Vướng mắc khi thủy lợi chuyển từ phục vụ sang dịch vụ
Chủ trương của Chính phủ là chuyển từ cơ chế thủy lợi phí sang cơ chế giá cho hoạt động cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi có thể xem là bước đột phá, coi sản phẩm dịch vụ thủy lợi là hàng hóa kinh tế và phải quản lý theo cơ chế giá. Tuy nhiên sau hơn ba năm Luật Thủy lợi có hiệu lực thi hành (ngày 1/7/2018), việc chuyển từ “phí” sang “giá” gần như không thực hiện được do còn rất nhiều vướng mắc trong triển khai thực hiện.
Việc triển khai Nghị định số 96/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ quy định chi tiết giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi, cho đến nay đã hơn ba năm nhưng vẫn còn nhiều địa phương, doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi gặp khó khăn, lúng túng trong triển khai.
Chuyển từ cơ chế thủy lợi phí, sang cơ chế giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi nhằm thiết lập được khung pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất trong quản lý khai thác công trình thủy lợi, phù hợp với quy định của Luật Giá, Luật Phí và Lệ phí và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Đồng thời, thay đổi cách tiếp cận trong hoạt động cung cấp dịch vụ thủy lợi từ “phục vụ” sang “dịch vụ” nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ thủy lợi, đáp ứng nhu cầu đa dạng của tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất trong nông nghiệp. Quan trọng hơn nữa là thúc đẩy xã hội hóa, khuyến khích tư nhân, cộng đồng tham gia quản lý, khai thác các công trình thủy lợi, áp dụng các công nghệ mới trong sản xuất và quản lý, nhằm sử dụng tiết kiệm nước.
Những vướng mắc từ thực tiễn
Là vùng bán sơn địa, huyện Hà Trung (Thanh Hóa), vào những ngày tháng 10, nhiều cánh đồng ngập trắng nước do ảnh hưởng của bão số 7 và số 8. Đưa chúng tôi đi thăm trạm bơm xã Hà Yên được xây dựng từ năm 1987, Phó Tổng Giám đốc Công ty Bắc Sông Mã Nguyễn Ngọc Tuấn chia sẻ: “Toàn bộ hệ thống công trình thủy lợi do công ty quản lý, khai thác được quy hoạch xây dựng và đưa vào khai thác từ những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, đến nay đã xuống cấp, nhiều trạm bơm đầu mối, cống lớn hư hỏng nặng, máy móc thiết bị đã lạc hậu, tài chính của công ty được ngân sách cấp không đủ chi thường xuyên do mức cấp quá thấp, chỉ bằng cấp bù theo cơ chể thủy lợi phí quy định từ năm 2012 tại Nghị định 67/2012/NĐ-CP. Trong khi đó hiện nay, lương đã tăng 65%, giá điện tăng 55%, giá vật tư nguyên liệu tăng 65%, doanh thu từ nguồn hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi phí không đủ bù đắp các chi phí tối thiểu”.
Các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có nguồn thu chủ yếu từ hoạt động cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi. Mức giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi hiện nay quy định bằng mức thu thủy lợi phí từ năm 2012 theo Nghị định 67/2012/NĐ-CP ngày 10/9/2012 của Chính phủ. Trong khi đó, các chi phí cấu thành giá hằng năm đều tăng.
Phó Chi cục trưởng Thủy lợi tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Thị Anh Nga cho biết: “Từ khi triển khai thủy lợi phí sang giá dịch vụ công ích thủy lợi, ngân sách nhà nước hỗ trợ không thay đổi so với mức cấp bù miễn thu thủy lợi phí từ năm 2012 là hết sức bất cập. Hơn nữa, quy trình, thủ tục xây dựng giá rất phức tạp, mất nhiều thời gian, phải được HĐND tỉnh thông qua thì UBND tỉnh mới ban hành giá cụ thể sản phẩm, dịch vụ trên cơ sở mức giá tối đa sản phẩm dịch vụ thủy lợi và khung giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi khác do Bộ Tài chính quy định, mà HĐND tỉnh mỗi năm chỉ họp hai lần”.
Chi Cục trưởng Thủy lợi tỉnh Bắc Giang Lê Thành Chung chia sẻ: “Mức giá quy định cho tiêu, thoát nước cho nông nghiệp, khu vực nông thôn và đô thị, trừ nội thị: Mức giá tối đa không quá 5% mức giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi của tưới đối với đất trồng lúa/vụ, do vậy rất thấp, chưa đủ tiền chi phí điện cho các trạm bơm”. Ông Chung đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 96/2018/NĐ-CP, tạo điều kiện cho các địa phương triển khai thực hiện xây dựng hồ sơ phương án giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi và giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khác theo quy định của Luật Thủy lợi”.
