Thứ 5, 26/12/2024 16:28 [(GMT +7)]
Vươn lên trên vùng đất khó
Thứ 3, 29/01/2013 | 09:49:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Chỉ sau một trận mưa nhỏ, con đường dẫn vào xã Đại An (Văn Quan) cũng trở nên vô cùng khó khăn. Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế nơi đây. Khó là vậy, thế nhưng trên chính vùng đất này, anh Hứa Hồng Hải, thôn Pác Lùng nổi lên như một tấm gương làm kinh tế giỏi.
Anh Hải chăm sóc đàn lợn thịt của gia đình
Được sự giới thiệu của lãnh đạo xã Đại An, chúng tôi tìm đến nhà anh Hải trong một buổi chiều cuối đông. Do mấy ngày trước có trận mưa nên con đường từ trung tâm ủy ban xã xuống nhà anh Hải đã khiến tôi 2 lần bị ngã xe ướt bẩn hết quần áo. Nhờ có hẹn từ trước nên chúng tôi gặp được anh Hải ngay tại nhà. Sau khi sưởi ấm bụng bằng mấy chén rượu ngô của gia đình, chúng tôi bắt đầu câu chuyện làm kinh tế của gia đình, anh Hải chia sẻ: sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh trở về địa phương lập gia đình và bắt tay vào làm kinh tế. Lúc đó, cả gia đình anh có 6 sào đất trồng lúa, 5 sào đất trồng ngô, đó là tất cả tài sản và là “cơ nghiệp” của gia đình anh. Thế là cả gia đình tập trung vào trồng trọt. Tuy nhiên, năng suất, chất lượng nông sản lúc đó hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết nên vụ được mùa thì đủ ăn, vụ thiếu phải đi vay, đi mượn thêm khiến đời sống gia đình gặp không ít khó khăn. Không thể để cái đói, cái nghèo cứ rình rập như vậy được, sau khi tìm hiểu một số mô hình phát triển kinh tế, anh đã huy động mọi nguồn vốn của gia đình để đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi lợn, nuôi gà. Ban đầu, do ít vốn và thiếu kinh nghiệm nên anh chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ với 1 con lợn nái và đàn gà vài chục con, mặt khác đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất lúa, ngô bằng cách đưa các giống mới, ứng dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Sản lượng lương thực từng bước ổn định, chăn nuôi cũng từ đó được mở rộng. Từ một con lợn nái, trong chuồng nhà anh dần dần xuất hiện những đàn lợn thịt đầu tiên rồi những đàn tiếp theo cứ gối nhau ra đời, quanh năm nhà anh có lợn thịt để bán. Anh Hải cho biết cái hay của mô hình này ở chỗ đầu tư vốn ban đầu ít, thức ăn cho lợn lại có sẵn nên dễ thực hiện. Không dừng lại ở đó, năm 2001, được sự hỗ trợ của Nhà nước, gia đình anh được vay tiền mua bò để phát triển kinh tế. Có vẻ như anh Hải khá “mát tay” trong chăn nuôi nên 4 con bò của anh lớn nhanh hơn hẳn bò của những hộ khác. Thế rồi những con bò tiếp theo được sinh ra, đàn lợn cũng không ngừng tăng lên. Gây giống đến đâu anh lại bán bò, lợn thịt đến đấy. Đến nay, gia đình anh đã có 12 con bò, 1 lợn nái và các lứa lợn thịt gối nhau xuất chuồng. Mỗi năm, gia đình anh thu về từ trồng trọt và chăn nuôi từ 50-60 triệu đồng, nhờ đó kinh tế gia đình luôn ổn định.
Vươn lên phát triển kinh tế trên vùng đất khó, sẽ là rất khó nhưng không phải không làm được. Ông Phùng Văn Đông, Phó Chủ tịch UBND xã Đại An cho biết: anh Hải là một trong những tấm gương tiêu biểu của xã vì sự cố gắng, nỗ lực cũng như ý chí vươn lên phát triển kinh tế. Mô hình kinh tế của anh có thể áp dụng rộng rãi trong địa bàn xã bởi rất gần gũi và thực tế với địa phương. Gia đình cũng như anh Hải đã được các cấp ủy đảng, chính quyền tặng nhiều giấy khen vì những thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế địa phương.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()