Vững vàng trên những chuyến bay
Niềm vui của các phi công Trung đoàn 916 sau một chuyến bay an toàn, thắng lợi. Từ phố thị Sơn Tây, vượt qua vài cây số đường đất đỏ vòng vèo, lọt thỏm giữa những đồi keo và bạch đàn, tôi vào doanh trại Trung đoàn Không quân 916 thuộc Sư đoàn Phòng không 371 (Quân chủng Phòng không - Không quân). Đã gần trưa, nắng vàng nhạt bóc dần từng lớp sương trắng bồng bềnh trên vùng trời Ba Vì, xua tan cái giá rét bủa vây tứ phía. Không gian lặng thinh, bỗng chốc mấy chiếc máy bay lên thẳng ầm ào trên đỉnh đầu, tôi vội theo anh cán bộ tham mưu đơn vị ra sân bay quân sự Hòa Lạc.Đối với các đơn vị quân đội, theo thường lệ thì đúng 11 giờ 30 phút hằng ngày là chế độ ăn uống, nghỉ trưa. Khi tôi leo lên đài quan sát tại Sân bay Hòa Lạc, dù đã gần 12 giờ, nhưng vẫn thấy không khí làm việc hết sức khẩn trương, nghiêm túc của tổ điều hành bay, người nào việc ấy tập trung cao độ vào công việc chuyên môn của mình. Cùng...
Niềm vui của các phi công Trung đoàn 916 sau một chuyến bay an toàn, thắng lợi. |
Đối với các đơn vị quân đội, theo thường lệ thì đúng 11 giờ 30 phút hằng ngày là chế độ ăn uống, nghỉ trưa. Khi tôi leo lên đài quan sát tại Sân bay Hòa Lạc, dù đã gần 12 giờ, nhưng vẫn thấy không khí làm việc hết sức khẩn trương, nghiêm túc của tổ điều hành bay, người nào việc ấy tập trung cao độ vào công việc chuyên môn của mình. Cùng với các cán bộ, nhân viên điều hành bay, Trung đoàn trưởng Đại tá phi công Nguyễn Ngọc Vy và Chính ủy Trung đoàn 916 Đại tá phi công Đàm Văn Toản, lên đài quan sát, trực tiếp chỉ huy bay chăm chú theo dõi đội hình bay của đơn vị đang luyện tập trên vùng trời Ba Vì. Nghe tiếng động cơ máy bay lên thẳng nổ phành phạch, ầm ào trên bầu trời, lại vào lúc đang có cảm giác đói, tôi tỏ ý băn khoăn với anh Vy: “Đã đến giờ nghỉ trưa rồi, sao đồng chí Trung đoàn trưởng không cho anh em phi công nghỉ ngơi dưỡng sức để buổi chiều luyện tập tiếp”? Bỏ chiếc bộ đàm ra, anh Vy trả lời:
– Sau mấy hôm thời tiết mưa phùn, sương sa dày đặc, đơn vị không tổ chức luyện tập theo đúng kế hoạch được. Vì vậy, hôm nay, tận dụng thời tiết càng về trưa càng thuận lợi, trời quang, sương mù cơ bản tan hết nên chúng tôi phải tranh thủ luyện tập bay để bảo đảm tiến độ, yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện trong năm đã đề ra.
Đại tá Nguyễn Ngọc Vy cho biết, huấn luyện bay là một loại huấn luyện đặc biệt với tính chất, cường độ lao động rất cao và phải có sự hiệp đồng chặt chẽ giữa các bộ phận trên không và dưới mặt đất. Chỉ một sơ suất nào đó hay thao tác thiếu chính xác, thuần thục ở một công đoạn cũng có thể khiến cho cả kíp huấn luyện không hoàn thành nhiệm vụ. Ngoài huấn luyện bay ban ngày, thời gian gần đây, đơn vị còn tổ chức huấn luyện bay đêm, bay hiệp đồng diễn tập quân binh chủng trên biển, tìm kiếm cứu nạn hàng không… nhằm đáp ứng nhiệm vụ của quân đội trong tình hình mới. Do đó, việc huấn luyện bay phải bảo đảm đúng tiến độ, kế hoạch thời gian để đội ngũ phi công của đơn vị thành thạo chuyên môn nghiệp vụ, thực hiện tốt nhiệm vụ bay trong mọi tình huống.
