Vùng mơ Bản Mại mong một con đường
Mỗi năm, vùng mơ Bản Mại (xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới, Bắc Cạn) cung cấp cho thị trường khoảng 500 tấn mơ tươi. Tuy nhiên, do đường giao thông khó khăn nên để tiêu thụ được hết số mơ này, người dân phải dành chi phí 1,2 tỷ đồng cho việc thuê nhân công vận chuyển. Mơ ước có một con đường là mong mỏi bao năm nay của những người trồng mơ ở đây.Mơ vàng Bản MạiĐi xe máy được một đoạn từ trung tâm xã là hết đường, sau gần nửa ngày đường trèo đèo, vượt suối, chúng tôi đến được khu vực Bản Mại, xã Cao Kỳ khi mồ hôi đã ngấm ướt áo. Ngồi dưới tán những cây mơ 17 năm tuổi, nhìn những trái mơ vàng lấp lánh, ông Hà Quảng Đường, chủ của gần 2000 gốc mơ chia sẻ, mười bảy năm vào đây làm kinh tế, cây mơ thực sự là “hũ vàng” của nhiều người dân ở đây.Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, hưởng ứng phong trào trồng mơ tại các khu vực đất trống đồi trọc, nhiều hộ dân ở xã Cao Kỳ đã rời trung tâm xã...
Mỗi năm, vùng mơ Bản Mại (xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới, Bắc Cạn) cung cấp cho thị trường khoảng 500 tấn mơ tươi. Tuy nhiên, do đường giao thông khó khăn nên để tiêu thụ được hết số mơ này, người dân phải dành chi phí 1,2 tỷ đồng cho việc thuê nhân công vận chuyển. Mơ ước có một con đường là mong mỏi bao năm nay của những người trồng mơ ở đây.
Mơ vàng Bản Mại
Đi xe máy được một đoạn từ trung tâm xã là hết đường, sau gần nửa ngày đường trèo đèo, vượt suối, chúng tôi đến được khu vực Bản Mại, xã Cao Kỳ khi mồ hôi đã ngấm ướt áo. Ngồi dưới tán những cây mơ 17 năm tuổi, nhìn những trái mơ vàng lấp lánh, ông Hà Quảng Đường, chủ của gần 2000 gốc mơ chia sẻ, mười bảy năm vào đây làm kinh tế, cây mơ thực sự là “hũ vàng” của nhiều người dân ở đây.
Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, hưởng ứng phong trào trồng mơ tại các khu vực đất trống đồi trọc, nhiều hộ dân ở xã Cao Kỳ đã rời trung tâm xã vào Bản Mại phát nương trồng mơ, cuộc sống khi đó khó khăn, nhưng chính từ cây mơ họ đã có cuộc sống khá giả.
Ông Đường tâm sự: “Các con tôi được học hành, gia đình tôi xây được nhà, mua sắm các vật dụng và cuộc sống hằng ngày là nhờ những cây mơ này”. Khu vực Bản Mại hiện có khoảng 100 nghìn gốc mơ, số cây mơ này đều được trồng từ 15 đến 20 năm trước. Sản lượng mơ hằng năm cung cấp cho thị trường khoảng 400 tấn mơ quả, những năm được mùa sản lượng lên đến gần 600 tấn.
Mỗi năm, vào dịp thu hoạch có hàng trăm người dân trong xã Cao Kỳ và vùng lân cận vào Bản Mại vận chuyển mơ thuê.
Mặc dù vụ thu hoạch mơ hằng năm chỉ kéo dài chừng 15 đến 20 ngày, bắt đầu từ cuối tháng tư nhưng vận chuyển mở thuê cũng đem lại nguồn thu nhập khá cho người dân địa phương. Năm nay sản lượng mơ ở khu vực này giảm khoảng 20% so với năm trước, nhưng lượng người vào đây gánh mơ cho các chủ vườn cũng lên đến hàng trăm người.
Mỗi thanh niên khoẻ mạnh gánh mơ thuê mỗi ngày cũng cho thu nhập từ 200 đến 300 nghìn đồng. Vợ chồng chị Hoàng Thị Duyên, ở xã Yên Đĩnh, huyện Chợ Mới năm nay lên vận chuyển mơ thuê cho các chủ vườn ở đây đã được hơn một tuần, cả hai vợ chồng mỗi ngày thu nhập từ 500 đến 600 nghìn đồng. Chị Duyên cho biết: “Mặc dù vận chuyển mơ rất vất vả, nhưng chịu khó thì hết vụ mơ cũng được hơn chục triệu đồng tiền công”.
