Xuất phát là một trường nghề nhỏ trong doanh nghệp của Công ty cổ phần Dệt – May Sài Gòn, đến nay, theo Quyết định số 621/QĐ-TTg ngày 26-4-2011 của Thủ tướng Chính phủ, trường đã trở thành Đại học Nguyễn Tất Thành, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc và sự vươn lên không ngừng của đội ngũ cán bộ, giảng viên và 26.000 sinh viên ngôi trường mang tên Bác Hồ kính yêu.
Công ty Dệt-May – Sài Gòn ra đời năm 1993 và cổ phần hóa năm 2001. Khi đó, trước nhiều khó khăn trong sản xuất và đời sống, Hội đồng quản trị công ty trăn trở tìm hướng đi mới nhằm bảo đảm việc làm và cải thiện đời sống cho người lao động. Trong khi nhiều đơn vị có xu hướng đầu tư vào lĩnh vực địa ốc có thể thu siêu lợi nhuận, thì Công ty CP Dệt – May Sài Gòn quyết định lập trường nghề, trước mắt để đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề cho lao động ngành dệt may lúc ấy đang trở nên cấp thiết, đồng thời tham gia đào tạo nghề để cung ứng lao động cho các doanh nghiệp trong và ngoài ngành.
Ngày 23-12-2002, UBND TP Hồ Chí Minh ra quyết định cho phép thành lập Trường Kinh tế-Kỹ thuật-Nghiệp vụ bán công Nguyễn Tất Thành trực thuộc công ty. Ba năm sau, năm 2005, trường được nâng cấp thành Trường cao đẳng Nguyễn Tất Thành với quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Và mới đây, ngày 26-4, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Trường đại học Nguyễn Tất Thành trên cơ sở nâng cấp trường cao đẳng hiện nay.
Nhìn lại quá trình hình thành và phát triển của trường, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng, là người lăn lộn với ngôi trường từ buổi ban đầu, tâm huyết nói về 'sứ mệnh' của nhà trường là trở thành một cơ sở đào tạo đại học đa ngành, đa lĩnh vực, có đẳng cấp, không lâu nữa sẽ nằm trong tốp những trường đại học hàng đầu của Việt Nam và hy vọng sẽ có tên trên bản đồ đại học thế giới, góp phần tích cực đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và hội nhập kinh tế thế giới.
Cam kết về chất lượng đào tạo
Thực hiện chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn hóa chất lượng dạy và học thông qua việc đánh giá kết quả học tập của từng sinh viên, ngay từ năm 2008, Trường Nguyễn Tất Thành đã công bố chuẩn đầu ra các ngành học cao đẳng, bao gồm kiến thức, kỹ năng, thái độ, sức khỏe, khả năng làm việc sau tốt nghiệp. Chuẩn đầu ra chính là cam kết của nhà trường với xã hội về chất lượng đào tạo và khả năng của sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường, dần làm nên một thương hiệu mạnh trong đào tạo.
Để thực hiện cam kết về chuẩn đầu ra của sinh viên, nhà trường sớm thiết lập hệ thống quản lý chất lượng, thực hiện mô hình quản lý chế độ học theo tín chỉ, không ngừng nâng cao chất lượng chương trình đào tạo hiện có và phát triển chương trình đào tạo mới; đổi mới phương pháp giảng dạy, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, giữ vững và nâng cao trình độ của đội ngũ giảng viên, chủ động sáng tạo trong hợp tác quốc tế nhằm tiếp thu có chọn lọc những ưu điểm của đối tác đến từ các nước có nền giáo dục tiên tiến.
Bằng cách nối dài phòng thí nghiệm đến các doanh nghiệp, sinh viên của trường tiếp cận được kỹ thuật công nghệ hiện đại, quy trình sản xuất tiên tiến và làm quen với tác phong công nghiệp, kỹ năng chuyên nghiệp. Một thế mạnh của trường là xây dựng và trang bị cơ sở vật chất, điều kiện giảng dạy và học tập, thực hành hiện đại. Hiện nay, trường đã có năm cơ sở tại TP Hồ Chí Minh, và đang tiếp tục đầu tư cơ sở mới hiện đại hơn, phấn đấu đến năm 2015, cơ sở vật chất của nhà trường có thể so sánh được với các trường, viện hàng đầu khu vực Đông – Nam Á.
