Vướng mắc trong đầu tư, nâng cấp chợ ở Nghệ An và Hà Tĩnh
Chợ Giát mới được đầu tư, nâng cấp khang trang, hiện đại. Hiện nay hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh có khoảng hơn 400 chợ các loại cần được đầu tư, nâng cấp. Xã hội hóa đầu tư, nâng cấp chợ là giải pháp đang được hai địa phương này áp dụng.Phần lớn chợ xuống cấp và tạm bợTheo điều tra hiện nay hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh có khoảng 543 chợ các loại (Nghệ An 370, Hà Tĩnh 173), gồm 65 chợ khu vực thành thị và 478 chợ vùng nông thôn; trong đó có 9 chợ loại một, 28 chợ loại hai, 506 chợ loại ba và chợ tạm. Tại các chợ trên có khoảng 40 nghìn hộ, gần 150 nghìn người tham gia kinh doanh, 70-80% tổng mức luân chuyển hàng hóa và dịch vụ bán lẻ thị trường xã hội với các mặt hàng chủ yếu như lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng, điện máy, nông sản... thông qua các chợ. Hệ thống chợ miền núi, vùng sâu, vùng xa tuy không sầm uất như chợ ở đô thị, nhưng cũng góp phần tiêu thụ sản phẩm địa phương, kích thích giao...
|
Phần lớn chợ xuống cấp và tạm bợ
Theo điều tra hiện nay hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh có khoảng 543 chợ các loại (Nghệ An 370, Hà Tĩnh 173), gồm 65 chợ khu vực thành thị và 478 chợ vùng nông thôn; trong đó có 9 chợ loại một, 28 chợ loại hai, 506 chợ loại ba và chợ tạm. Tại các chợ trên có khoảng 40 nghìn hộ, gần 150 nghìn người tham gia kinh doanh, 70-80% tổng mức luân chuyển hàng hóa và dịch vụ bán lẻ thị trường xã hội với các mặt hàng chủ yếu như lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng, điện máy, nông sản… thông qua các chợ. Hệ thống chợ miền núi, vùng sâu, vùng xa tuy không sầm uất như chợ ở đô thị, nhưng cũng góp phần tiêu thụ sản phẩm địa phương, kích thích giao lưu, trao đổi mua bán hàng hóa.
Thời gian qua các địa phương chủ yếu tập trung khai thác nguồn thu từ chợ nhưng chưa chú trọng đầu tư, nâng cấp chợ để trở thành trung tâm thương mại của vùng, huyện, xã… Từ năm 2003 đến nay, Nghệ An và Hà Tĩnh đã lồng ghép nhiều khoản vốn đầu tư từ ngân sách, vốn ODA… khoảng vài trăm tỷ đồng nâng cấp 54 chợ tương đối khang trang cho người dân kinh doanh. Số chợ còn lại nhất là các chợ vùng nông thôn nhiều năm liền không có vốn đầu tư, nâng cấp nên cơ sở hạ tầng càng xập xệ, mua bán trong “nắng bụi, mưa lầy”. Hệ thống đường, điện, cấp thoát nước, phòng cháy, chữa cháy (PCCC)… thiếu đồng bộ nên nguy cơ cháy nổ rất cao. Rác, nước thải đang là vấn đề bức xúc của nhiều địa phương. Đã nhiều lần xảy ra cháy chợ Vinh, chợ TP Hà Tĩnh; chợ Sa Nam, huyện Nam Đàn; chợ Giát, huyện Quỳnh Lưu; chợ Mường Xén, huyện Kỳ Sơn… gây thiệt hại lớn cho nhà nước và bà con tiểu thương. Tình trạng vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm khá phổ biến ở các chợ nông thôn, người dân lấn ra đường họp chợ gây mất an toàn giao thông trên các tuyến giao thông.
