Nông thôn nước ta luôn được đánh giá là khu vực kinh tế tăng trưởng cao, thị trường tiêu thụ rộng, lượng người tiêu dùng trẻ chiếm hơn 70% dân số cả nước. Chính phủ đã có nhiều văn bản, chính sách tạo điều kiện thúc đẩy thị trường này phát triển. Trong đó, ngành ngân hàng đã triển khai nhiều chính sách tín dụng hỗ trợ nông dân – nông nghiệp – nông thôn.
Ngân hàng chưa mặn mà
Từ năm 1999, Hội Nông dân Việt Nam và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ký Nghị quyết liên tịch thực hiện việc “dẫn vốn” từ ngân hàng đến người nông dân theo Quyết định 67 nhằm giúp 100% số hộ nông dân có nhu cầu vay vốn tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng. Hội Nông dân đóng vai trò giám sát để dòng vốn ngân hàng được các hội viên sử dụng đúng, đạt hiệu quả.
Trong 10 năm liên kết, ngành ngân hàng đã thu hút được bảy triệu lượt hộ nông dân tham gia thông qua tổ vay vốn với doanh số cho vay hơn 40.000 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2009, có 228.405 tổ vay vốn đang hoạt động trên cả nước với 1.164.285 thành viên, dư nợ 10.598 tỷ đồng. Thông qua việc sinh hoạt tổ, các thành viên có điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong quá trình vay vốn, trả nợ ngân hàng, hoạt động sản xuất kinh doanh này nâng cao tình đoàn kết, tương trợ trong cộng đồng dân cư.
Gần đây, Chính phủ ban hành Nghị định 41 đổi mới công tác tín dụng nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Nét mới mà người nông dân quan tâm là Nghị định 41 tăng mức cho vay không có tài sản bảo đảm từ 10 triệu đồng lên mức 50 triệu đồng. HTX, chủ trang trại được vay tới 500 triệu đồng.
Nghị định 41 còn quy định việc ngân hàng phải ưu đãi lãi suất cho khách hàng nông dân tham gia mua bảo hiểm nông nghiệp. Đây là kỳ vọng lớn của người nông dân khi nông nghiệp liên tục đối mặt những rủi ro khó lường do thiên tai, thời tiết, dịch bệnh… Được khoanh nợ không tính lãi suất khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng đến sản xuất…
Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, Nghị định 41 đã và đang tồn tại nhiều vấn đề đáng quan tâm như: Nhiều nông dân được cấp sổ đỏ cho đất nông nghiệp nhưng đã chuyển đổi ngành nghề, số đất đó được người khai khác thuê để sản xuất nông nghiệp dẫn đến việc người cần tiền để sản xuất lại không có sổ đỏ để hưởng chính sách cho vay ưu đãi. Nghị định quy định cho vay không có tài sản từ 10 triệu đến 50 triệu đồng, song điều kiện đầu tiên ngân hàng đòi hỏi vẫn phải có sổ đỏ để thế chấp mới cho vay. Thủ tục giấy tờ vay lại khá phức tạp, mất hai ba ngày và 4, 5 con dấu mới vay được 10 triệu đồng và cũng phải “lót tay” vài trăm nghìn đồng, cho nên nhiều hộ nông dân phía nam đành tặc lưỡi điểm chỉ vân tay trong 10 phút để “vay nóng” 10 triệu đồng mặc dù biết phải trả 10-20% trong vài tuần. Chính các ngân hàng cũng không muốn cho vay 10-50 triệu đồng vì vừa tắc chi phí kinh doanh cao, mất thời gian đi đòi tiền mà chưa chắc lấy được tiền. Hơn nữa, thế nào là trang trại, mô hình trang trại, phải có quy định cụ thể thì ngân hàng mới dám cho vay đến mức 500 triệu đồng. Vì thế, nhiều ngân hàng không mặn mà với việc đưa vốn về nông thôn. Thí dụ, Ngân hàng Công thương cho vay chưa đạt 40% dư nợ cho vay nông nghiệp. Ngân hàng Kiên Long xác định mục tiêu là thị trường nông thôn, song tỷ trọng cho vay nông nghiệp – nông thôn chỉ đạt 40% tổng dư nợ. Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín cho vay ở thị trường này cũng chỉ ở con số khiêm tốn 12%…
Để chính sách đi vào cuộc sống
Việc nâng mức cho vay không thế chấp với nông dân là tín hiệu đáng mừng, nhất là trong tình hình kinh tế hiện nay. Song vấn đề là làm sao để chính sách trở thành thực tế, có tác dụng thực. Như vậy, cần định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Các tỉnh, thành phố cần giải quyết việc tiêu thụ nông sản cũng như mối quan hệ giữa vùng nguyên liệu với sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, cần ban hành tiêu chí và quy định về trang trại thống nhất trong cả nước để người vay vốn được vay theo quy định. Các địa phương cũng cần đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân vì đây là một trong những điều kiện để nông dân tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng. Nhà nước cần hoàn thiện cơ chế chính sách thúc đẩy mối liên kết giữa bốn nhà: nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp và ngân hàng nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam ở thị trường trong nước và xuất khẩu. Các ngành chức năng nghiên cứu để áp dụng các loại hình bảo hiểm đối với sản xuất nông nghiệp. Ngân hàng cần mở rộng việc thực hiện bảo hiểm tiền vay đối với khách hàng là hộ nông dân để giảm rủi ro cho người vay và bảo đảm an toàn tín dụng. Ngoài ra, khi mức vay không phải bảo đảm tài sản với hộ gia đình, cá nhân và tổ chức trong lĩnh vực nông nghiệp tăng lên đòi hỏi ngành ngân hàng phải có cơ chế huy động vốn và điều tiết vốn hợp lý thì mới đủ vốn để cung ứng cho khách hàng vay.
Nói một cách khác, không phải các ngân hàng không tìm ra được lợi nhuận ở thị trường nông thôn nhưng do chưa có chính sách cũng như chiến lược phát triển đồng bộ cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cho nên các ngân hàng ở nước ta cứ phải giành giật thị phần nhỏ ở các thành phố, các trung tâm công nghiệp mà “bỏ quên” thị trường nông thôn đầy tiềm năng, làm mất đi tính trách nhiệm xã hội của toàn ngành.
Ý kiến ()