Vượng râu giả gái: Học hỏi nhiều từ giới "pêđê"
“Tôi không bao giờ mượn danh các nghệ sĩ lớn để đánh bóng tên tuổi mình. Nếu có ý định đó, thì bìa đĩa sẽ phải ghi là Vượng râu – Hoài Linh, chứ không phải là Cười cái sự đời”. Đạo diễn – diễn viên hài Công Vượng (biệt danh Vượng râu) bày tỏ như vậy về việc mời một số danh hài tham gia đĩa của mình năm nay, và đặc biệt là việc đóng vai giả gái.
Ngại cạnh tranh với những nghệ sĩ tên tuổi
– Năm nào cũng vậy, đĩa hài Cười cái sự đời của Vượng râu tập hợp được rất nhiều nghệ sĩ có tên tuổi như Hoài Linh, Thuý Nga, năm nay còn có cả ca sĩ Minh Quân… Điều gì hấp dẫn ở anh mà có thể thu hút các nghệ sĩ vậy?
– Tôi nghĩ rằng, điều đầu tiên để các nghệ sĩ tên tuổi nhận lời mời tham gia vào đĩa hài, đó là họ nhận thấy ở tôi một sự tâm huyết với nghề. Thứ nữa, họ đọc kịch bản cũng thấy không đến nỗi nào, làm xong không đến nỗi phải xấu hổ hay thất vọng. Bởi những nghệ sĩ hài như Hoài Linh, Thuý Nga… đã tạo dựng được tên tuổi, chỗ đứng của mình, họ cũng rất sợ sản phẩm có phần thể hiện của mình nhạt nhẽo, không tạo được sự đón nhận của công chúng. Chứ tôi nghĩ, nếu mình làm kinh doanh mà mời, chưa chắc họ đã nhận lời đâu.
Công Vượng vừa là diễn viên vừa là đạo diễn sê-ri tiểu phẩm Cười cái sự đời. |
– Tuy nhiên, nhiều người xem Cười cái sự đời của Vượng râu nói rằng, nó vẫn chưa thực sự nổi bật, chưa mang đến nhiều nụ cười hài hước sảng khoái, giống như phần lớn các đĩa hài khác trong dịp tết năm nay…
– Làm khán giả cười thả phanh, cười thoải mái là ước vọng lớn nhất của tôi, nhưng đó không phải là tất cả. Nếu để một mình độc diễn, thì tôi tìn rằng, mình sẽ làm khán giả cười to, cười rất nhiều. Còn với một dàn diễn viên đông như trong Cười cái sự đời thì khó có thể trọn vẹn được mọi thứ.
Làm đĩa hài mà đông nghệ sĩ cũng lợi bất cập hại. Cái lợi là người xem được thưởng thức đa phong cách hài. Cái hại là cứ mạnh ai người ấy chạy, không ai chịu vì cái chung. Tôi làm đạo diễn nên biết rằng, có những cái không như mong muốn nhưng vẫn phải cho qua, vì lượng thời gian có hạn.
Tôi có thể nói rằng, tất cả những đĩa hài của Vượng râu chưa có cái nào xuất chúng nhưng cũng nhiều người đánh giá là khá và xem được, chứ để mà hay thì phải cả phấn đấu chục năm nữa may ra mới có. Điều này, rất giống với việc ca sĩ làm album phải trúng bài hát, có những bài họ không tưởng tượng được lại thắng lớn đến vậy. Tôi cũng giống như vậy thôi.
– Anh từng nói, ý tưởng làm đĩa hài Cười cái sự đời trước tiên là cho chính bản thân mình. Vậy trong 4 năm nay, hình ảnh Vượng râu trong đĩa xuất hiện với tần suất ra sao?
– Năm đầu tiên và năm thứ 2 chỉ có Vượng râu thôi, bên cạnh là Hiệp vịt. Năm thứ 3 thứ 4 thì có rất nhiều sao. Tôi muốn làm một dàn sao như vậy, rất đơn giản, là muốn khẳng định với khán giả rằng, mình có thể mời được rất nhiều sao. Nhưng có thể, từ năm thứ 5 trở đi, Cười cái sự đời sẽ trở lại tình trạng chỉ có Vượng râu “độc chiếm”. Lý do ư? Có thể do những điều kiện vật chất chẳng hạn, tôi không đủ tiền mời nữa, chỉ “cây nhà lá vườn” thôi. Nhưng không vì thế mà khán giả không có được những sản phẩm khá và xem được.
– Trong làng hài phía Bắc, Vượng râu chưa phải là cái tên quá nổi bật, anh không lo lắng việc thiếu vắng những nghệ sĩ nổi tiếng như Hoài Linh, Thuý Nga, Minh Quân… thì Cười cái sự đời dễ thất bại?
