Vững vàng nơi đảo chìm
LSO-Trong hành trình về với Trường Sa tháng 5/2018, Đoàn công tác số 12 đã ghé thăm 5 đảo chìm, đó là các đảo: Đá Nam; Len Đao; Tốc Tan; Núi Le và Đá Tây B. Gọi là đảo chìm vì các đảo được tạo nên bởi những rặng san hô, bãi đá ngầm trải dài hàng chục ki lô mét, nằm dưới mặt nước biển chỉ vài mét. Ví như đảo Len Đao là một rặng san hô có dạng hình tròn, khi thủy triều xuống bãi san hô nhô lên khoảng 0,5 m, khi thủy triều lên bãi ngập khoảng 1,8 m.
Các đại biểu tham quan đảo Tốc Tan
Đóng quân ở đảo nổi đã vất vả, song ở đảo chìm, cuộc sống của các chiến sỹ còn gian nan hơn. Thực tế, khi đến các đảo chìm, những gì nhìn thấy là tòa nhà nằm ngay trên mặt biển, xung quanh chỉ là những con sóng biển. Ở đây, những ngôi nhà này được gọi là “nhà lâu bền”, không gian sinh hoạt, rèn luyện, sẵn sàng chiến đấu chỉ vỏn vẹn trong vài trăm mét vuông. Chiến sỹ Nguyễn Ngọc Duy ở đảo Núi Le chia sẻ: Em nhập ngũ năm 2017, ra đảo được hơn một năm nay, mới đầu cũng nhớ đất liền lắm, xung quanh là nước không biết đi đâu; nhưng giờ thì quen rồi. Ở đây, từ cán bộ đến chiến sỹ, mỗi người một quê, nhưng ai cũng quan tâm, yêu quý nhau như anh em ruột thịt.
Hiện nay, các đảo chìm đều được xây dựng nhà ở kiên cố, có hệ thống năng lượng gió, năng lượng mặt trời góp phần nâng cao đời sống sinh hoạt, huấn luyện của cán bộ, chiến sỹ. Đại úy Phạm Văn Lưu, Chính trị viên đảo Len Đao thông tin với chúng tôi về hoạt động của đơn vị: Cùng nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, cán bộ, chiến sỹ phối hợp với các điểm đảo và Trạm hải đăng bảo đảm an toàn cho toàn tuyến hàng hải; sẵn sàng tổ chức cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ hậu cần cho tàu cá của ngư dân khi ra đánh bắt hải sản…
Nếu như bão tố, phong ba là những khó khăn mà cán bộ chiến sỹ trên đảo phải đối mặt thì biển khơi cũng dành một phần ưu ái đối với các đảo chìm, những vùng lòng hồ là điều kiện thuận lợi cho phát triển dịch vụ nghề cá và nguồn lợi hải sản tương đối lớn, giúp cải thiện đời sống cán bộ, chiến sỹ trên đảo. Việc tăng gia sản xuất, chăn nuôi luôn được đẩy mạnh, nguồn nước ngọt được lọc từ nước biển là một bước quan trọng nâng cao đời sống của cán bộ, chiến sỹ trên đảo. Lên đảo Tốc Tan, chúng tôi bất ngờ và khâm phục cán bộ, chiến sĩ nơi đây, điều kiện sinh hoạt còn nhiều khó khăn, vậy mà khu chăn nuôi của đảo có đủ gà, vịt, lợn, chó; có vườn rau, ao cá. Được biết, công tác chăn nuôi, trồng trọt trên đảo đều có trong kế hoạch, nhiệm vụ hằng tháng, quý. Từng điểm, từng bộ phận được giao tăng gia bao nhiêu, chỉ tiêu thế nào và đưa vào quá trình đánh giá kết quả hoạt động chung.
Ông Trần Văn Vẩn, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Lạng Sơn cho biết: Đến những đảo chìm, chúng tôi thật cảm phục tinh thần của những người lính đảo anh dũng kiên cường đang tiếp tục truyền thống của lớp người đi trước. Họ luôn yêu đời, tự tin, phát huy tinh thần đoàn kết, đồng cam cộng khổ trong mọi hoàn cảnh để làm tròn nhiệm vụ của người lính biển.
Ở nơi đầu sóng ngọn gió đầy hiểm nguy, điều kiện cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng bộ đội nơi đảo xa luôn “sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng chấp nhận hy sinh bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”; bởi các đồng chí luôn khắc ghi rằng: “còn người, còn đảo, còn chủ quyền quốc gia”.
Ý kiến ()