Sinh viên Trường đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh viếng Đền Bến Dược, một hoạt động giáo dục truyền thống do Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên nhà trường tổ chức. Đầu tháng 8, chúng tôi về Củ Chi (TP Hồ Chí Minh), vùng đất bom cày đạn xới năm xưa, nơi mỗi tấc đất đều có mảnh bom, đạn pháo nay đang tràn trề sức sống với mầu xanh mát dịu dưới nắng thu. Sau chiến tranh, người dân Củ Chi về lại với ruộng rẫy, bắt tay vào làm ăn xây dựng cuộc sống mới, khắc phục khó khăn, tiếp tục với cuộc chiến mới: chống giặc nghèo.Với đức tính cần cù và sáng tạo, người dân Củ Chi, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền địa phương, đã xây dựng quê hương mình giàu đẹp, trở thành một trong những địa phương có kinh nghiệm xóa đói giảm nghèo. Từ một huyện nghèo thuần nông, hết giai đoạn 2005-2010, cơ cấu kinh tế của huyện đã chuyển dịch mạnh mẽ với khu vực công nghiệp chiếm hơn 70,2%. Trong lĩnh vực nông nghiệp, dù chỉ chiếm hơn 10,8% nhưng cơ cấu kinh...
Sinh viên Trường đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh viếng Đền Bến Dược, một hoạt động giáo dục truyền thống do Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên nhà trường tổ chức. |
Đầu tháng 8, chúng tôi về Củ Chi (TP Hồ Chí Minh), vùng đất bom cày đạn xới năm xưa, nơi mỗi tấc đất đều có mảnh bom, đạn pháo nay đang tràn trề sức sống với mầu xanh mát dịu dưới nắng thu. Sau chiến tranh, người dân Củ Chi về lại với ruộng rẫy, bắt tay vào làm ăn xây dựng cuộc sống mới, khắc phục khó khăn, tiếp tục với cuộc chiến mới: chống giặc nghèo.
Với đức tính cần cù và sáng tạo, người dân Củ Chi, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền địa phương, đã xây dựng quê hương mình giàu đẹp, trở thành một trong những địa phương có kinh nghiệm xóa đói giảm nghèo. Từ một huyện nghèo thuần nông, hết giai đoạn 2005-2010, cơ cấu kinh tế của huyện đã chuyển dịch mạnh mẽ với khu vực công nghiệp chiếm hơn 70,2%. Trong lĩnh vực nông nghiệp, dù chỉ chiếm hơn 10,8% nhưng cơ cấu kinh tế nông nghiệp đã chuyển dần sang những cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao như rau an toàn, hoa, cây cảnh, cây ăn quả, chăn nuôi bò. Củ Chi hiện là vùng trọng điểm có số lượng đàn bò sữa cao nhất TP Hồ Chí Minh. Tổng đàn bò đến nay có hơn 61 nghìn con, trong đó có hơn 44 nghìn con bò sữa; chăn nuôi lợn phát triển nhanh với tổng đàn hơn 172 nghìn con. Trong lĩnh vực nông nghiệp của huyện, đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển như 49 tổ hợp tác kinh tế hỗ trợ nhau trong việc vay vốn làm ăn, chuyển giao khoa học – kỹ thuật. Mô hình kinh tế trang trại tiếp tục phát huy hiệu quả với hơn 231 trang trại, giải quyết việc làm cho hơn 600 lao động. Toàn huyện cũng có 27 hợp tác xã với tổng vốn đăng ký hơn 207 tỷ đồng.
Ánh mắt lấp lánh niềm vui, đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Cao Thị Gái chia sẻ với chúng tôi những chuyện vui của huyện. Đó là chuyện đầu tư hạ tầng và xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2000, huyện đã chủ động vay 100 tỷ đồng từ Quỹ đầu tư phát triển đô thị để làm đường giao thông nông thôn. Cùng với sự góp sức từ nhiều nguồn vốn khác, nhất là sự hưởng ứng, đóng góp sức người, sức của của nhân dân, hệ thống đường giao thông nông thôn của huyện dài hơn 360 km trải nhựa đã hoàn thành, kết nối không chỉ tất cả các xã trong huyện mà còn nối thông với nhiều tuyến tỉnh lộ, tạo nên hệ thống giao thông hoàn chỉnh. Đến nay, số vốn vay làm đường đã trả xong và cùng với hệ thống đường giao thông, hệ thống chiếu sáng đô thị, trường học, trạm y tế, chợ, hệ thống kênh mương thủy lợi cũng theo đó phủ kín địa bàn các xã. Huyện có 30 trường học, 21 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất; 56 điểm vui chơi giải trí ở khắp các xã, thị trấn, bảo đảm cho các em thiếu nhi có chỗ vui chơi giải trí lành mạnh. Hai xã điểm của huyện xây dựng nông thôn mới thì xã Tân Thông Hội đã đạt 18/19 tiêu chí; xã Thái Mỹ đạt 16/19 tiêu chí. Chương trình xây dựng nông thôn mới được nhân dân đồng tình ủng hộ, tổng vốn đầu tư xây dựng tại hai xã là hơn 847 tỷ đồng, nhưng vốn đầu tư của Nhà nước chỉ hơn 310 tỷ đồng, còn lại là huy động từ nhiều nguồn khác. Riêng nhân dân hiến đất xây dựng hạ tầng kỹ thuật trị giá hơn 100 tỷ đồng. Hiện nay, Củ Chi đang triển khai đại trà chương trình xây dựng nông thôn mới ở các xã còn lại, với 16/16 xã hoàn thành đề án quy hoạch, chín xã hoàn thành những tiêu chí ban đầu, bảy xã khác đang hoàn thiện thủ tục thẩm định đề án…
Năm 2011 vừa qua, trong bối cảnh kinh tế cả nước gặp khó khăn, nhưng huyện Củ Chi cũng hoàn thành 22/23 chỉ tiêu chủ yếu đăng ký thi đua. Từ vốn liếng ban đầu là cơ sở hạ tầng và ý chí quyết tâm, vùng đất này đã thu hút hàng nghìn doanh nghiệp đến đầu tư. Trên địa bàn huyện có 1.809 doanh nghiệp và chi nhánh đang hoạt động, trong đó có 67 doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, giải quyết việc làm cho hơn 50 nghìn lao động. Những KCN như Tây Bắc Củ Chi thu hút 43 doanh nghiệp đầu tư sản xuất; KCN Tân Phú Trung có 48 doanh nghiệp. Trên các tuyến đường liên xã cũng thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư theo quy hoạch phát triển công nghiệp sạch của thành phố. Từ năm 2009, Củ Chi đã triển khai chương trình giảm hộ nghèo, tăng hộ khá với mục tiêu đến cuối năm 2010, toàn huyện không còn hộ dân nào có mức thu nhập dưới sáu triệu đồng/người/năm; tập trung hỗ trợ toàn diện, giúp hộ nghèo nâng thu nhập; giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới (thu nhập bình quân 12 triệu đồng/người/ năm). Các hoạt động như giải quyết việc làm, thực hiện chính sách xã hội được Đảng bộ và chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm. Trong năm 2011, Củ Chi đã giải quyết việc làm cho 11.466 lao động, đào tạo nghề cho 16.585 lao động; 100% số trẻ em dưới sáu tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí… Từ những nỗ lực trên, đến nay, toàn huyện đã có 1.059 hộ vượt chuẩn nghèo theo tiêu chí mới, phấn đấu đến hết năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống dưới 10%.
Nối tiếp truyền thống cách mạng của các thế hệ đi trước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Củ Chi nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Theo Nhandan
Ý kiến ()