Sơn: thực tế đã có những vụ va quệt giao thông xảy ra do người tham gia giao thông cố tình vượt đèn đỏ. Lực lượng CSGT cũng đã tập trung kiểm tra, xử lý các vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn trong đó có hành vi không chấp hành đèn tín hiệu giao thông… Tuy nhiên, không phải lúc nào CSGT cũng túc trực 24/24 giờ tại các nút giao thông, cho nên tình trạng một bộ phận người tham gia giao thông kém ý thức thản nhiên vượt đèn đỏ vẫn xảy ra.
Theo Nghị định 34/2010/NĐ-CP ngày 02/4/2010 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, hành vi người điều khiển ô tô không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông (vượt đèn đỏ chẳng hạn), bị phạt từ 600.000 – 800.000 đồng, trong khi mức phạt trước đây chỉ từ 200.000 – 400.000 đồng. Cũng với vi phạm này, mức phạt đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy giữ nguyên so với trước (từ 100.000 – 200.000 đồng). Tăng hay giữ nguyên mức xử phạt thì đây cũng chỉ là giải pháp tức thời và mang tính răn đe. Điều quan trọng hơn cả vẫn là ý thức chấp hành quy định của pháp luật về TTATGT của mỗi người khi tham gia giao thông để đảm bảo an toàn cho chính mình và cho những người xung quanh. Có như vậy, những cột đèn tín hiệu giao thông mới phát huy được tối đa tác dụng, góp phần đảm bảo trật tự giao thông và giảm thiểu tai nạn.
Ý kiến ()