Vùng sâu xem truyền hình "xịn" hơn thành phố
Nhờ nỗ lực của Viễn thông Thanh Hóa mà người dân vùng sâu vùng xa của tỉnh này vẫn được thưởng thức dịch vụ truyền hình độ nét cao (HD) thậm chí còn tốt hơn so với các khu vực ở thành phố.
Đối với người dân sống tại các huyện miền núi Thanh Hóa, World Cup 2010 là một kỷ niệm đáng nhớ. Ở cái nơi mà nhiều khi cũng không có cả sóng truyền hình trung ương này thì việc xem được truyền hình HD “nét như trong mơ” quả thực là ấn tượng khó quên.
VNPT Thanh Hóa cung cấp cùng lúc 2 dịch vụ IPTV khác nhau. |
Thanh Hóa có 11 huyện miền núi với dân số 1,1 triệu người (cả tỉnh Thanh Hóa có xấp xỉ 3,4 triệu dân) trên một địa hình phức tạp. Tuy nhiên, theo thời gian điều kiện kinh tế ở các huyện miền núi đã khác và người dân cũng có điều kiện hưởng thụ đời sống tinh thần tốt hơn. Thế nhưng do khó khăn về địa lý mà dịch vụ truyền hình cáp, thậm chí là cả truyền hình tương tự (analog) ở những khu vực này đều rất kém. Không phải thị trấn nào ở Thanh Hóa cũng nhận được tín hiệu trực tiếp từ Đài truyền hình Việt Nam mà hầu như đều phải tiếp sóng lại qua đài truyền hình địa phương.
Trước thực trạng đó, VNPT Thanh Hóa đã có nhiều cố gắng trong việc “phủ sóng” dịch vụ truyền hình IPTV trên đường cáp viễn thông cho người dân nơi đây, giúp mang lại một phương tiện giải trí tiện dụng, chất lượng cao và với chi phí ngày càng hợp lý hơn. Theo ông Nguyễn Xuân Vĩnh, Trưởng phòng kinh doanh của VNPT Thanh Hóa, thì đợt vừa qua người dân tại Quan Sơn vẫn được xem đá bóng trực tiếp bằng HD TV như các khu vực thành phố khác, trong khi đó VTV3 không có để xem nếu đài truyền hình không tiếp sóng. “Dân miền núi Thanh Hóa còn được xem truyền hình HD xịn hơn cả nhiều nơi ở thành phố”, ông Vĩnh cho biết.
Cung cấp cùng lúc 2 dịch vụ IPTV
Hiện tại, VNPT Thanh Hóa đang triển khai song song cả 2 dịch vụ IPTV: MyTV và LamSon TV. Về bản chất, MyTV và LamSon TV đều là dịch vụ IPTV nhưng MyTV là hoàn toàn do VNPT triển khai, còn Lamson TV là do Viễn thông Thanh Hóa phối hợp với VTC Intecom triển khai. Do đó, hai dịch vụ này khác nhau về mặt nội dung, Lam Sơn TV dựa trên thế mạnh truyền hình của VTC, còn MyTV lại có thế mạnh về dịch vụ giá trị gia tăng, vượt trội hơn về tiện ích trên mạng (mua sắm, quảng cáo, tra cứu điểm thi…).
Ông Nguyễn Xuân Vĩnh, Trưởng phòng |
Cũng theo ông Vĩnh, tuy MyTV ra đời sau (6/2010) nhưng VNPT Thanh Hóa vẫn coi trọng cả hai bởi chúng đều đem lại nguồn lợi như nhau. Về công nghệ, tuy có chênh một chút về yêu cầu băng thông, chẳng hạn như ở vùng sâu vùng xa MyTV cung cấp tốt hơn, nhưng về cơ bản là không có sự khác biệt so với IPTV. Ông Vĩnh cho rằng quan trọng là đáp ứng nhu cầu người dùng, còn công nghệ thì có thể định hướng cho phù hợp với yêu cầu thực tế.
Sau hơn một năm triển khai (đối với Lamson TV), hiện VNPT Thanh Hóa đang có trên 7000 khách hàng sử dụng dịch vụ IPTV (tính cả MyTV). Từ giờ tới cuối năm, đơn vị này đặt mục tiêu phát triển thêm 4000 khách hàng iPTV nói chung, bao gồm cả MyTV và Lamson TV.
Theo ông Vĩnh, dưới góc độ của nhà cung cấp dịch vụ, IPTV hiện đang được triển khai rất tốt tại Thanh Hóa, chủ yếu là do viễn thông tỉnh không phải đầu tư thêm trên mạng lưới hạ tầng Internet có sẵn với năng lực khá tốt. Dịch vụ này còn có tác động tốt về mặt xã hội, mang tới cho người dân một phương thức mới trong việc tiếp nhận thông tin, một phương thức hoàn toàn chủ động.
Về công nghệ, IPTV cho phép người dùng chủ động xem, tương tác cao với nhà cung cấp dịch vụ. Đây là ưu thế vượt trội cho dù có những hạn chế hơn truyền hình cáp. Chẳng hạn, mỗi đường dây mới chỉ sử dụng được cho một đầu TV nhưng ưu thế vượt trội về tương tác nên chúng vẫn vượt trội hơn so với truyền hình cáp. Thêm vào đó, phần nội dung cũng phong phú và đa dạng hơn, thỏa mãn nhiều nhu cầu giải trí khác nhau. Đáp ứng nhu cầu thưởng thức truyền hình chất lượng cao, LamSon TV có tới 10 kênh HD khác nhau, chủ yếu về phim truyện, thể thao và thời trang.
Viễn thông Thanh Hóa hiện đã cung cấp dịch vụ IPTV cho khoảng 10.000 khách hàng nhưng không phải kéo thêm bất cứ một sợi cáp nào trên hệ thống. Điều này rất tốt về mặt xã hội vì Việt Nam đang phải tập trung xử lý các bài toán rất nan giải về mạng cáp của các nhà Viễn thông, chẳng hạn như nạn ô nhiễm môi trường.
Dần khắc phụ trở ngại
Bản chất công nghệ IPTV là sử dụng băng thông thấp của một đường dây điện thoại bình thường để nén tín hiệu, nên với một sợi cáp đồng bình thường mà đạt đến ngưỡng 12M để truyền tín hiệu IPTV thông qua bộ giải mã đã là một kết quả vượt trội. Tại một thời điểm có thể truyền dẫn đồng thời 3 loại tín hiệu: truyền hình IPTV, thoại và Internet (dữ liệu).
Tuy nhiên, IPTV cũng có những yếu điểm nhất định, chẳng hạn như chỉ cung cấp cho duy nhất một TV, chứ không thể chia sẻ đường truyền với nhiều TV như dịch vụ cáp hiện nay. Ngoài ra, do truyền hình yêu cầu cao về độ nên tục nên sự gián đoạn tín hiệu rất dễ làm cho khách hàng nản lòng. Trong khi đó, do cáp IPTV chạy ngoài môi trường nên rất dễ bị nhiễu, chẳng hạn khi chạy qua khu vực hàn xì nhiều cũng khiến cho tín hiệu hình ảnh bị ảnh hưởng.
Đặc thù của IPTV là công nghệ cao và phải thao tác trên modem và bộ giải mã nên công tác hướng dẫn khách hàng, nhất là khu vực vùng sâu vùng xa có dân trí thấp cũng gặp khó khăn. Thêm vào đó, đối với những khu vực quá xa đường trục thì viễn thông cũng đành … bó tay vì không đủ khả năng cung cấp dịch vụ.
Ý kiến ()