Một trong những nguyên nhân là sự không đồng nhất giữa các văn bản hướng dẫn thực hiện, ví dụ như Nghị định 96/2018/NĐ-CP về chi phí bảo dưỡng định kỳ, sửa chữa định kỳ hay về các khoản chi phí thực tế phát sinh nhưng không được tính trong cơ cấu giá, về trích lập hai quỹ khen thưởng, phúc lợi… có nhiều điểm không thống nhất với các thông tư của Bộ Tài chính đưa ra, điều này khiến các đơn vị rất lúng túng trong áp dụng thực hiện. Ví dụ, theo điểm b, khoản 2, Điều 3 của Nghị định số 96/2018/NĐ-CP, chỉ được tính chi phí khấu hao tài sản cố định trong giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi bao gồm: Phương tiện vận tải, thiết bị truyền dẫn, trang thiết bị, hệ thống thông tin quản lý vận hành và máy móc thiết bị quản lý dùng trong văn phòng. Như vậy, chi phí khấu hao đối với tài sản là nhà cửa, vật kiến trúc không được tính giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi. Trong khi đó, theo quy định tại khoản 6, Điều 7, Thông tư số 73/2018/TT-BCT ngày 15/8/2018 của Bộ Tài chính lại nêu rõ: Việc khấu hao tài sản cố định của đơn vị khai thác công trình thủy lợi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 45/2013/TT-BTC…
Cần tách riêng cơ chế giá và cơ chế hỗ trợ
Đối với sản phẩm dịch vụ thủy lợi khác, do khai thác tổng hợp các lợi ích khác của công trình thủy lợi, cần phải tính đúng, tính đủ toàn bộ chi phí và có mức lợi nhuận phù hợp.
Trao đổi về vấn đề này, Cục trưởng Quản lý công trình thủy lợi (Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Hồng Khanh cho rằng: “Hầu hết các công trình thủy lợi đều phục vụ đa mục tiêu, bao gồm cả cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi và sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khác, do đó, để phân bổ rạch ròi chi phí cho từng loại sản phẩm không hề đơn giản, trong khi đó nguyên tắc tính giá đối với các loại sản phẩm này (công ích và khác) phải khác nhau. Bên cạnh đó, đối với sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi, hiện vẫn được Nhà nước hỗ trợ theo cơ chế mức hỗ trợ không vượt giá tối đa do Bộ Tài chính quy định, mà giá tối đa lại phụ thuộc ngân sách nhà nước. Để tháo gỡ, khắc phục được khó khăn cho các đơn vị thủy lợi, cần phải nâng mức giá tối đa sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi hoặc thực hiện tốt cơ chế trợ giá, hỗ trợ tài chính đối với các đơn vị thủy lợi. Về lâu dài, cần nghiên cứu tách bạch giữa cơ chế giá và cơ chế hỗ trợ trong lĩnh vực khai thác thủy lợi”.
Cùng quan điểm trên, PGS, TS Đoàn Thế Lợi, nguyên Viện trưởng Kinh tế thủy lợi, nhấn mạnh: “Các hướng dẫn về xây dựng giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi hiện nay đang bóp méo tính khoa học về giá trong nền kinh tế thị trường. Với cách mà các cơ quan quản lý nhà nước đang hướng dẫn các công ty khai thác thủy lợi như hiện nay, giá không ra giá, phí không ra phí, xây dựng giá dựa vào mức cấp hỗ trợ của Nhà nước theo khả năng ngân sách. Theo tính toán, từ năm 2012 đến nay, nếu tính trượt giá thông thường đã là 1,8 đến 2 lần do chi phí các yếu tố đầu vào đều tăng như chi phí lương tăng gần 2 lần, các chi phí nguyên vật liệu đều tăng nhiều nhưng quy định lấy mức cấp bù từ năm 2012 để tính cho giá bây giờ là không hợp lý và thiếu cơ sở khoa học”.
Thực hiện cơ chế giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi sẽ là cơ sở để xóa bỏ cơ chế “xin-cho”, nhằm tạo lập sân chơi mới cho các tổ chức, cá nhân cung cấp sản phẩm dịch vụ thủy lợi trong môi trường hoạt động minh bạch, bình đẳng để thu hút, huy động khu vực tư nhân tham gia theo cơ chế thị trường, phù hợp với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, quá trình triển khai trong thời gian qua đang gặp nhiều vướng mắc cần sớm được tháo gỡ. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần kịp thời hoàn thiện các văn bản dưới luật, để các chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống một cách thiết thực, hiệu quả.
Theo Nhandan
Ý kiến ()