– Tôi dám khẳng định là sẽ không bao giờ thất bại. Đơn giản là, trong đĩa Cười cái sự đời, Vượng râu luôn chiếm một nửa dung lượng, nhưng nửa đó không đụng hàng với bất kỳ với nghệ sĩ nào, mà chỉ của riêng tôi độc diễn thôi. Nhiều người thắc mắc là sao tôi không đóng cùng với những danh hài kia mà cứ phải diễn riêng, nhưng tôi hiểu tôi là ai. Tôi rất ngại cạnh tranh, không muốn mình trở thành một vai diễn phụ, bên cạnh những anh chị diễn viên hài đã có tên tuổi.
– Anh bỏ tiền ra làm đĩa, lại là đạo diễn kiêm diễn viên nữa, sao không một mình “được ăn cả, ngã về không” nhỉ?
– Người nhà tôi cũng hỏi là sao không làm hẳn một cái đĩa có riêng mình thôi? Lại có người nói rằng tôi mời các nghệ sĩ lớn để đánh bóng tên tuổi của mình. Tôi không bao giờ làm thế. Nếu có ý định đánh bóng bản thân thì tôi đã cho ghi ngoài bìa đĩa dòng chữ: Hoài Linh – Vượng râu, chứ không phải là Cười cái sự đời. Cái gì cũng cần phải có thời gian để khẳng định mình, không thể nóng vội được.
Cũng phải nói một câu rất thật là, trong đĩa hài Cười cái sự đời, mọi người thường nhận xét tiểu phẩm của tôi có phần trội hơn các sao. Nhưng điều đó không làm tôi vui, ngược lại, buồn nhiều lắm, vì như thế, tổng thể cả đĩa hài là không tốt.
– Biết đâu do Vượng râu “khôn lỏi” chọn cho mình những tiểu phẩm có lợi hơn trong đĩa thì sao?
– Mọi người đều luôn có quyền nghĩ trái chiều nhau, đó là màu sắc cuộc sống mà. Trước khi quay đĩa hài Tết, tôi đều nhờ nhà văn, những tác giả viết kịch bản lớn đánh giá kịch bản, cho ý kiến khách quan của mình xem nó phù hợp với ai, sau đó mới áp cái chủ quan của mình vào, chứ không phải là thấy kịch bản này có lợi cho bản thân là cố lao vào để diễn. Tư cách một đạo diễn không cho phép tôi làm như vậy.
Kịch bản không có cái nào trội hơn, mà chủ yếu là do cách thể hiện của từng nghệ sĩ thôi. Khi làm xong đĩa hài, về nhà xem lại, có thể người bạn ngồi bên cạnh cứ cười ằng ặc, nhưng tôi lại thấy chả buồn cười chút nào cả, vì còn bận soi mói từng tý để rút kinh nghiệm. Mình làm, mọi người cười chứ mình có cười được đâu.
Mất 5 tiếng để hóa trang thành phụ nữ
– Anh từng nói, mình bị ảnh hưởng không nhỏ bởi phong cách diễn xuất của danh hài Hoài Linh, và trong Cười cái sự đời 2010, Vượng râu đã vào một vai giả gái – sở trường của đàn anh Hoài Linh. Liệu đó có phải là một sự “học đòi”?
– Sự học hỏi là điều cần thiết trong bất cứ nghề gì. Đặc biệt là nghề diễn. Nhưng không phải vì thế mà tôi đua đòi theo phong cách của người khác. Có 3 người mà Vượng râu khâm phục và luôn học hỏi, đó là anh Hoài Linh, anh Xuân Hinh và anh Bảo Liêm. Nhưng người ảnh hưởng nhất lại là NSND Mạnh Tuấn, người đã truyền cho tôi cái tâm nghệ thuật.
Vượng râu nhí nhảnh trong vai diễn giả gái, đĩa Cười cái sự đời năm nay. |
– Tại sao trong đĩa hài năm nay anh mới nghĩ đến việc giả gái, phải chăng là do anh muốn thay đổi mình vì những đĩa hài trước, Vượng râu diễn chưa thành công lắm?
– Nghề diễn luôn đòi hỏi mang tới sự mới lạ, sáng tạo cho khán giả và cho chính bản thân mình. Biết đâu tôi sẽ có được những đột phá mới ghi điểm trong lòng công chúng thì sao?
– Khó khăn nhất với anh để diễn tốt một vai giả gái là gì?
– Đóng vai không phải sở trường của mình là rất khó, nhưng con đường phía trước còn dài, nên tôi quyết tâm mạo hiểm để thể hiện vai phụ nữ. Để làm tốt vai này, tôi đã phải quan sát rất kỹ những người khác giới, từ lời ăn tiếng nói, cách đi lại, điệu bộ, cử chỉ, nhất là giới pêđê. Và tất nhiên, để hoá trang khuôn mặt không được xinh như Vượng râu thành một phụ nữ,tôi đã phải mất tới 5 tiếng.
– Trong tương lai, anh có định tiếp tục theo đuổi những vai giả gái để nó thành một thương hiệu của mình?