Thời gian qua một số địa phương đã mời gọi các doanh nghiệp đầu tư, nâng cấp chợ. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm quản lý nên một số địa phương để doanh nghiệp tự xây chợ theo kiểu của họ, gây bức xúc cho người dân dẫn đến khiếu kiện kéo dài. Điển hình như chợ Phủ Diễn, trung tâm thương mại của huyện Diễn Châu (Nghệ An). Chợ huyện này có từ lâu đời nằm ở khu “đất vàng” tại Ngã ba Diễn Châu, với gần một nghìn hộ kinh doanh. Năm 2008, Công ty xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu được huyện mời gọi đầu tư nâng cấp chợ Phủ Diễn. Tháng 7-2010, một tổ hợp công trình khách sạn, trung tâm thương mại và đô thị đi vào hoạt động. Đây được xem là điểm nhấn về phát triển đô thị của huyện Diễn Châu, nhưng với hàng nghìn hộ tiểu thương lại không mấy hài lòng vì chủ đầu tư đã làm mất địa điểm kinh doanh của họ. Sau khi hoàn thành tổ hợp “hoành tráng” này, nhà đầu tư chỉ dành một diện tích nhỏ hẹp để xây một nhà hai tầng và ba dãy nhà tạm, chỉ đủ cho khoảng 200 hộ kinh doanh. Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu, Tăng Văn Luyện thừa nhận: Chính vì không đủ chỗ kinh doanh nên sau khi khánh thành tổ hợp trung tâm thương mại chợ Phủ Diễn, các hộ tiểu thương vẫn phải ra khu vực chợ tạm để kinh doanh. Vào chợ Phủ Diễn mới, chúng tôi thấy chỉ có khoảng vài chục hộ kinh doanh, tầng 2 vắng tanh, hầu hết các ki-ốt đều đóng cửa, thưa thớt người mua bán. Bà Nguyễn Thị Oanh bức xúc nói: Gần hai năm kinh doanh ở chợ tạm doanh thu rất thấp. Trước sức ép “mất” chợ Phủ Diễn, huyện Diễn Châu và tỉnh Nghệ An đã quy hoạch một chợ mới cách chợ Phủ Diễn cũ khoảng vài trăm mét. Dư luận cho rằng, chợ Phủ Diễn nằm vị trí đắc địa nếu bán đấu giá toàn bộ lô đất rộng hàng nghìn m2 này cho nhà đầu tư xây dựng khách sạn, nhà liền kề như hiện nay thì thừa tiền để xây chợ mới hiện đại. Giờ đây, đằng sau khu nhà cao tầng tại ngã ba thì huyện phải trích một khoản ngân sách khoảng 70 tỷ đồng để xây dựng một khu chợ mới cách đó vài trăm mét, dự kiến đến năm 2013 các hộ tiểu thương mới có chợ để kinh doanh.
Chợ Sơn, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) do Công ty Xăng dầu Phúc Lợi – Bình Dương làm chủ đầu tư thiết kế quy mô quá lớn không sát thực tế cho nên suốt từ năm 2009 đến nay 600 hộ kinh doanh ở đây vẫn phải mua bán trong điều kiện chợ xuống cấp, lầy lội nhưng họ vẫn kiên quyết không cho nhà đầu tư triển khai. Tìm hiểu được biết, hầu hết các nhà đầu tư và địa phương khi lập phương án nâng cấp chợ đều không tham khảo ý kiến cơ quan chủ quản là ngành công thương cho nên đã gặp “sự cố”, điển hình như chợ Phủ Diễn, chợ Sơn, chợ Đô Lương, Thái Hòa…
Trên địa bàn hai tỉnh, các chợ đều nằm ở vị trí đắc địa, sinh lời cao cho nên khi lên phương án xây dựng nâng cấp chợ, nhà đầu tư đều gặp khó khăn hoặc bó tay vì một số chợ đã giao ki-ốt lâu dài hay theo phương thức người dân cùng góp vốn xây chợ… nên không thể thống nhất được giá đền bù chợ cũ.
