Vươn xa hạt gạo Việt
Cánh đồng lúa thơm ST ở Sóc Trăng. Gạo thơm ST đang hấp dẫn thị trường trong và ngoài nước, nên khi nông dân Sóc Trăng thu hoạch lúa đến đâu, thương lái và doanh nghiệp thu mua đến đó với giá cao. Đây chính là dấu hiệu đáng mừng cho sự "thăng hoa" của thị trường lúa thơm ST trong thời gian tới.Khi chúng tôi hỏi về lúa thơm ST, không chỉ cán bộ nông nghiệp mà ngay cả nông dân Sóc Trăng cũng đều tự hào về giống lúa đặc sản này. Ông Nguyễn Văn Truyện ở thị trấn Ngã Năm, huyện Ngã Năm (Sóc Trăng) kể, trước đây, nông dân làm lúa mỗi người chọn một loại giống theo ý thích, miễn khi thu hoạch lúa được mùa là được. Không có bao nhiêu người quan tâm đến việc chọn giống có chất lượng, bán được giá cao, tiêu thụ mạnh như bây giờ. Nông dân vận chuyển lúa tươi từ ruộng về nhà cực lắm, lo kiếm sân để phơi khi thu hoạch rộ cũng không phải là dễ, gặp lúc trời mưa dầm lại càng cực khổ hơn. Phải phơi nhiều nắng thì lúa mới...
Cánh đồng lúa thơm ST ở Sóc Trăng. |
Khi chúng tôi hỏi về lúa thơm ST, không chỉ cán bộ nông nghiệp mà ngay cả nông dân Sóc Trăng cũng đều tự hào về giống lúa đặc sản này. Ông Nguyễn Văn Truyện ở thị trấn Ngã Năm, huyện Ngã Năm (Sóc Trăng) kể, trước đây, nông dân làm lúa mỗi người chọn một loại giống theo ý thích, miễn khi thu hoạch lúa được mùa là được. Không có bao nhiêu người quan tâm đến việc chọn giống có chất lượng, bán được giá cao, tiêu thụ mạnh như bây giờ. Nông dân vận chuyển lúa tươi từ ruộng về nhà cực lắm, lo kiếm sân để phơi khi thu hoạch rộ cũng không phải là dễ, gặp lúc trời mưa dầm lại càng cực khổ hơn. Phải phơi nhiều nắng thì lúa mới khô. Khi lúa khô, nông dân phải để lại rồi bán từ từ để không bị ép giá. Thương lái không tranh mua như bây giờ. Sau khi làm giống lúa thơm ST, nông dân thấy rõ hiệu quả sản xuất, nên đua nhau gieo sạ giống ST, diện tịch lúa thơm không ngừng gia tăng; cán bộ kỹ thuật luôn quan tâm hướng dẫn nông dân sản xuất, cải tạo đồng rộng, nâng cao chất lượng lúa hàng hóa. Đến lúc thu hoạch, thương lái ra tận ruộng mua với giá hấp dẫn, nông dân khỏe re, khỏi phải lo chở về sấy hay phơi, đỡ tốn chi phí.
Phát triển lúa thơm ở Sóc Trăng có điểm xuất phát từ khi tái lập tỉnh (năm 1992). Đến năm 1995, diện tích lúa thơm đạt năm nghìn ha. Tuy nhiên, phải đến năm 2001, hành trình lúa thơm mới tạo thành điểm nhấn khi giống lúa thơm ST3 được phổ biến rộng rãi trên đồng đất Sóc Trăng. Ngay sau đó, gạo thơm Sóc Trăng sẵn sàng bước vào thị trường và tự hào góp phần nâng giá trị xuất khẩu gạo vượt ngưỡng 300 USD/tấn. Từ thành công này, Sóc Trăng tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển sản xuất, mở rộng diện tích, xúc tiến thương mại. Thông qua các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hàng nghìn nông dân Sóc Trăng đã thành thạo kỹ thuật canh tác lúa thơm. Lúa thường dần nhường chỗ cho diện tích lúa thơm cao sản. Những năm tiếp theo, Sóc Trăng tập trung đầu tư chọn tạo giống lúa thơm chịu lợ, mặn thích nghi với vùng ven biển; đưa các gien kháng rầy nâu, rầy xanh đuôi đen chuyển giao vào các giống lúa thơm tiêu biểu; chọn tạo giống thích nghi với biến đổi khí hậu và tiếp tục nâng lên một bước khi triển khai thực hiện quy trình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn toàn cầu – GlobalGAP.
Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) lúa – tôm Hòa Lời Mai Văn Chánh khoe, lúa ST5 được trồng ở vùng đất này bảo đảm độ thuần rất cao. HTX lúa – tôm Hòa Lời sản xuất lúa thơm ST5 đạt tiêu chuẩn GlobalGAP vào năm 2009. Lúa thơm mang thương hiệu “Ngọc Đồng”, được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản phẩm, cao hơn giá thị trường 5% và đang xuất hiện tại các siêu thị thuộc hệ thống Co.opMart, nên HTX không phải lo khâu tiêu thụ. Festival lúa gạo được tổ chức tại Sóc Trăng vào năm 2011 đã “chắp thêm đôi cách” cho gạo thơm ST5 và đẩy mạnh quảng bá cho những dòng sản phẩm ST cao cấp khác. Hiện nay, lúa thơm ST tại Sóc Trăng có diện tích hơn 20 nghìn ha/năm. Sóc Trăng phấn đấu đến năm 2015 đạt 80 nghìn ha và đến năm 2020 tăng lên 100 nghìn ha lúa thơm. Giá lúa thơm từ đầu vụ đông xuân 2011 – 2012 đến nay luôn giữ ở mức cao. Với giống lúa thơm ST5, ST13, nông dân luôn bán cao hơn lúa thường từ 500 đến 700 đồng/kg. Từ sức hấp dẫn của thị trường lúa thơm, gạo thơm, một số doanh nghiệp đã đến Sóc Trăng đầu tư thu mua lúa thơm với hình thức hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Cả nước xuất khẩu khoảng 475 nghìn tấn gạo thơm vào năm 2011. Năm nay, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu từ 800 nghìn đến một triệu tấn gạo thơm, chiếm hơn 10% tổng lượng gạo xuất khẩu. Thị trường gạo thơm Sóc Trăng không chỉ phát triển rộng khắp từ nam ra bắc, mà nhiều nước trên thế giới cũng đã biết đến gạo thơm ST. Từ năm 2004, có khoảng 10 nghìn tấn gạo thơm Sóc Trăng được xuất khẩu ra nước ngoài. Hiện, Sóc Trăng đang ráo riết hoàn thành việc xây dựng, lắp đặt hệ thống kho chứa, nhà máy xay xát để mỗi năm dự kiến xuất khẩu khoảng 100 nghìn tấn gạo thơm ST. Theo các doanh nghiệp, gần đây, nhiều khách hàng nước ngoài đến Sóc Trăng tìm hiểu và ký kết hợp đồng ghi nhớ cả chục nghìn tấn gạo thơm, chủ yếu là ST5 với mức giá cao. Mặc dù yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, nhưng thị trường Mỹ cũng bắt đầu chú ý đến gạo thơm Sóc Trăng, khi gạo thơm vừa được xuất khẩu sang Mỹ hàng chục tấn. Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, gạo thơm Sóc Trăng vừa có chất lượng cao vừa có tính khác biệt, gạo ST5 thơm nhẹ, hạt sáng trong, thị trường rất ưa chuộng và giá rẻ nên đủ điều kiện để cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Một lượng gạo thơm ST5 khá lớn đã được xuất khẩu sang các nước châu Á với giá từ 700 đến 730 USD/tấn, nhưng lượng hàng không đủ cung. Trong thời gian tới, Sóc Trăng tiếp tục mở rộng thêm vùng nguyên liệu lúa thơm đạt chất lượng cao để bảo đảm nguồn cung trên thị trường.
Trong việc sản xuất lúa thơm, Sóc Trăng sẽ tạo vùng nguyên liệu tập trung với những chỉ dẫn địa lý rõ ràng nhằm đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc. Tiềm năng sản xuất lúa thơm chất lượng cao tại Sóc Trăng là rất lớn, nên rất cần sự chung tay, góp sức của cơ quan quản lý, nhà khoa học và các doanh nghiệp cùng với nông dân giải quyết các vấn đề về giống xác nhận, kỹ thuật canh tác, bao tiêu sản phẩm, bảo quản sau thu hoạch… Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền nam Bùi Chí Bửu cho biết, gạo đặc sản mang tên ST của Sóc Trăng vốn đã nổi tiếng thơm, ngon trên thị trường trong và ngoài nước. Với chứng nhận GlobalGAP, chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa, gạo thơm Sóc Trăng đang có cơ hội lớn để xâm nhập sâu vào thị trường cao cấp một cách thuận lợi, góp phần đưa hạt gạo Việt đi xa hơn.
Theo Nhandan
Ý kiến ()