Giáp Tết Tân Mão, hơi nước từ những con sóng bạc đầu phủ lên đảo Phú Quý (Bình Thuận) những lớp sương mờ mặn vị muối của biển cả. Từng cơn gió mùa đông bắc đổ xuống vít cong các ngọn phi lao, bào mòn xơ xác những hàng cây ngũ trảo, dứa dại. Thế nhưng, khi bước vào vườn rau của gia đình ông Đặng Thái Sư ở thôn Phú An, xã Ngũ Phụng, huyện đảo này, chúng tôi cứ ngỡ như đang thăm một nhà vườn chuyên canh rau xanh ở vùng ven Phan Thiết. Những luống cải ngọt, hành tím, ngò thơm, mồng tơi… xanh mơn mởn đang chờ ra chợ vào những ngày cận Tết. Cạnh đó, hai thanh niên thoăn thoắt ngắt những quả cà chua tròn căng để kịp giao cho người chạy chợ đang đợi sẵn ở nhà.
Dừng tay tưới nước, ông Đặng Thái Sư tâm sự: Gia đình ông chuyên canh các loại rau, củ, quả từ năm 2003, hiện tại, diện tích sản xuất được khoảng bảy sào, cả đất của gia đình và đất thuê của người khác. Vụ Tết này, sản lượng rau xanh các loại của gia đình ông ước khoảng 500 kg và khoảng một tấn cà chua. Bắt đầu từ hôm 20 tháng Chạp, mỗi ngày nhà ông thu nhập 'lai rai' từ các loại rau vụ Tết khoảng 200 nghìn đồng. 'Năm vừa rồi (2010), nhà tôi thu nhập được tổng cộng khoảng 80 triệu đồng từ bảy sào chuyên canh rau, củ, quả' – ông Sư cho biết thêm. Chị Tạ Thị Trâm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngũ Phụng góp chuyện: Ngũ Phụng là nơi sản xuất rau xanh chủ yếu của cả đảo và toàn xã có khoảng 10 hộ sản xuất rau xanh như quy mô của gia đình ông Sư. Nếu có thêm nhiều hộ chuyên canh một cách bài bản hơn, thì đảo sẽ không thiếu rau xanh. Năm vừa rồi, do ảnh hưởng của nắng hạn, rồi mưa lũ và gió bão, làm cho lượng rau xanh ở đảo càng thiếu hụt gay gắt…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ trong năm 2010 vừa rồi, mà nhiều năm nay, đảo Phú Quý luôn 'hụt' nguồn rau xanh tại chỗ. Những vườn rau xanh như của gia đình ông Sư là 'hàng hiếm'…
Hiện tại, diện tích trồng rau xanh ở Phú Quý còn rất 'khiêm tốn' so với khoảng 300 ha đất sản xuất nông nghiệp ổn định của toàn đảo. Ngũ Phụng là xã chuyên canh rau của đảo, nhưng tổng diện tích sản xuất cũng chỉ vài ha, hai xã còn lại, diện tích trồng rau xanh không đáng kể. Phần lớn bà con cũng chỉ sản xuất được rau xanh trong mùa thuận. Vào mùa nghịch, từ cuối tháng 4 đến tháng 8 hằng năm, thì dường như bỏ đất trống do thiếu nước tưới và hơi gió biển mặn gây hại cho rau. Quy trình sản xuất rau xanh của số đông bà con ở đảo còn đơn giản, chưa áp dụng được các tiến bộ kỹ thuật vào thực tế sản xuất như biện pháp tưới nước tiết kiệm, che chắn hạn chế tác hại của gió biển…, do vậy năng suất cũng không cao.
Theo khảo sát của một cơ quan chuyên môn, có khoảng 70% khối lượng các loại rau phổ biến như rau muống, rau dền, rau cải… cung ứng cho tiêu thụ tại đảo, phải chuyển từ đất liền ra và hay bị dập úa, giá cả lại cao. Những lúc biển động kéo dài, các chợ ở Phú Quý có khi không còn rau để bán. Thực tế này cũng ảnh hưởng khá lớn đến cơ cấu thành phần các chất dinh dưỡng trong bữa ăn hằng ngày của người dân ở đảo Phú Quý. Theo khảo sát của Phòng nghiên cứu cây thực phẩm, Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền nam hồi tháng 7-2007, mức tiêu thụ rau xanh bình quân của người dân ở đảo Phú Quý chỉ đạt khoảng 60-70 kg/người/năm. Trong khi đó, theo các chuyên gia dinh dưỡng, thì nhu cầu rau xanh bình quân của người Việt Nam ta cần khoảng 100-120 kg/người/năm. Như vậy, với dân số khoảng 25 nghìn người, hằng năm, đảo Phú Quý cần khoảng từ 2.000 đến 2.500 tấn rau xanh, nhưng từ năm 2010 trở về trước, mỗi năm, toàn huyện đảo này chỉ mới sản xuất được khoảng từ 500 đến 700 tấn…
Nhằm góp phần tăng thêm chất lượng bữa ăn cho quân, dân ở đảo Phú Quý, từ tháng 4-2010, Trung tâm thông tin và ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) Bình Thuận đã triển khai thực hiện dự án 'Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng và phát triển mô hình sản xuất rau trên đất cát nhằm góp phần giải quyết tình trạng thiếu rau xanh của huyện đảo Phú Quý'. Dự án này kéo dài trong 30 tháng với kinh phí thực hiện 2,4 tỷ đồng, trong đó, nguồn kinh phí từ ngân sách sự nghiệp KHCN trung ương hỗ trợ hơn 1,8 tỷ đồng. Chủ nhiệm dự án, cử nhân Mai Thanh Nga, cho biết thêm: Tiếp nhận công nghệ từ Viện Khoa học – Kỹ thuật nông nghiệp miền nam, Trung tâm thông tin và ứng dụng tiến bộ KHCN Bình Thuận chuyển giao rộng rãi cho dân, quân ở Phú Quý mô hình trồng rau trên cát có tầng giữ ẩm nhân tạo và mô hình dùng nhà lưới hoặc vòm lưới để trồng rau, nhằm khắc phục điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở đảo.
Sau hơn tám tháng triển khai thực hiện dự án, đã xây dựng được tại đảo sáu nhà lưới, năm vòm lưới và 40 vườn rau gia đình. Dự án cũng đã tổ chức tập huấn, hội thảo đầu bờ để nhân rộng mô hình sản xuất rau tiên tiến này trên toàn đảo. Bước đầu, các đơn vị bộ đội và các hộ dân tham gia dự án đã thu hoạch được khoảng 1.745 kg rau xanh các loại. Cử nhân Mai Thanh Nga phấn khởi cho biết thêm: Dự án được nhân dân, cán bộ, chiến sĩ ở đảo đồng tình ủng hộ, đội ngũ cộng tác viên nhiệt tình tham gia và cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo phối hợp chặt chẽ. Với đà này, hy vọng tương lai không xa, đảo Phú Quý sẽ hoàn toàn tự túc được nguồn rau xanh sản xuất tại chỗ.
Ý kiến ()