Cần xã hội hóa đầu tư chợ
Khác với sự xập xệ, xuống cấp trước đây, chợ Giát, huyện Quỳnh Lưu được đầu tư xây dựng mới khang trang ngay trên nền đất cũ giờ tấp nập người mua bán. Công ty Cổ phần Sài Gòn Trung Đô đầu tư vốn hơn 100 tỷ đồng xây mới đình chợ hai tầng, với hơn 1.100 ki-ốt (gần gấp hai lần chợ cũ) và các công trình phụ trợ đồng bộ hiện đại, văn minh, sạch sẽ, bảo đảm an toàn cháy nổ. Ông Hoàng Văn Hải, Phó Giám đốc Công ty kiêm Trưởng ban quản lý chợ Giát cho biết: Để tạo điều kiện cho những người dân không có khả năng mua quầy, công ty cho thuê ngắn hạn. Nhà đầu tư còn bảo lãnh ngân hàng cho hộ kinh doanh vay vốn để mua quầy. Số người buôn thúng, bán mẹt trước đây không có địa điểm buôn bán cố định nay được mời vào khu vực chợ ngoài trời… Với chính sách hỗ trợ của chủ đầu tư, sau gần một năm đưa vào hoạt động, cơ bản các hộ kinh doanh trước đây đều mua và thuê quầy trong chợ để kinh doanh…
Nhờ 30 căn nhà liền kề phố chợ đã giúp nhà đầu tư thu hồi một phần vốn, góp phần làm giảm giá bán và cho thuê quầy. Các hộ mua quầy kinh doanh ở đây cho biết: mức giá gần 200 triệu đồng/quầy/ kinh doanh thời hạn 50 năm, chỉ mất khoảng 5 triệu đồng/năm, bằng 420 nghìn đồng/tháng là hợp lý. Hai ông Đào Tử Cường và Phan Văn Cường mỗi ông bỏ ra hơn một tỷ đồng để mua một lúc sáu quầy để kinh doanh đồ điện tử. Ông Đào Tử Cường cho biết, nhờ kinh doanh trong chợ mới hiện đại, văn minh nên việc buôn bán thuận lợi hơn và thu nhập khá hơn, đặc biệt không lo hỏa hoạn như trước đây. Theo Trưởng phòng Công thương huyện Quỳnh Lưu, Nguyễn Xuân Hà, chợ Giát hiện đại đi vào hoạt động tạo sự sầm uất cho cả khu vực, nhiều nhà đầu tư thấy thuận lợi đã làm phương án xây dựng khu đô thị chung quanh chợ Giát, làm cho đất khu vực chung quanh có giá trị…
Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh, Trần Nhật Tân cho biết: Tìm hiểu thực tế ở một số địa phương cho thấy, việc đầu tư nâng cấp chợ đều thực hiện bằng nguồn vốn xã hội hóa huy động từ các doanh nghiệp, theo hình thức BOO (xây dựng – vận hành – sở hữu). Các dự án đầu tư được cấp đất 50 năm, địa phương và các cơ quan chức năng ngoài việc thống nhất chủ trương phải tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, vận động tiểu thương giải phóng, bàn giao mặt bằng sạch và cấp vốn “mồi” hỗ trợ xây dựng hạ tầng ngoài hàng rào chợ…
Vừa qua bên cạnh một số chợ nông thôn xa trung tâm, gặp khó khăn, quỹ đất ít khó thu hồi vốn, doanh nghiệp không mặn mà đầu tư, còn một số chợ thành thị khi vận động xây dựng chợ mới, một số hộ kinh doanh phản đối quyết liệt vì trước đó họ đã bỏ tiền ra mua quầy hàng chục triệu đến hàng trăm triệu đồng, nhưng đến khi xây chợ mới khấu trừ, thu hồi vốn ở đâu. Để tạo sự đồng thuận, nhà đầu tư cùng chính quyền các cấp cần trực tiếp đối thoại với người dân tìm cách giải quyết, tạo niềm tin cho người dân.
Theo Nhandan
Ý kiến ()