Vùng kinh tế trọng điểm phải phát triển gấp 2, 3 lần mức bình quân
Là động lực phát triển, nhưng nếu chỉ xét riêng tăng trưởng GDP mới chỉ hơn 1,5 lần cả nước thì vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm còn hạn chế. Để là "đầu tàu", tạo sự lan tỏa, các vùng này cần phát triển gấp 2, 3 lần mức bình quân cả nước, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ rõ.Kết nối, phối hợp thông tin, đồng bộ trong quy hoạch phát triển vùng, không để tình trạng phát triển tự phát, “dẫm chân nhau” ở mỗi địa phương là vấn đề trăn trở lớn nhất trong Hội nghị tổng kết phát triển các vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) sáng nay, 7/4 tại Cần Thơ.Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì Hội nghị. Tham dự có các Bộ, ngành, địa phương là thành viên 4 Vùng KTTĐ Bắc, Trung, Nam và Đồng bằng sông Cửu Long. Hội nghị bàn về phương hướng xây dựng, điều phối phát triển vùng KTTĐ giai đoạn 2011-2015.Giữ vững vai trò đầu tàu định hướng phát triểnHiện 4 vùng KTTĐ Bắc bộ, miền Trung, phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long gồm 24 tỉnh, thành, tổng diện tích tự...
Là động lực phát triển, nhưng nếu chỉ xét riêng tăng trưởng GDP mới chỉ hơn 1,5 lần cả nước thì vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm còn hạn chế. Để là “đầu tàu”, tạo sự lan tỏa, các vùng này cần phát triển gấp 2, 3 lần mức bình quân cả nước, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ rõ.
Kết nối, phối hợp thông tin, đồng bộ trong quy hoạch phát triển vùng, không để tình trạng phát triển tự phát, “dẫm chân nhau” ở mỗi địa phương là vấn đề trăn trở lớn nhất trong Hội nghị tổng kết phát triển các vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) sáng nay, 7/4 tại Cần Thơ.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì Hội nghị. Tham dự có các Bộ, ngành, địa phương là thành viên 4 Vùng KTTĐ Bắc, Trung, Nam và Đồng bằng sông Cửu Long. Hội nghị bàn về phương hướng xây dựng, điều phối phát triển vùng KTTĐ giai đoạn 2011-2015.
Giữ vững vai trò đầu tàu định hướng phát triển
Hiện 4 vùng KTTĐ Bắc bộ, miền Trung, phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long gồm 24 tỉnh, thành, tổng diện tích tự nhiên 90.770 km2, chiếm 27,42%, dân số 44,5 triệu người, chiếm 51,27% cả nước.
Trong giai đoạn 2006-2010, tốc độ tăng trưởng GDP các vùng KTTĐ đạt 10,98%, cao hơn so với mức tăng trưởng GDP cả nước là 7%. GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 34,6 triệu đồng/người so với mức bình quân cả nước đạt 20 triệu đồng/người. Tỷ trọng ngành kinh tế so với cả nước lần lượt là CN-XD chiếm 46,8%, dịch vụ chiếm 41% và nông, lâm nghiệp thủy sản chiếm 12,2%. Tổng thu ngân sách của các vùng KTTĐ hiện chiếm 88,6%, kim ngạch xuất khẩu chiếm 89,89% của cả nước.
Sau một quá trình hình thành, các Vùng KTTĐ trở thành các trung tâm chính trị, kinh tế, khoa học kỹ thuật, được ví như đầu tàu động lực, định hướng phát triển cho cả nước trong phát triển KTXH, hội nhập quốc tế. Với các đô thị, trung tâm kinh tế lớn của cả nước như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Cần Thơ, các Vùng KTTĐ là nơi hình thành phát triển các ngành công nghiệp lớn và tiêu biểu. Năm 2010, có khoảng 56.300 doanh nghiệp công nghiệp (chiếm 78%) với 4,3 triệu lao động (48%), 157 KCN thu hút hơn 3.700 dự án FDI, hình thành hạ tầng giao thông khá phát triển, nơi có các trục huyết mạch đường bộ, đường không, cảng biển toàn quốc, hạ tầng thiết yếu điện, nước, y tế, giáo dục, văn hóa thể thao phục vụ đời sống nhân dân.
Đến nay, Chính phủ đã có những quy hoạch và cơ chế chính sách cho riêng các vùng KTTĐ với những phương hướng, mục tiêu khác nhau, phù hợp với tiềm năng, lợi thế cũng như vị trí đặc thù từng Vùng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bao an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh, phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu.
Cấp bách những yêu cầu kết nối
Tại Hội nghị, bên cạnh việc ghi nhận vai trò, những kết quả đạt được, các ý kiến từ các Bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương trong các Vùng KTTĐ đều tập trung phản ánh những vấn đề vướng mắc, trở ngại trong quá trình phát triển của từng địa phương của khu vực cũng như sự vận hành của cơ chế, chính sách chung.
Tuy có sự phát triển năng động, đi đầu trong những lĩnh vực quan trọng, nhưng các vùng KTTĐ vẫn chưa tạo ra sự tăng tốc và nâng cao khả năng cạnh tranh, chủ yếu dựa vào nhân tố phát triển theo chiều rộng, chất lượng và hiệu quả thấp, sức lan tỏa còn hạn chế.