– Tôi sẽ tiếp tục đóng những vai giả gái, nhưng không muốn gây dựng thương hiệu của mình bằng dạng vai này. Vì trong cuộc sống còn rất nhiều số phận, tính cách đang đợi chờ sự thể nghiệm của bản thân. Đĩa hài sang năm, chưa chắc tôi sẽ tiếp tục vào một vai giả gái, dù nó có thành công trong năm 2010 này đi nữa, mà thay vào đó, là một vai diễn mới lạ, độc đáo.
Cứ “cháy vé” là tốt rồi!
– Việc chọc cười khán giả, trên cương vị là một đạo diễn và một diễn viên, chắc hẳn cũng có sự khác biệt?
– Khi là diễn viên hài, thì muốn chọc khán giả được cười một cách thoải mái, nhẹ nhàng. Vì vậy, tôi lại dám quả quyết rằng có thể đĩa hài của mình làm chưa hay nhưng người ta cũng ít chê. Ngay ở tên đĩa hài, tôi cũng đặt tên rất tế nhị: Cười cái sự đời, chứ không phải là cười ằng ặc. Ở đây, tôi muốn nói đến một gu cười rất đời, rất thật, câu chuyện dí dỏm, có khi nằm nghĩ mới thấy sự oái oăm trong đó và cười thầm. Tôi không muốn tác phẩm của mình phải có thật nhiều trò vè, mua vui cho mọi người.
Sang năm không có nhà tài trợ, tôi cũng một mình làm “Cười cái sự đời”. |
Còn trên cương vị đạo diễn, tôi muốn tác phẩm của mình phải được khán giả đón nhận. Nếu chưa làm được điều đó, tôi bắt buộc phải xin lỗi khán giả và nhà sản xuất. Xây dựng một tác phẩm là làm cho khán giả chứ không phải cho chính mình. Một tác phẩm là công sức, sự sáng tạo chung của cả một êkip, chứ không phải cá nhân của người đạo diễn.
Tôi rất thích gu làm việc trong Nam: họ không cần đao to búa lớn là vở này, tác phẩm kia chưa nghệ thuật, chưa đạt tới tầm học thuật, mà chỉ đánh giá thành công của tác phẩm đó qua việc có bán hết vé không. Tôi muốn tác phẩm hài của mình thì người già, trẻ con, nông dân và trí thức đều xem được, đưa ra một nhận xét là “được, được”, chứ không cần người này bảo khá mà người khác bảo không ra gì. Người đạo diễn phải có trách nhiệm trước dư luận của khán giả.
Tôi rất thích phim của anh Vũ Ngọc Đãng hay anh Lê hoàng, lúc nào cũng cháy vé. Họ không làm cho những nhà phê bình, cho người nghiên cứu, trí thức mà họ làm cho khán giả, ai thích xem thì xem. Mà tôi thấy, cứ cháy vé là làm tốt còn gì nữa.
– Nghĩa là anh cũng đang hướng mình chạy theo thị hiếu khán giả?
– Đúng thế, nhưng thị hiếu ở đây là phải làm sao khán giả họ mệ thực sự, yêu thực sự tác phẩm của mình. Nói thật làm nghệ thuật mà không có thị trường, không bán được vé thì lấy đâu ra tiền làm tiếp những dự án khác. Tôi vẫn nói, khi nào đạo diễn bỏ tiền túi mình ra làm sản phẩm thì sẽ hay, vì bỏ tiền ra không thu lại được thì chết. Đạo diễn phải suy ngĩ đến gu thưởng thức của khán giả, chứ không phải là làm ra một tác phẩm chỉ mình mình thấy hay. Tôi dám khẳng định, sang năm kể cả không có nhà tài trợ tôi vẫn làm đĩa hài tết.
– Nói như vậy có nghĩa, anh cũng kiếm được không ít tiền từ việc làm đĩa. Vậy mà thấy anh vẫn ở nhà thuê?
– Việc vẫn thuê một phòng chung cư bình thường để ở, tôi nghĩ, rất bình thường. Tôi chưa muốn mua nhà, là bởi, nếu bỏ tiền ra mua nhà, sẽ không có tiền để làm đĩa nữa. Nếu thế thì buồn lắm, mất cái này, được cái kia, phải nhịn chuyện nhà cửa đi một tý, rồi mọi thứ sẽ từ từ đến với mình. Tôi vẫn có một câu nói dành cho chính tôi: Chưa có gì là sớm, chưa có gì là muộn, hãy cứ cống hiến đi đã.
– Sao anh không ở cùng gia đình mà lại ra ở riêng thế?
– Làm nghệ sĩ có nhiều cái trái khoáy lắm, dù đó không phải làm hâm dở, chẳng hạn như đi sớm về muộn, ăn uống thất thường… Ở chung làm ảnh hưởng tới gia đình, tôi không thích. Tôi không muốn làm người khác phải khổ vì mình, đó là một quan niệm sống.
– Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện cởi mở!
Ý kiến ()