Vướng mắc trong xử lý kỷ luật cán bộ cấp xã
LSO-Hiện nay Lạng Sơn có khoảng 2.300 cán bộ chuyên trách làm việc tại 226 xã, phường, thị trấn. Trong số này, mỗi năm có vài trường hợp vi phạm kỷ luật về công tác lãnh đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ.
Đơn cử như năm 2013, huyện Tràng Định có 3 trường hợp, huyện Văn Lãng có 1 trường hợp. Tuy nhiên có một vướng mắc ở đây là khi cán bộ có hành vi sai phạm thì việc xử lý kỷ luật gặp nhiều khó khăn. Theo phản ảnh của nhiều cơ sở và phòng nội vụ các huyện thì việc xử lý kỷ luật cán bộ không biết áp dụng theo quy định nào. Việc này làm cho tiến độ xử lý kỷ luật cán bộ bị kéo dài.
Cán bộ xã Tân Liên (Cao Lộc) giải quyết công việc hành chính với người dân |
Ông Hoàng Văn Ngân – Trưởng Phòng Nội vụ huyện Văn Lãng cho biết: năm 2013 huyện có 1 trường hợp cán bộ xã vi phạm kỷ luật. Sau khi xem xét các văn bản hướng dẫn về việc xử lý kỷ luật cán bộ thì huyện ra quyết cảnh cáo với trường hợp trên. Sau đó, cán bộ này có đơn khiếu nại và yêu cầu xem xét lại việc xử lý kỷ luật vì cho rằng mức độ sai phạm chưa đến mức cảnh cáo. Lãnh đạo huyện và Sở Nội vụ tiến hành xem xét lại và xin ý kiến hướng dẫn của Bộ Nội vụ nhưng được Bộ trả lời chung chung vì thế mà cho đến nay, Văn Lãng chưa xử lý dứt điểm việc kỷ luật cán bộ đó.
Tình trạng này không chỉ gặp ở Văn Lãng mà ở hầu hết các huyện đã diễn ra từ nhiều năm nay. Nguyên nhân của vướng mắc trên là hiện nay chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể thực hiện Luật Cán bộ, công chức năm 2008, đặc biệt là quy định liên quan đến trình tự thủ tục kỷ luật, buộc thôi việc với cán bộ cấp xã. Thay vào đó chỉ có quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức (Nghị định 34/2011/NĐ-CP), đối với viên chức (Nghị định 27/2012/NĐ-CP). Riêng đối với cán bộ thì chưa có quy định rõ ràng mà vẫn áp dụng theo Nghị định 35/2005/NĐ-CP và các thông tư hướng dẫn của Bộ Nội vụ (Thông tư 03/2006/TT-BNV) và Điều 78 Luật Cán bộ, công chức năm 2008. Tuy nhiên những văn bản này đều quy định không rõ thời hiệu xử lý kỷ luật, mức độ vi phạm như thế nào là khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm. Vì thế, việc ra quyết định xử lý kỷ luật với cán bộ sai phạm tại cơ sở còn nhiều lúng túng, cảm tính, không dứt điểm. Trước vướng mắc này, Sở Nội vụ Lạng Sơn đã xin ý kiến chỉ đạo từ Bộ Nội vụ thì được Bộ trả lời rằng: hiện nay Bộ mới đang phối hợp với các ban, ngành trung ương nghiên cứu xây dựng văn bản quy định chi tiết các quy định của Luật Cán bộ, công chức năm 2008. Khi chưa có hướng dẫn cụ thể về việc này thì các địa phương tiếp tục áp dụng theo Điều 78 của Luật Cán bộ, công chức và Nghị định 35/2005/NĐ-CP.
Với chỉ đạo như trên thì việc xử lý kỷ luật cán bộ vẫn còn chung chung và rất khó thực hiện. Trong lúc gặp phải vướng mắc này, một số huyện đã áp dụng những cách xử lý riêng mà vẫn hợp tình, hợp lý, đúng quy định của pháp luật. Ông La Quốc Vinh – Trưởng phòng Nội vụ huyện Tràng Định chia sẻ: huyện áp dụng kỷ luật cán bộ cấp xã bằng cách chờ quyết định kỷ luật tại Điều lệ Đảng (đối với cán bộ cấp xã là đảng viên vi phạm kỷ luật), hoặc quyết định kỷ luật tại Điều lệ của tổ chức chính trị – xã hội để làm căn cứ ra quyết định kỷ luật về phía chính quyền. Về chế tài kỷ luật bổ sung, với cán bộ cấp xã có trình độ sơ cấp hoặc chưa đào tạo trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và cán bộ cấp xã đã tốt nghiệp trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ từ trung cấp trở lên đang hưởng lương như công chức hành chính mà không hoàn thành nhiệm vụ được giao hàng năm hoặc bị xử lý kỷ luật một trong các hình thức kỷ luật của Đảng, của tổ chức chính trị – xã hội thì sau khi UBND cấp xã báo cáo, đề xuất UBND huyện, phòng Nội vụ áp dụng quy định kéo dài thời gian nâng bậc lương nêu tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 76/2009/NĐ-CP. Nhờ áp dụng cách làm này mà năm 2013, huyện xử lý kỷ luật dứt điểm đối với 3 cán bộ mà không có khiếu nại gì.
HÀ MY
Ý kiến ()