Vườn rau xanh trên đảo chìm
Mặc dù ở đảo xa, khí hậu khắc nghiệt, song cán bộ, chiến sĩ trên các đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa, huyện Trường Sa (Khánh Hòa), không chỉ vượt khó vươn lên trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu mà còn tích cực chăn nuôi, trồng rau cải thiện đời sống...Cùng đoàn cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng D, Quân chủng Hải quân đến công tác tại các đảo chìm Đá Thị, Đá Nam, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi các vườn rau đều được làm ở trên cao, cách mặt nước biển khoảng chục mét, rau trồng trong các chậu nhựa com-po-dít kích cỡ 80x40 cm, được ghép lại trông rất xanh tốt. Để có vườn rau đa dạng về chủng loại như: rau muống, rau dền, rau cải..., mâm cơm thường ngày của người lính đảo có thêm đĩa rau, bát canh ngọt ngào, sau giờ huấn luyện vất vả, những người lính đảo, nhất là đảo chìm ở Trường Sa đã phải đổ mồ hôi, công sức, bởi hằng ngày, hằng giờ phải đối mặt với thời tiết khí hậu khắc nghiệt giữa đại dương.Dẫn chúng tôi đi thăm nơi ăn, chốn...
Cùng đoàn cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng D, Quân chủng Hải quân đến công tác tại các đảo chìm Đá Thị, Đá Nam, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi các vườn rau đều được làm ở trên cao, cách mặt nước biển khoảng chục mét, rau trồng trong các chậu nhựa com-po-dít kích cỡ 80×40 cm, được ghép lại trông rất xanh tốt. Để có vườn rau đa dạng về chủng loại như: rau muống, rau dền, rau cải…, mâm cơm thường ngày của người lính đảo có thêm đĩa rau, bát canh ngọt ngào, sau giờ huấn luyện vất vả, những người lính đảo, nhất là đảo chìm ở Trường Sa đã phải đổ mồ hôi, công sức, bởi hằng ngày, hằng giờ phải đối mặt với thời tiết khí hậu khắc nghiệt giữa đại dương.
Dẫn chúng tôi đi thăm nơi ăn, chốn ở và giới thiệu vườn rau trên đảo, Đại úy Nguyễn Văn Quý, Chính trị viên đảo chìm Đá Thị thổ lộ: Ở Trường Sa, một năm chỉ có hai mùa: mùa khô và mùa mưa. Trong đó, tăng gia rau xanh ở đảo chìm về mùa khô khó khăn nhất vẫn là nguồn nước ngọt để tưới rau. Mùa khô nắng hạn kéo dài, những ngày biển lặng, nắng to, bộ đội trên đảo ăn ở, học tập, công tác trong các tầng nhà bê-tông nên rất oi bức, nhu cầu sử dụng nước ngọt hằng ngày lớn, song nguồn nước ngọt lại chủ yếu trông vào nước mưa chứa trong các hầm dự trữ, cho nên nước ngọt ở đảo được coi là 'hàng quý hiếm'. Do vậy, về mùa khô, để bảo đảm nước ngọt cho sinh hoạt, sản xuất, đơn vị đã phát động cán bộ, chiến sĩ trên đảo thi đua thực hiện Cuộc vận động 'Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh' bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, gắn với việc tiết kiệm nước sinh hoạt, tích cực chăn nuôi gia cầm, tăng gia rau xanh.
Ở đảo chìm, trồng rau xanh trong mùa mưa cũng lắm gian nan, bởi biển động, sóng to, gió lớn, nên vườn rau phải được che đậy chắc chắn. Mỗi khi nghe đài, xem vô tuyến, biết tin có bão hoặc áp thấp, cán bộ, chiến sĩ phải kịp thời 'sơ tán' các chậu rau vào trong nhà để tránh gió và nước biển. Trung tá Lê Ngọc Dũng, Chính trị viên đảo Sinh Tồn Đông, người đã có 25 năm gắn bó với biển, đảo Trường Sa, chia sẻ: 'Những năm trước đây, có thời điểm biển động kéo dài, nên việc tăng gia rau xanh rất khó khăn. Rau được coi là món 'đặc sản', mỗi tháng bộ đội chỉ được 'thưởng thức' từ ba đến bốn bữa rau luộc.
Thời tiết khí hậu khắc nghiệt là vậy, nhưng với tinh thần tích cực, chủ động, trên đảo chìm Đá Thị không chỉ có ba vườn rau xanh tốt, mà còn có một vườn rau gia vị với đủ loại như: gừng, sả, giềng, ớt… Gặp Trung sĩ Trần Đức Hoàng, quê ở xã La Ngà, huyện Định Quán (Đồng Nai) và Trung sĩ Hồ Ngọc Quân, quê ở quận 9, TP Hồ Chí Minh đang chăm sóc vườn rau muống, chúng tôi được biết thêm, trước khi nhập ngũ, hai anh chưa biết cách trồng và chăm sóc các loại rau muống, rau dền, mồng tơi… Từ khi ra đảo công tác, được sự giúp đỡ, hướng dẫn của đồng đội, bây giờ hai anh đã biết cách trồng. Đại úy Bùi Phi Long, Đảo trưởng đảo Đá Thị phấn khởi 'khoe': Ngoài việc cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã cơ bản bảo đảm được rau xanh trong bữa ăn hằng ngày, các phân đội trên đảo còn nuôi được gà, vịt và chó… góp phần nâng cao chất lượng đời sống, bảo đảm tốt sức khỏe cho bộ đội.
Đến với các đảo ở quần đảo Trường Sa, được gặp mặt, tâm sự với những người lính đảo, chúng tôi được nghe nhiều chuyện cảm động: những năm trước đây, vào mùa khô các đảo chìm thường thiếu nước sinh hoạt, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã tiết kiệm nước bằng cách không nhận phần nước đơn vị cấp hằng ngày, quần áo huấn luyện về không giặt mà đem phơi nắng cho khô để nhường phần nước cho các bộ phận khác và đồng đội.
Chia tay các đảo chìm trên quần đảo Trường Sa, chúng tôi cảm phục và không thể nào quên hình ảnh các cán bộ, chiến sĩ cần mẫn chăm sóc vườn rau xanh. Dẫu biết rằng, cuộc sống nơi đảo xa vẫn còn gian khó, nhưng chúng tôi tin rằng, từ vườn rau xanh ấy, những người lính đảo thêm ấm lòng, và quyết tâm ngày đêm bám trụ, chắc tay súng bảo vệ vùng biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Theo Nhandan
Ý kiến ()