Vấn đề được hầu hết các địa phương phản ánh là tình trạng thiếu sự phối hợp, mối liên kết cần thiết giữa nội vùng, liên vùng. Ngay từ khâu quy hoạch cũng đang bộc lộ khá rõ những bất cập, thiếu tính kết nối trong bài toán phát triển nội vùng và liên vùng, nhất là trong phân bố xây dựng các dự án năng lượng, hạ tầng giao thông. Hạ tầng liên vùng, đặc biệt là giao thông kết nối, xây dựng các cơ sở chất thải của vùng KTTĐ tồn tại tình trạng chậm trễ trong triển khai. Hệ thống đường cao tốc, đường kết nối, đường bộ ven biển đều đã có quy hoạch nhưng nhìn chung không đạt được tiến độ yêu cầu dẫn tới sự mờ nhạt trong gắn kết và liên thông trong vận tải, lưu chuyển giữa các địa phương.
“80% hàng hóa xuất khẩu của ĐBSCL đang phải đi qua những con đường tắc nghẽn để đi ra thế giới, trong khi kênh Quan Chánh bố, cửa ngõ ngay trong nhà thì chậm được triển khai”, đại diện tỉnh Hậu Giang nêu ví dụ.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết, một trong những tồn tại lớn nhất là cung cấp, phối hợp thông tin để các địa phương nắm bắt định hướng chỉ đạo, điều phối các vấn đề trong bài toán phát triển vùng, phát huy lợi thế, nhu cầu của mỗi địa phương, khu vực.
Bên cạnh đó là sự “mạnh ai nấy làm”, “xé rào” giữa các địa phương khi đồng loạt xây dựng các KCN, phát triển trùng một số ngành nghề, tạo ra một cơ cấu trùng lặp, phát triển chồng chéo, lộn xộn trong đầu tư dự án với những bài học về phát triển sản xuất thuốc lá, bia, mía đường, lắp ráp xe máy, khai thác khoáng sản…
Một thực trạng hiện nay cũng được phản ánh là tình trạng phân bố, thừa thiếu lao động phổ biến ở các trung tâm kinh tế, nhất là Vùng KTTĐ phía Nam đang thiếu cả về lao động phổ thông lẫn lao động chất lượng cao. Trong khi đó, việc xây dựng các Trung tâm đào tạo lao động cũng như hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường đều chủ yếu dừng ở việc xây dựng kế hoạch.
“Đầu tàu” cần phát triển gấp 2, 3 lần cả nước
Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, trong giai đoạn chuẩn bị bước sang kế hoạch 5 năm giai đoạn 2011-2015 với tình hình có nhiều thay đổi, mục tiêu trở thành nước công nghiệp đã gần thêm thì nhiệm vụ, kế hoạch phát triển của các Vùng KTTĐ sẽ rất nặng nề, đòi hỏi nhận thức, quyết tâm ở một tầm cao mới.
“Là động lực phát triển, nhưng nếu chỉ xét riêng tăng trưởng GDP mới chỉ hơn 1,5 lần cả nước thì vai trò của các Vùng KTTĐ còn hạn chế. Để là “đầu tàu”, tạo sự lan tỏa thì cần phát triển gấp 2, 3 lần mức bình quân cả nước”, Phó Thủ tướng chỉ rõ.
Nêu rõ những vấn đề còn bất cập, tồn tại của các vùng trong thời gian qua, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tới điểm yếu trong kết nối, phối hợp thông tin, đồng bộ trong quy hoạch phát triển vùng, tình trạng phát triển tự phát, “dẫm chân nhau” ở mỗi địa phương trong bài toán phát triển.
Nhiều lợi thế, thế mạnh của một địa phương, một khu vực đã chậm được phát huy do những khó khăn trong tiếp cận thông tin, hạ tầng chưa đáp ứng, nguồn lực không kịp bố trí hoặc thậm chí gặp phải những trở ngại trong cạnh tranh, đầu tư trùng lắp, lãng phí từ một địa phương, một khu vực khác.
Tán thành với những phản ánh, kiến nghị thực tế từ các địa phương, Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ ưu tiên cho các Bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện công tác rà soát, điều chỉnh lại các quy hoạch phát triển, xây dựng cơ chế đặc thù để phù hợp với tình hình mới khi các điều kiện thị trường tài chính, đầu tư, vốn, công nghệ cũng như lao động,… hiện nay đã có những thay đổi lớn.
“Bên cạnh đó, các địa phương trong Vùng cần thường xuyên ngồi lại với nhau, xem xét và nhận định lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh để định hướng cho riêng mình, tạo sự đồng bộ, tăng cường giao lưu về phát triển về đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực, xây dựng hạ tầng kết nối, phân bố, kết hợp kêu gọi đầu tư như Đà Nẵng vẫn làm lâu nay”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Tương tự, đối với 2 thách thức lớn đòi hỏi giải quyết căn cơ, kịp thời đối với các vùng KTTĐ là xây dựng hạ tầng và nguồn nhân lực, Phó Thủ tướng lưu ý vấn đề kế hoạch đồng bộ, dài hơi và công tác chuẩn bị dự án đi trước 1 bước, giúp các địa phương sớm xác định nhu cầu, chủ động thu hút hiệu quả các nguồn lực, xã hội hóa đầu tư, triển khai các mô hình mới như PPP.
Về tổng thể, các Bộ, ngành liên quan sớm xem xét, tháo gỡ những vướng mắc đang gây cản trở đối với sự phát triển hoặc phối hợp đồng bộ trong và giữa các vùng KTTĐ. Cụ thể như kế hoạch triển khai các chương trình ứng phó tình trạng biến đổi khí hậu, cơ chế liên kết trong sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản, kế hoạch xây dựng hệ thống thủy lợi, cấp và thoát nước toàn vùng, công tác thông tin, chỉ đạo điều hành từ các tổ điều phối các hoạt động chung của các vùng KTTĐ.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()