Về phòng trừ sâu bệnh, ông Phan Văn Sáu, phụ trách Trạm bảo vệ thực vật huyện cho biết: Trong giai đoạn đậu quả hiện nay, nguy hiểm nhất là sự phát sinh của các loại chích hút như bọ xít lưng gù, bọ xít muỗi…làm giảm năng suất và phẩm cấp của sản phẩm. Trạm đã tăng cường cán bộ kỹ thuật tại các vùng trọng điểm về na trong toàn huyện, chủ động dự tính, dự báo và khuyến cáo, hướng dẫn các biện pháp phòng trừ cho người nông dân. Trước đó, người nông dân cũng đã chủ động phòng trừ bằng thuốc hóa học đợt một, đồng thời vẫn đang tiếp tục các biện pháp thụ phấn nhân tạo để tăng tỷ lệ đậu quả. Với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chuyên môn, người nông dân vùng na đã và đang chủ động trước một mùa vụ bất thường, điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng bởi đây không chỉ là vùng kinh tế của huyện mà còn là vùng sản xuất nông sản hàng hóa trọng điểm của tỉnh.
LSO-Na dai Chi Lăng giờ đã nổi tiếng đến nỗi mấy anh bạn của tôi mãi tận vùng biển xa xôi còn nắm được cả ngày na vào mùa và gọi điện dặn trước, nhớ mua, gửi cho vài thùng. Chuyện quá đơn giản! Vừa là gửi cho bạn, vừa là quảng bá sản vật của quê hương mình. Nhưng năm nay muốn mua na thì phải đợi, chí ít là cũng sẽ chậm hơn mọi năm 1 tháng.
|
Nông dân xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng chăm sóc, thụ phấn cho na |
Nói như vậy không phải là ngay từ đầu vụ đã có người đặt mua hết na của Chi Lăng, mà tình hình thời tiết quá phức tạp trong thời gian vừa qua đã tạo nên những diễn biến bất thường ở vùng na. Nông dân Lê Văn Vàng, thôn Làng Ngũa, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng suốt mấy ngày nay tỉ mẩn bên mấy gốc na, săm soi từng cành, chăm chút từng quả mới đậu. Anh cho biết: Mọi năm đến thời điểm này na đã to hơn đầu ngón tay cái người lớn, nhưng năm nay mới đang đậu quả, to lắm cũng chỉ bằng nửa đầu ngón tay út. Lo lắng dường như làm anh quên đi mệt mỏi dưới cái nắng đầu hè như đổ lửa: Mọi năm trên 1ha na nhà mình cho thu hoạch vài tấn quả, chẳng biết năm nay còn được như vậy không – Anh Vàng trầm tư. Chẳng phải riêng gì gia đình anh mà đây là tình trạng chung của toàn xã. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Chi Lăng khái quát: Xã là một trong những vùng trọng điểm về cây na của huyện, với diện tích khoảng 320ha, năm 2010, sản lượng na đạt mức trên 1.200 tấn, cao nhất từ trước đến nay và doanh thu theo thống kê chưa đầy đủ đạt hơn 18 tỷ đồng. Tuy nhiên, bước vào vụ năm nay, do thời tiết bất thường, rét kéo dài hồi đầu năm, rồi khô hạn…dẫn đến hiện tượng na đậu quả chậm hơn so với mọi năm khoảng 1 tháng, trong khi đó tỷ lệ đậu quả cũng thấp hơn cùng kỳ.
Với 320ha na, xã Chi Lăng không chủ trương phát triển thêm về diện tích, bởi quỹ đất không còn, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã đã phát triển na theo chiều sâu, tức là chú trọng tới áp dụng các biện pháp như tỉa cành, thụ phấn nhân tạo…để nâng cao năng suất và chất lượng của na. Trên thực tế, nhiều ý kiến cho rằng, nếu trình độ thâm canh của nhân dân địa phương chưa cao và không áp dụng triệt để các biện pháp kỹ thuật thì vừa qua na không thể đậu quả chứ đừng tính đến chuyện thu hoạch. Ông Vi Nông Trường, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện xác nhận: Diện tích na của toàn huyện hiện nay trên 1.180ha, tình trạng đều tương tự như ở xã Chi Lăng. Nhận định tình hình sẽ có diễn biến phức tạp, ngay từ đầu năm, các phòng chuyên môn của huyện đã mở nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn và tuyên truyền cho người dân đẩy mạnh chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho na. Các lớp đào tạo nghề cho nông dân vùng na cũng chú trọng vào các nội dung này. Điển hình là hiện nay, tại xã Chi Lăng vẫn đang tiếp tục diễn ra khóa đào tạo của Tổng cục Dạy nghề về kỹ thuật trồng, chăm sóc và bảo quản quả na sau thu hoạch, vừa lý thuyết vừa thực hành, dự kiến khóa đào tạo này sẽ kéo dài đến tận khi vụ thu hoạch na kết thúc.
Về phòng trừ sâu bệnh, ông Phan Văn Sáu, phụ trách Trạm bảo vệ thực vật huyện cho biết: Trong giai đoạn đậu quả hiện nay, nguy hiểm nhất là sự phát sinh của các loại chích hút như bọ xít lưng gù, bọ xít muỗi…làm giảm năng suất và phẩm cấp của sản phẩm. Trạm đã tăng cường cán bộ kỹ thuật tại các vùng trọng điểm về na trong toàn huyện, chủ động dự tính, dự báo và khuyến cáo, hướng dẫn các biện pháp phòng trừ cho người nông dân. Trước đó, người nông dân cũng đã chủ động phòng trừ bằng thuốc hóa học đợt một, đồng thời vẫn đang tiếp tục các biện pháp thụ phấn nhân tạo để tăng tỷ lệ đậu quả. Với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chuyên môn, người nông dân vùng na đã và đang chủ động trước một mùa vụ bất thường, điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng bởi đây không chỉ là vùng kinh tế của huyện mà còn là vùng sản xuất nông sản hàng hóa trọng điểm của tỉnh.
Vũ Như Phong
Ý kiến ()