Nhằm nâng chất lượng đào tạo và góp phần nâng cao vị thế của nhà trường, nhiệm vụ quan trọng được đặt ra là tổ chức nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này. Hàng chục đề tài nghiên cứu cấp bộ, cấp thành phố, cấp trường được thực hiện, phục vụ thiết thực công tác giảng dạy và ứng dụng vào thực tiễn. Theo tiến sĩ Vũ Ngọc Hải, để thúc đẩy hơn nữa việc nghiên cứu chuyên sâu và triển khai ứng dụng công nghệ, trường đã thành lập Viện Kỹ thuật công nghệ cao NTT. Với sự kết hợp giữa doanh nghiệp, nhà trường và nhà khoa học, thu hút 'chất xám' ở trong nước và nước ngoài, Viện sẽ là điểm giao thoa, hội tụ đủ các yếu tố để trở thành nơi nghiên cứu ứng dụng thành tựu khoa học – công nghệ, phục vụ sự phát triển của các ngành công nghiệp trong nước. Viện Kỹ thuật công nghệ cao NTT đang triển khai hơn 10 dự án nghiên cứu, phát triển; và đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Trường đại học Chung Yuan Christian University (Đài Loan) triển khai Vườn ươm công nghệ, đặc biệt là công nghệ xanh.
Trường đại học Nguyễn Tất Thành hiện có 14 khoa chuyên ngành, 37 ngành đào tạo, hơn 2.000 giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng (tỷ lệ tiến sĩ 12%, thạc sĩ 35%, có hai giáo sư, 20 phó giáo sư).
Nếu như năm tuyển sinh đầu tiên của Trường cao đẳng Nguyễn Tất Thành (năm 2005) mới tuyển được 500 sinh viên bậc cao đẳng và 350 bậc trung cấp chuyên nghiệp, thì đến năm học 2009 – 2010, nhà trường đã nhận được tới 17.000 hồ sơ vào cao đẳng và 12.000 hồ sơ bậc trung cấp chuyên nghiệp. Và hiện nay, nhà trường đang đào tạo gần 26.000 sinh viên. Trường còn ký kết với hơn 100 doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, các trường đại học trong và ngoài nước về đào tạo theo nhu cầu xã hội. Qua khảo sát tình hình việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp và ý kiến đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp tiếp nhận sinh viên, cho thấy 92% có việc làm đúng chuyên ngành đào tạo; 79% có khả năng sớm đảm nhận công việc tại doanh nghiệp. Kết quả đó là sự khích lệ lớn đối với nhà trường. Điều đáng chú ý là, 45% số sinh viên tốt nghiệp được hỏi muốn tiếp tục học lên bậc đại học. Việc Chính phủ cho phép nâng cấp trường thành Đại học Nguyễn Tất Thành sẽ tạo cơ hội cho các em tiếp tục con đường chinh phục tầm cao tri thức.
Xây dựng đại học chất lượng cao
Ngay từ tháng 8-2009, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về chủ trương thành lập Đại học Nguyễn Tất Thành, và sau gần ba năm, chủ trương này nay đã trở thành hiện thực. Đây là sự kiện quan trọng và là niềm vinh dự đối với cán bộ, giảng viên và sinh viên nhà trường, nhưng cũng đặt ra nhiệm vụ nặng nề nhằm đạt được mục tiêu trở thành một trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao theo định hướng đại học nghiên cứu.