Trong quân đội ta, việc đào tạo để trở thành một phi công đã là một kỳ công. Nhưng để người phi công đó làm chủ hoàn toàn được tay lái trên bầu trời cũng có thể coi là một kỳ tích. Và để làm nên kỳ tích đó, mỗi phi công phải kiên trì, bền bỉ, khổ công rèn luyện gấp nhiều lần người lính bình thường. Lính phi công rèn luyện không chỉ bó hẹp ở phạm vi sức khỏe, tác phong, tâm lý, bản lĩnh, mà còn thường xuyên tu dưỡng bản thân tránh xa những thói quen xấu trong sinh hoạt, cuộc sống hằng ngày. Đó là phải thực hiện đồng bộ “một đủ, một đúng, một không, một nghiêm”. Tức là: Ăn uống phải đủ thành phần dinh dưỡng; sinh hoạt riêng tư đúng điều độ; không được uống rượu, bia quá liều lượng cho phép; luôn có ý thức kỷ luật nghiêm minh, nhất nhất phục tùng chính xác mệnh lệnh của cấp trên, khi có nhiệm vụ khẩn cấp phải sẵn sàng lên đường thực hiện nhiệm vụ bay được ngay.
– Việc rèn luyện các phi công như thế liệu có tạo áp lực quá nặng nề đối với anh em không?- Tôi hỏi.
Đại tá phi công Đàm Văn Toản cười nhẹ: “Nói không áp lực thì cũng không đúng. Nhưng bảo nặng nề quá thì cũng không đến nỗi thế đâu. Bởi vì, đã là lính phi công, chúng tôi đều thống nhất với nhau: Rèn luyện cho bản thân mình là rèn luyện cho cả đồng đội, cho sự vững mạnh của tập thể và cho cả sự an toàn của những chuyến bay. Tiết chế, nghiêm khắc đối với bản thân trước những ham hố đời thường có nghĩa là mỗi người lính phi công đang cố gắng để luôn luôn có sức khỏe tốt, đầu óc tỉnh táo, ý chí sáng suốt và bản lĩnh, tâm thế vững vàng để làm chủ cánh bay trong mọi tình huống.
Đại tá Nguyễn Ngọc Vy chia sẻ thêm với tôi: “Trong thời chiến, phi công rất dễ trở thành “anh hùng”, bởi những chiến công phi thường của họ được rất nhiều người ngợi ca, tôn vinh. Còn trong thời bình, nhiệm vụ của những chiến sĩ lái máy bay lên thẳng lặng lẽ, âm thầm và chiến công của họ không phải ai cũng biết. Chiến công đó có thể chỉ là sự chiến thắng chính mình trong những tình huống bay đặc biệt, trong những hoàn cảnh đặc biệt”.
Tôi nghĩ lời anh Vy nói không văn vẻ, khách sáo, mà là sự thật. Bởi qua tìm hiểu, tôi được biết, trong thời bình, đơn vị phải đảm đương không ít nhiệm vụ đặc thù. Công tác huấn luyện bay thường xuyên theo kế hoạch dù rất vất vả, nhưng chưa thấm vào đâu so với những lần bay trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, bay thông báo bão, bay thả hàng cứu trợ, bay dập lửa chữa cháy rừng… “Nhất thủy, nhì hỏa”. Mức độ khẩn trương, cấp thiết của nhiệm vụ này luôn đòi hỏi từ chỉ huy đơn vị đến các phi công và các bộ phận bảo đảm kỹ thuật dưới mặt đất phải gác lại những hạnh phúc riêng tư để tập trung cao độ ý chí, sức lực, tinh thần, trách nhiệm mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Cách đây hơn hai năm, vào thời điểm năm hết, Tết đến, trong khi mọi người, mọi nhà đang háo hức chuẩn bị đón mừng năm mới Canh Dần 2010 thì đơn vị nhận được lệnh điều động khẩn cấp một tổ bay lên đường làm nhiệm vụ đưa Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đi thị sát tình hình và trực tiếp chỉ đạo quân dân chống “giặc lửa” đang hoành hành dữ dội ở rừng quốc gia Hoàng Liên Sơn – “lá phổi xanh” của cả vùng Tây Bắc. Dù đã có phương án trực chiến trước và trong dịp Tết, nhưng đơn vị không khỏi đột ngột khi nhận được lệnh “hỏa tốc” này. Lý do là vì một vài phi công dày dạn tuổi bay đã nằm trong danh sách những người được phép nghỉ Tết tại gia đình. “Chậm trễ lúc này là có lỗi với