Cây mơ ở Bản Mại không chỉ đem lại nguồn thu mỗi gia đình ở đây hàng trăm triệu mỗi năm mà còn tạo việc làm và thu nhập cho nhiều người dân trong vùng. Chỉ tính riêng năm nay, người dân Bản Mại thu nhập từ cây mơ ước đạt khoảng 3,2 tỷ đồng, trong đó họ phải chi phí thuê người gánh mất hơn một tỷ đồng.
Bản Mại mong mỏi một con đường
Nguồn lợi kinh tế từ mơ mang lại cho Bản Mại là không nhỏ, nhưng không có đường giao thông nên việc khai thác lợi thế kinh tế của vùng đất này gặp rất nhiều khó khăn.
Bản Mại cách trung tâm xã Cao Kỳ khoảng 9 km, trong đó ba km đầu đi được bằng xe máy, sáu km còn lại là đường mòn, nhiều đoạn phải đi bộ dọc suối Khuổi Thếu, lúc lại leo lên núi cao ngang mặt người và những dốc đá trơn trượt, người nào đi bộ quen thì mất hơn hai tiếng, còn chúng tôi thì đi mất gần nửa ngày mới tới nơi. Dọc đường chúng tôi thấy những người gánh mơ thuê nghỉ chân trên những tảng đá, dùng đôi bàn tay vục nước suối uống ngon lành.
Theo ông Triệu Phúc Thắng, cán bộ lâm nghiệp xã Cao Kỳ, mặc dù nguồn thu từ vùng mơ Bản Mại lên đến vài tỷ đồng mỗi năm, nhưng việc vận chuyển mơ ra đến chợ đều phải qua đôi vai và đôi chân của người nông dân.
Hiện nay, để vận chuyển 1 kg mơ ra tới các điểm thu mua tại trung tâm xã Cao Kỳ, người trồng mơ phải chi phí hết 3000 đồng, hết gần một nửa so với giá họ bán được. Như vậy, với sản lượng như năm nay là khoảng 400 tấn mơ tươi, người trồng mơ Bản Mại phải chi khoảng 1,2 tỷ đồng cho việc vận chuyển. Ông Hà Quảng Đường tâm sự: “Chi phí vận chuyển quá cao, nhưng chúng tôi thì không thể gánh được, vì không có nhân lực, khi mơ chín không thu hoạch và tiêu thụ kịp thì quả sẽ thối, rụng hết”.
Ông Hà Quảng Đường cho biết thêm: “Nhiều năm nay các hộ trồng mơ ở Bản Mại đã bàn tính nhiều cách để giảm bớt cước vận chuyển, nhưng nhiều đoạn chạy dọc con suối Khuổi Thếu, đèo dốc nên không có thể đưa phương tiện cơ giới nào vào được, không còn cách nào khác là phải vận chuyển bộ bằng sức người”.
Năm 2010, ông Đường đã vận động 36 hộ trồng mơ ở Bản Mại góp tiền để mở đường, tuy nhiên chi phí để mở gần 6 km đường rừng là quá sức với nhiều hộ trồng mơ tại đây. Vùng đất ở Bản Mại còn khá rộng và màu mỡ, ngoài cây mơ, vùng đất này còn có thể phát triển rất nhiều loại cây trồng khác cho thu nhập khá như gừng, chuối nhưng tất cả chưa được khai thác vì không có đường.
Nếu giao thông thuận tiện, bình quân mỗi năm, một gia đình trồng mơ ở Bản Mại có thể giảm bớt chi phí và tiết kiệm được hơn 30 triệu đồng, đồng thời phát triển thêm nhiều cây trồng khác cho thu nhập khá, góp phần xoá đói giảm nghèo.
Ông Đường nói: “Hơn chục năm nay, mỗi năm đôi chân ông phải đi bộ trèo đèo, lội suối đến vài trăm cây số, đôi vai phải gánh hàng chục tấn nông sản từ Bản Mại ra trung tâm xã để bán”.
Vùng đất Bản Mại đầy tiềm năng nhưng chưa được khai thác hiệu quả, những người nông dân ở đây chịu thương chịu khó rất muốn cải thiện điều kiện đi lại, nhưng đoạn đường dài, số hộ không nhiều nên lực bất tòng tâm. Họ không mong muốn nào hơn là có một con đường để con em họ đi lại học hành đỡ vất vả, nông sản làm ra không phải chi phí quá nhiều cho khâu vận chuyển.
Theo Nhandan
Ý kiến ()