Nước ta có 53 DTTS, với số dân hơn 12 triệu người, chiếm hơn 14% tổng số dân của cả nước. Đồng bào các DTTS cư trú chủ yếu trên địa bàn miền núi, biên giới, nơi có vị trí chiến lược về phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh. Các tỉnh vùng đồng bào dân tộc sinh sống tiếp giáp với các nước láng giềng với nhiều cửa khẩu quan trọng, thuận lợi cho việc giao thương, phát triển các khu kinh tế mở. Quan trọng hơn, đồng bào các dân tộc có truyền thống lao động cần cù, chăm chỉ, sáng tạo. Mặt khác, đồng bào các DTTS sinh sống trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt và địa hình hiểm trở, điều kiện kinh tế khó khăn đã giúp họ đúc kết, sáng tạo ra những giá trị văn hóa hết sức có giá trị.
Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta có nhiều chính sách, quan tâm đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội vùng DTTS và miền núi. Nhờ đó các vùng dân tộc có nhiều thay đổi, đời sống đồng bào các dân tộc đã được cải thiện. Các địa phương vùng dân tộc đạt tốc độ tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo chiều hướng tiến bộ, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc được cải thiện rõ rệt. Hằng năm số hộ nghèo ước tính giảm 4 – 5%/năm. Vùng DTTS và miền núi đã hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn quả tập trung, với nhiều sản phẩm xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Đáng chú ý, chương trình phát triển kinh tế – xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) miền núi, biên giới và vùng sâu, vùng xa đã góp phần làm đổi thay bộ mặt nông thôn vùng DTTS và miền núi. Công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các dân tộc được chú trọng, người nghèo được cấp bảo hiểm y tế, khám, chữa bệnh miễn phí, các huyện vùng DTTS có trung tâm y tế, các xã có trạm y tế và cán bộ y tế cơ sở. Tỷ lệ trẻ em dưới năm tuổi suy dinh dưỡng đã giảm xuống dưới 25%. Đồng bào DTTS được sử dụng muối i-ốt, trẻ em được tiêm phòng, các dịch bệnh được ngăn chặn, đẩy lùi. Đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào ngày càng được nâng cao, 80% số hộ được xem truyền hình, 90% số hộ gia đình đã được nghe đài phát thanh, 100% số xã có điểm bưu điện văn hóa xã…
Tuy vậy, nói đến vùng DTTS, không chỉ có thuận lợi, mà cần nhận rõ những khó khăn trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập. Trước đây, nói tới miền núi là người ta nghĩ ngay đến các tỉnh xa xôi, núi cao, đèo sâu, lam chướng nghìn trùng… Ngày nay, nhờ các chính sách đầu tư của Nhà nước, hệ thống đường giao thông được mở rộng, cải tạo việc đi lại đã thuận lợi hơn. Tuy nhiên, các hiểm họa thiên tai như lũ quét, sạt lở, sương mù vẫn thường xuyên đe dọa, cản trở giao thông. Theo các nghiên cứu mới đây, vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ còn là vùng đất đang có nguy cơ bị sa mạc hóa và những diện tích đất tốt đang bị mất đi, do biến thành các hồ chứa nước, phục vụ các nhà máy thủy điện. Đây là vùng nghèo nhất cả nước, người nghèo chủ yếu là đồng bào các DTTS, vùng sâu, vùng xa.
Thời gian tới, khi chúng ta hội nhập toàn diện vào nền kinh tế quốc tế, với những ảnh hưởng của toàn cầu hóa và phát triển kinh tế thị trường, chắc chắn một bộ phận đồng bào DTTS có trình độ giáo dục – đào tạo thấp, sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK, khó tiếp cận thị trường và các dịch vụ xã hội sẽ bị tụt hậu xa hơn, khoảng cách thu nhập và mức sống sẽ ngày càng giãn cách với các đô thị và các vùng thuận lợi. Từ những bài học kinh nghiệm trong thời gian qua và để tiến trình hội nhập có hiệu quả hơn, thiết nghĩ, một trong những vấn đề quan trọng là cần trang bị kiến thức, nâng cao năng lực hội nhập kinh tế quốc tế cho cán bộ các địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, giúp họ hiểu rõ vận hội, nắm chắc thời cơ, hạn chế nguy cơ, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc.
Vấn đề quan trọng nữa là ưu tiên triển khai các dự án phát triển kinh tế – xã hội, giảm nghèo ở vùng DTTS và miền núi, nhất là các xã ĐBKK, biên giới, vùng sâu, vùng xa. Nhà nước cần tiếp tục ưu tiên xây dựng hệ thống hạ tầng, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời cần tập trung triển khai các dự án giảm nghèo, tăng thu nhập cho đồng bào các dân tộc, thu hẹp dần khoảng cách thu nhập giữa các dân tộc, giữa các vùng. Thực hiện các chính sách khuyến khích thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Đông Bắc, từ đó đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế ở những vùng có điều kiện thuận lợi, thu hút lao động, tạo công ăn việc làm cho con em các DTTS. Hơn nữa, cần nghiên cứu hoàn thiện các hệ thống chính sách an sinh xã hội, triển khai các giải pháp, các chương trình hỗ trợ người nghèo, vùng nghèo, các đối tượng dễ bị tổn thương, nhằm hạn chế tác động, ảnh hưởng tiêu cực của quá trình hội nhập và toàn cầu hóa.
Ý kiến ()