LSO-Xã Chi Lăng là một trong những vùng trọng điểm về cây na của huyện Chi Lăng với diện tích trên 320 ha. Hàng năm sản lượng na bình quân của xã đạt trên 1.500 tấn, vụ na năm 2010, doanh thu từ na của toàn xã đạt hơn 18 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay đã và đang có những nguy cơ tiềm ẩn đe dọa đến chất lượng và diện tích của loại cây đặc sản trong vùng trọng điểm này. Chúng tôi đến xã Chi Lăng khi mà chỉ còn một thời gian ngắn nữa, nơi đây sẽ bước vào chính vụ chăm sóc cây na…Nếu có nghệ nhân trồng na thì hẳn ông Phạm Ngọc Ngạn, thôn Đồng Đĩnh xã Chi Lăng sẽ được phong. Ông là một trong những người cắm những cây na đầu tiên trên mảnh đất này từ những năm 70 của thế kỷ trước và hơn ai hết, ông hiểu về cây na tường tận còn hơn chính bản thân mình. Ông Ngạn tâm sự: Cây na trông tuy dễ trồng là thế, nhưng rất dễ bị tấn công bởi sâu, bệnh và đây là nguy cơ lớn nhất đối với...
LSO-Xã Chi Lăng là một trong những vùng trọng điểm về cây na của huyện Chi Lăng với diện tích trên 320 ha. Hàng năm sản lượng na bình quân của xã đạt trên 1.500 tấn, vụ na năm 2010, doanh thu từ na của toàn xã đạt hơn 18 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay đã và đang có những nguy cơ tiềm ẩn đe dọa đến chất lượng và diện tích của loại cây đặc sản trong vùng trọng điểm này. Chúng tôi đến xã Chi Lăng khi mà chỉ còn một thời gian ngắn nữa, nơi đây sẽ bước vào chính vụ chăm sóc cây na…
Nếu có nghệ nhân trồng na thì hẳn ông Phạm Ngọc Ngạn, thôn Đồng Đĩnh xã Chi Lăng sẽ được phong. Ông là một trong những người cắm những cây na đầu tiên trên mảnh đất này từ những năm 70 của thế kỷ trước và hơn ai hết, ông hiểu về cây na tường tận còn hơn chính bản thân mình. Ông Ngạn tâm sự: Cây na trông tuy dễ trồng là thế, nhưng rất dễ bị tấn công bởi sâu, bệnh và đây là nguy cơ lớn nhất đối với vùng na. Như một chuyên gia về bảo vệ thực vật, ông Ngạn liệt kê ra cả chục loại sâu bọ hại na như rệp trắng, sâu đục thân, bọ ba lô…mỗi con hại na một kiểu. Có loại thì chích hút, có loại tiết ra nước làm táp lá, hại quả, có loại làm chết cây từ gốc…Ông Lành Văn Sủi cũng là một hộ trồng na lâu năm ở thôn Đồng Đĩnh kể: Có năm na đang thu hoạch đã bị chết vì sâu bệnh. Gia đình ông Sủi trước kia có khoảng 1.000 gốc na, thì nay đã bị chết tới gần 400 cây. Cũng may là cán bộ chuyên môn của huyện rất quan tâm và người dân vùng na cũng khá chủ động, nên các loại sâu, bệnh mới xuất hiện đều được khống chế bằng nhiều biện pháp khác nhau như dùng bông thấm thuốc sâu đặt dưới rễ để diệt sâu đục thân; cắt tỉa cành sau tu hoạch để loại bỏ sâu bệnh, tăng sức đề kháng của cây; kỹ thuật thụ phấn nhân tạo để nâng cao chất lượng quả… Tuy nhiên, theo những người dân trong vùng thì cứ đối phó được với loại này, lại xuất hiện loại khác, khó khắc phục, khống chế hơn.
|
Nông dân thôn Đồng Đĩnh (Chi Lăng) tỉa cây sau thu hoạch |
Ông Nguyễn Văn Sáu, phụ trách Trạm bảo vệ thực vật huyện Chi Lăng cho biết: Trên cây na hiện có khá nhiều các loại sâu, bệnh lạ xuất hiện. Mặc dù đã nỗ lực nghiên cứu, tìm hiểu và ngăn chặn thành công một số loại bọ như bọ xít lưng gù, rệp sáp…nhưng lại xuất hiện ngay những loại mới. Chẳng hạn như vừa mới nghiên cứu, khắc phục được bệnh thán thư trên lá thì lại xuất hiện ngay bệnh thối rễ, đây được coi như là căn bệnh “ung thư” đối với cây na, bởi nó rất khó chữa và cũng chưa có một nghiên cứu nào về căn bệnh này, chỉ biết nó do một loại nấm gây ra. Ngoài sự phá hoại của sâu bệnh thì xói mòn cũng là một trong những nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng na và thu hẹp vùng na. Với đặc điểm đã phần na được trồng trên các dãy núi đá có độ dốc lớn, trải qua nhiều năm canh tác, hiện tượng xói mòn đất, bào mòn chất dinh dưỡng đã xuất hiện. Ông Trần Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Chi Lăng cho biết: Hiện tượng này đã xuất hiện cách đây 3-4 năm, mới đầu xói mòn ở mức độ nhẹ gây ảnh hưởng đến phẩm cấp của quả, sau đó ở mức độ nặng hơn làm cây na còi cọc không cho thu hoạch và chết dần. Mặc dù người dân đã rất tích cực sử dụng các biện pháp thủ công như dùng đá xếp lại để ngăn xói mòn, nhưng với địa hình như vậy, biện pháp thủ công là không xuể. Trước đây Đoàn thanh niên xã cũng đã thử chống xói mòn bằng rất nhiều biện pháp như trồng cỏ để giữ đất…nhưng cũng không đạt được hiệu quả như mong muốn, xói mòn vẫn xảy ra với tốc độ khá nhanh.
Là một trong những vùng trọng điểm về cây ăn quả đặc sản không chỉ của huyện mà còn là của cả tỉnh, trong những năm qua việc phát triển cây na đã góp phần lớn trong việc nâng cao đời sống của người dân và đổi mới khu vực nông thôn của Chi Lăng. Nhận thấy được giá trị và tầm quan trọng của loại cây này, cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương và các cơ quan chuyên môn của huyện đã rất tích cực nghiên cứu, tìm hiểu và tạo ra những phương pháp canh tác hiệu quả hơn để nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế của na. Tuy nhiên với hàng loạt nguy cơ trước mắt, vùng na đang cần những nghiên cứu thấu đáo, sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành, các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh.
Lê Minh
Ý kiến ()