Vươn mình trong đổi mới
(LSO) – Trải qua 187 năm xây dựng và phát triển, Lạng Sơn với vị thế là vùng đất biên cương của Tổ quốc, đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã cùng đồng bào cả nước anh dũng, kiên cường chiến đấu bảo vệ nền độc lập của nước nhà, lập nên nhiều chiến công hiển hách. Ngày nay thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi sướng và lãnh đạo, Lạng Sơn đang vươn mình mạnh mẽ.
Một góc thành phố Lạng Sơn. Ảnh: BÙI THUẬN
Hơn một năm trở lại đây, ngày nào cũng vậy, ông Nguyễn Văn Bé (khối Trần Hưng Đạo, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn) và ông Nguyễn Văn Trân (khối 5, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn) gặp nhau tại gốc cây đa chùa Thành (đầu cầu Kỳ Cùng) để hàn huyên đôi ba câu chuyện và chứng kiến anh em công nhân thi công cầu Kỳ Cùng mới. Ông Bé quê ở tỉnh Hà Tĩnh, còn ông Trân quê ở huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn nhưng cùng công tác trong ngành lâm nghiệp Lạng Sơn, đã nghỉ hưu.
Qua trò chuyện, chúng tôi được biết, trải qua gần 40 năm công tác trong ngành lâm nghiệp, hai ông được chứng kiến nhiều bước thăng trầm của lịch sử. Khi nước nhà thống nhất, đô thị, phố phường được xây dựng lại, nông thôn cũng đang thay đổi từng ngày, đời sống người dân được nâng lên, nhiều công trình hiện đại được mọc lên, trong đó cầu Kỳ Cùng đang được xây dựng lại khang trang, đẹp đẽ hơn. Các ông rất tự hào về điều đó.
Công trình cầu Kỳ Cùng đang được đẩy nhanh tiến độ thi công
Cùng có cảm nhận với ông Bé, ông Trân, ông Hoàng Tanh, trú tại số 43, phố Phai Luông 2, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn thời kỳ những năm 1990, chỉ còn khoảng 2 tháng nữa, ông bước sang tuổi 80. Mặc dù vậy, hằng ngày, ông thường xuyên đọc báo, nghe đài để nắm thông tin tình hình phát triển của tỉnh, của đất nước. Trao đổi với phóng viên, ông phấn khởi: Trong những năm trở lại đây, Lạng Sơn có sự chuyển biến tích cực. Đảng bộ Lạng Sơn có sự đoàn kết, thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, đã tổ chức thực hiện được khá nhiều việc hiệu quả như: công tác xây dựng Đảng được củng cố vững chắc, phương pháp lãnh đạo có sự đổi mới, đã xác định được những vấn đề trọng tâm, trọng điểm để lãnh đạo, chỉ đạo, có kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, đặc biệt là có sự đồng sức, đồng lòng của nhân dân với Đảng, Nhà nước trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ.
Trong phát triển kinh tế, ông rất ấn tượng với những khâu đột phá mà tỉnh đã chọn như: phát triển kinh tế cửa khẩu, tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển hạ tầng giao thông, qua đó làm cho bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, đời sống người dân được cải thiện và nâng cao hơn trước rất nhiều. Tuy nhiên, ông cũng trăn trở: Tỉnh có nhiều thuận lợi nhưng thành tích đạt được còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, thành phố Lạng Sơn phấn đấu nhưng chưa đạt đô thị loại II, sản phẩm xuất khẩu của tỉnh ra bên ngoài còn ít… nên cần được quan tâm hơn.
Từ khi nước Văn Lang ra đời, Lạng Sơn được xác lập là đơn vị thuộc bộ Lục Hải, sau đó trải qua các thời kỳ lịch sử, các triều đại nhà Đinh, Lý, Trần… được nhiều lần đổi tên dựa trên cách phân chia đơn vị hành chính của từng thời kỳ lịch sử quy định. Năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), thừa tuyên Lạng Sơn được đổi thành tỉnh Lạng Sơn. Sự kiện này trở thành cứ liệu lịch sử quan trọng để ngày 15/7/2009, tại kỳ kọp thứ 14, HĐND tỉnh khoá XIV đã quyết nghị thông qua và lấy ngày 4/11/1831 là ngày thành lập tỉnh Lạng Sơn. |
Mặc dù còn những hạn chế, nhưng khẳng định rằng, sau hơn 30 năm đổi mới, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Lạng Sơn đã giành được những thành tựu nổi bật quan trọng. Nếu như thời kỳ từ 1986 – 2000, GRDP (tổng sản phẩm nội tỉnh) bình quân hằng năm tăng 7,53%, thì đến giai đoạn 2010 – 2015, GRDP tăng bình quân hằng năm 8% trở lên. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: ngành nông lâm nghiệp từ 63,17% năm 1986, giảm xuống còn 20,93% năm 2018; ngành công nghiệp – xây dựng từ 8,32%, nay tăng lên 18,45%; ngành thương mại – dịch vụ từ 28,51%, tăng lên 60,62%. Thu ngân sách cả tỉnh hằng năm tăng bình quân 16,6%. Tổng sản lượng lương thực từ 206 nghìn tấn năm 2000, tăng lên gần 320 nghìn tấn năm 2018. Tỉ lệ hộ nghèo năm 2018 còn 16,07%… Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có bước phát triển vượt bậc, quốc phòng, an ninh được tăng cường củng cố, đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc. Hệ thống chính trị được củng cố, tăng cường, đến nay, toàn Đảng bộ có 797 tổ chức cơ sở đảng với 62.000 đảng viên, tăng hơn gấp đôi so với năm 2000. Vai trò, hiệu lực lãnh đạo và uy tín của Đảng được nâng cao; niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với công cuộc đổi mới được củng cố vững chắc.
