Vươn tới ISO, nâng cao năng lực kiểm nghiệm
LSO-Thực hiện nhiệm vụ kiểm tra giám sát và quản lý thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, Trung tâm kiểm nghiệm dược phẩm, mỹ phẩm đã khắc phục nhiều khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Phòng Kiểm nghiệm thuốc của Trung tâm Kiểm nghiệm dược phẩm, mỹ phẩm Lạng Sơn |
NÂNG CAO NĂNG LỰC KIỂM NGHIỆM
Với 29 cán bộ, nhân viên, trong đó có 3 người có trình độ trên đại học, 7 người có trình độ đại học, Trung tâm đã tăng cường công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, tập huấn, nâng cao tay nghề để có thể đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ. Năm 2014, khi tổ chức đánh giá “thử nghiệm thành thạo” tay nghề kiểm nghiệm viên, đã có 11/11 kiểm nghiệm viên đạt yêu cầu (tỷ lệ 100%). Tham gia thử nghiệm thành thạo liên phòng thí nghiệm với 2 phép thử do Viện kiểm nghiệm thuốc thành phố Hồ Chí Minh tổ chức có kết quả trùng khớp với yêu cầu của Viện. Trung tâm và 2 cá nhân đã tham gia đề tài khoa học cấp tỉnh “Điều tra, đánh giá hiện trạng một số loài dược liệu chính tỉnh Lạng Sơn” do Sở Y tế và Viện Dược liệu Trung ương làm chủ nhiệm, được Hội đồng khoa học cấp tỉnh đánh giá loại xuất sắc. Phối hợp với Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương hoàn thành tổ chức tập huấn ISO/IEC 17025 và cấp chứng nhận cho 27 cán bộ viên chức. Tổ chức lớp tập huấn đánh giá nội bộ ISO/IEC và cấp chứng nhận cho 7 cán bộ.
Với đội ngũ cán bộ, nhân viên thông thạo nghiệp vụ, Trung tâm đã khai thác hiệu quả các thiết bị hiện có, triển khai đầy đủ các phương pháp hóa-lý, phương pháp vi sinh, quang phổ, chuẩn độ điện thế, phân tích dụng cụ, thử độ hòa tan… trong kiểm nghiệm, nên đã đạt độ tin cậy cao. Với những nỗ lực vượt bậc, ngày 10/12/2014, Trung tâm đã được Văn phòng công nhận chất lượng-Bộ Khoa học và Công nghệ ra Quyết định công nhận phù hợp theo ISO/IEC 17025:2005 với danh mục 32 phép thử và 216 hoạt chất. Cấp chứng chỉ công nhận ISO/IEC 17025:2005 với mã số phòng thí nghiệm VILAS 791. Đồng chí Phan Lạc Hoài Thanh, Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm dược phẩm, mỹ phẩm Lạng Sơn cho biết: chính việc nâng cao năng lực về con người đã giúp Trung tâm khai thác tốt trang thiết bị, tham mưu chính xác và hiệu quả cho Sở Y tế quản lý tốt hơn về công tác dược, mỹ phẩm; là nơi tin cậy của người kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm và người tiêu dùng.
THỰC HIỆN CÔNG TÁC CHUYÊN MÔN
Năm 2014, Trung tâm đã tiến hành kiểm nghiệm 1.209 mẫu theo phân tuyến kỹ thuật, đạt 120,9% kế hoạch, trong đó có 400 mẫu thuốc khám chữa bệnh, 50 mẫu thuốc dự phòng, 401 mẫu thuốc kinh doanh và 358 mẫu gửi. Kết quả có 1.186 mẫu đạt chất lượng, đạt tỷ lệ 98,1%. Trong 23 mẫu không đạt chất lượng, “kênh” kinh doanh có 12 mẫu, “kênh” mẫu gửi có 10 mẫu và “kênh” khám chữa bệnh có 1 mẫu. Ngoài kiểm nghiệm mẫu, công tác tuyến được chú trọng nhằm kiểm soát chất lượng thuốc và mỹ phẩm lưu thông trên địa bàn tỉnh. Năm 2014, Trung tâm đã kiểm tra và lấy mẫu 330 lượt cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc trên các địa bàn trong tỉnh, trong đó khu vực thành phố 651 mẫu, khu vực nông thôn 558 mẫu (có 72 mẫu thuốc nhập khẩu của 9 quốc gia và 1.137 mẫu thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược liệu của 79 công ty, xí nghiệp trong nước).
NIỀM TIN CỦA NGƯỜI TIÊU DÙNG
Qua phân tích, kiểm nghiệm, Trung tâm đã chỉ ra những vấn đề trong công tác quản lý, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm trên địa bàn. Hầu hết cơ sở chưa thực hiện tốt công tác bảo quản thuốc, độ ẩm còn lớn (trên 80%), để lẫn thuốc với các sản phẩm khác, vệ sinh chưa bảo đảm. Một số quầy thuốc và nhà thuốc còn bán thuốc, thực phẩm chức năng không có hóa đơn đầu vào. Một số loại thuốc chương trình tại các trạm y tế xã sắp hết hạn sử dụng nhưng chưa lập báo cáo xử lý. Một số quầy thuốc còn có thuốc và thực phẩm chức năng quá hạn sử dụng trong quầy. Những tồn tại này, Trung tâm đã tham mưu cho Sở Y tế chấn chỉnh kịp thời. Cũng qua công tác kiểm nghiệm, người tiêu dùng có thể hoàn toàn yên tâm về chất lượng thuốc tại kho dược và quầy thuốc các bệnh viện. Việc còn tỷ lệ 3% thuốc không đạt chất lượng và 2,8% ở mẫu gửi kinh doanh cũng là sự cảnh báo cho người dân cần cảnh giác với chất lượng thuốc bày bán trôi nổi trên thị trường.
MINH HỒNG
Ý kiến ()