dân”. Từ mệnh lệnh trái tim ấy, chỉ huy đơn vị đã yêu cầu những phi công có phép nghỉ Tết trở lại đơn vị thực hiện nhiệm vụ đột xuất cấp trên giao. Gác lại việc riêng, các phi công trong tổ bay kịp thời có mặt, lên buồng lái tự tin, dũng cảm vượt qua địa hình núi non hiểm trở, khí hậu mù sương của vùng Tây Bắc để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Cũng vào đầu tháng 10 năm ấy, cơn lũ lụt lịch sử làm cô lập, chia cắt nhiều địa bàn của hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, đẩy người dân nơi này vào cơn nguy khốn. Nhận chỉ thị cấp trên, kíp bay của Trung đoàn 916 nhanh chóng lên đường làm nhiệm vụ. Xuyên qua thời tiết mưa to, gió lớn, các phi công đơn vị tiếp tục vững vàng tay lái trên không để kịp thời mang hàng hóa, thuốc men, lương thực cứu trợ đồng bào bị hoạn nạn. Đã không ít lần bay trong những chuyến bay cứu trợ đến các nơi bị thiên tai, nhưng mỗi khi đến được với đồng bào, Thượng tá Hoàng Lại Long, Phi đội trưởng Phi đội 1 luôn có cảm giác buồn vui lẫn lộn. Anh Long tâm sự: “Khi hoàn thành chuyến bay cứu trợ, chúng tôi mới yên tâm vì đã có mặt đúng lúc bà con cần mình. Nhưng mỗi khi nhìn thấy cảnh xóm làng xơ xác, người già, trẻ nhỏ bần thần, phờ phạc và bao tài sản, hoa màu của người dân lao động bỗng chốc trôi theo dòng nước lũ ra sông, ra biển, chúng tôi cảm thấy nhói lòng. Vì vậy, việc chuyển hàng cứu trợ qua những chuyến bay đối với chúng tôi không chỉ là nghĩa vụ, trách nhiệm của người lính đối với nhân dân, mà còn là bổn phận, tình cảm cốt nhục của những con dân đất Việt”.
Khi thực hiện nhiệm vụ bay trong những tình thế khẩn cấp và hoàn cảnh đặc biệt, người lính phi công không có một thử thách nào đáng sợ hơn là thời tiết đỏng đảnh, thất thường. Trong câu chuyện với Thượng tá Hoàng Lại Long, tôi đã thấu hiểu hơn điều đó. Suốt 30 năm công tác với hàng nghìn giờ bay trên nhiều địa hình, anh đã có “hàng tá kinh nghiệm” khi phải điều khiển máy bay qua những kiểu thời tiết như sương mù, mưa to, gió lớn.
– Để đường bay không bị chệch hướng, chúng tôi không chỉ điều khiển bằng tay, mà bằng cả đầu óc và mọi giác quan. Nói cách khác, đó chính là ý chí, bản lĩnh, tâm lý, kinh nghiệm, trình độ, khả năng quyết đoán… cùng lúc hội tụ trong mỗi phi công. Nhưng có một điều cũng không kém phần quan trọng đó là sự tự tin tuyệt đối – Anh Long tâm sự.
Thượng úy Dương Tất Hải, phi công trẻ ở Phi đội 1, người đã thực hành hơn một trăm giờ huấn luyện bay, tiếp lời anh Long với một giọng phấn chấn: “Niềm tin còn giúp chúng tôi luôn luôn bình tĩnh, sáng suốt để làm chủ được tay lái trong mọi điều kiện, hoàn cảnh bay”.
Đối với người lính phi công, những thời điểm thử thách trong công việc càng lớn thì niềm tin vào sự thành công như được nhân lên gấp bội. Bởi khi máy bay cất cánh, trước mặt họ là khoảng không bao la, phía dưới là mặt đất hun hút, nhưng bên cạnh họ có khi là các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Quân đội; có lúc là bao ánh mắt trông mong mỏi mòn, là sự sống của những người dân vùng thiên tai, lũ lụt đã bao ngày bị đói khát, cô lập đang mỏi mắt chờ hàng cứu trợ… Vậy nên, ngọn lửa niềm tin tình yêu cuộc sống, tình yêu Tổ quốc, tình yêu nhân dân nhen lên đã giúp họ thực hiện chuyến bay về đích an toàn, thắng lợi. Tôi biết các phi công cùng đồng đội đã phải đổ bao mồ hôi công sức, để những cánh bay của Bộ đội Không quân Việt Nam thêm vững vàng trên bầu trời Tổ quốc.
Theo Nhandan
Ý kiến ()