Tiến sĩ Nguyễn Vĩnh Khanh, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Nguyễn Tất Thành cho biết: Đối với đào tạo đại học, trường chủ trương không tuyển nhiều sinh viên mà đặt trọng tâm vào việc bảo đảm các điều kiện cho đào tạo chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh với các chương trình uy tín hiện có trong nước và nước ngoài. Nhờ thế, tin rằng dù chất lượng đầu vào của sinh viên có thể không cao, nhưng nhà trường sẽ đem lại quá trình đào tạo hiệu quả, 'có thể tạo ra sản phẩm tốt từ nguyên liệu chưa tốt'.
Song đối với Đại học Nguyễn Tất Thành, đào tạo bậc đại học không chỉ nhằm mục đích tạo nên những cử nhân, kỹ sư có chất lượng tốt, bổ sung nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế-xã hội đất nước, mà còn có nhiệm vụ sáng tạo kiến thức mới, công trình khoa học – kỹ thuật mới ứng dụng vào thực tiễn, đóng góp vào quá trình CNH, HĐH và hội nhập kinh tế thế giới của đất nước. 'Chúng tôi sẵn sàng đối mặt với khó khăn, với những rủi ro để thực hiện được nhiệm vụ này một cách nghiêm túc và đúng đắn nhất' – TS Nguyễn Vĩnh Khanh khẳng định.
Hiện nay, Trường đại học Nguyễn Tất Thành đã xây dựng mối quan hệ hợp tác và liên kết trong đào tạo, nghiên cứu khoa học với nhiều trường uy tín trong và ngoài nước để tiến thêm một bước trên hành trình tiếp cận trình độ đào tạo quốc tế, như Đại học Bách khoa Hà Nội, Northcentral University (Hoa Kỳ), Đại học Adelaide (Ô-xtrây-li-a), Đại học Woosong (Hàn Quốc), Đại học Chung Yang (Đài Loan), Tập đoàn SHINSHUU KYOUDOU (Nhật Bản), FTMS Global (Xin-ga-po)…
Trên cơ sở những nỗ lực và thành quả đáng tự hào của thầy trò nhà trường năm năm qua và với kinh nghiệm tích hợp được qua những thăng trầm của quá trình xây dựng, phát triển của trường, Trường đại học Nguyễn Tất Thành tự tin đặt ra mục tiêu năm năm nữa, trường sẽ đứng trong top 20 trường đại học hàng đầu Việt Nam. Điều này thể hiện không phải qua số lượng sinh viên mà qua những thông số có sức thuyết phục cao hơn, như tỷ lệ số tiến sĩ, PGS, GS/số lượng sinh viên; số giảng viên được mời giảng tại các trường uy tín trong và ngoài nước; số bài báo-công trình khoa học công bố; số đề tài, dự án nghiên cứu được phê duyệt, giao thực hiện; số chương trình đào tạo được công nhận ở trong và ngoài nước; số sinh viên được giải thưởng trong các cuộc thi và tỷ lệ sinh viên tìm được việc làm sau khi ra trường cùng mức độ hài lòng của những đơn vị sử dụng lao động đó…
Trường đại học Nguyễn Tất Thành – Quá trình xây dựng và trưởng thành
– 23-12-2002: Thành lập Trường Kinh tế-Kỹ thuật-Nghiệp vụ bán công Nguyễn Tất Thành (Công ty CP Dệt – May Sài Gòn).
– 5-8-2005: Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định thành lập Trường cao đẳng tư thục Kinh tế-Kỹ thuật-Nghiệp vụ Nguyễn Tất Thành.
– 1-9-2006: Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định đổi tên thành Trường cao đẳng Nguyễn Tất Thành.
– Ngày 26-4-2011, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 621/QĐ-TTg thành lập Trường đại học Nguyễn Tất Thành.
– Trường đại học Nguyễn Tất Thành là thành viên nhiều Hiệp hội ngành nghề.
– Ký kết hợp tác với hơn 100 DN, tổ chức quốc tế, trường đại học, cao đẳng trong và ngoài nước.
– Trường vinh dự được tặng Huân chương Lao động hạng nhì.
– Hiệu trưởng, TS Nguyễn Mạnh Hùng được tặng Huân chương Lao động hạng nhì, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Ý kiến ()