Nhân dịp kỷ niệm 187 năm ngày thành lập tỉnh là dịp để chúng ta tự hào về truyền thống yêu nước, đoàn kết, tinh thần cách mạng kiên cường trong đấu tranh giải phóng dân tộc của các thế hệ cha anh đi trước, từ đó đoàn kết một lòng, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ năm 2018 và các năm tiếp theo, góp phần đưa Lạng Sơn tiến bước trên con đường hội nhập và phát triển.
PHÙNG KHIÊM
Tự hào 187 năm thành lập tỉnh (LSO) – Những năm gần đây, cùng với sự phát triển chung của đất nước, Lạng Sơn đang có sự chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện, hướng tới kỷ niệm ngày thành lập tỉnh (4/11/1831 – 4/11/2018) và 109 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ (4/11/1909 – 4/11/2018), phóng viên Báo Lạng Sơn ghi lại cảm nhận của cán bộ, người dân về những đổi thay đó cũng như kỳ vọng về phát triển của Lạng Sơn. Ông Trần Thanh Hải, Bí thư Huyện ủy Văn Lãng:“Các chỉ tiêu về kinh tế – xã hội đều đạt và vượt”.Trong tiến trình xây dựng và phát triển của tỉnh, đặc biệt hơn 30 năm đất nước thực hiện công cuộc đổi mới, bộ mặt Lạng Sơn nói chung và huyện biên giới Văn Lãng nói riêng có bước phát triển toàn diện. Cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư ngày càng đồng bộ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên, nhất là khu vực vùng sâu, biên giới.Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc huyện Văn Lãng đã nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy truyền thống quê hương cách mạng, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, khai thác các nguồn lực, tiềm năng lợi thế kinh tế cửa khẩu để đầu tư phát triển và đã đạt được những thành tựu quan trọng. Chương trình xây dựng nông thôn mới được tập trung thực hiện có hiệu quả, dự kiến đến hết năm 2018, toàn huyện có 4/19 xã đạt chuẩn nông thôn mới, không còn xã dưới 5 tiêu chí. Công tác xây dựng Đảng có nhiều chuyển biến tích cực, hệ thống chính trị ngày càng được củng cố vững mạnh, phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của huyện. Những kết quả đó đã đóng góp vào thành tựu chung của tỉnh. Ông Nguyễn Xuân Khoát, cán bộ tiền khởi nghĩa, khối 1, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn:“Cải thiện môi trường đầu tư để Lạng Sơn phát triển”.Trong những năm qua, lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu đến các xã vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn, hệ thống hạ tầng kinh tế, hạ tầng kỹ thuật tại cửa khẩu được đầu tư xây dựng đồng bộ đã tạo cho Lạng Sơn thế và lực mới trên chặng đường phát triển.Tôi mong muốn trong thời gian tới, các thế hệ lãnh đạo của tỉnh tiếp tục xây dựng được kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội mang tầm chiến lược và bền vững. Trong đó đặc biệt chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh làm sao thật thông thoáng nhằm thu hút các nguồn lực trong, ngoài tỉnh và nước ngoài đầu tư lâu dài, gắn bó với tỉnh. Xây dựng được môi trường đầu tư tốt, cán bộ, lãnh đạo các cấp, ngành một lòng nhiệt huyết phục vụ người dân và doanh nghiệp… chính là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của tỉnh. Ông Lê Quang Bình, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh:“Tin tưởng Lạng Sơn sẽ có sự phát triển hơn nữa”.Là cán bộ về hưu hơn 4 năm nay nhưng tôi thường xuyên theo dõi tình hình phát triển của tỉnh. Tôi thấy rất tự hào về sự phát triển của Lạng Sơn trong những năm gần đây, trong đó có một số thành tựu nổi bật: kinh tế cửa khẩu tiếp tục phát triển mạnh, thu ngân sách tăng, thu nhập bình quân đầu người tăng so với các năm trước, tỉnh đầu tư hoàn thành cầu 17/10, hiện đang đẩy nhanh tiến độ thi công đường cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, dự án cầu Kỳ Cùng; đã cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút nhiều nhà đầu tư đến với Lạng Sơn; tỉnh cũng chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng các vùng kinh tế động lực sản xuất cây ăn quả, cây đặc sản gắn với xây dựng nông thôn mới… Trên con đường đổi mới, tôi tin tưởng rằng những năm tới, chắc chắn Lạng Sơn sẽ còn phát triển hơn nữa. CÔNG QUÂN |
PHƯƠNG DUNG
Ý kiến ()