Vùng kinh tế Đông Nam Bộ phải định vị là khu vực thống nhất
Vùng kinh tế Đông Nam Bộ cần phải định vị là một khu vực thống nhất, liên kết kinh tế có sức cạnh tranh cao cả ở thị trường trong nước và quốc tế.
Đây là ý kiến từ các chuyên gia khi tham dự Diễn đàn Kinh tế Đông Nam Bộ 2016 với chủ đề “Hội nhập quốc tế – Tận dụng các cơ hội mới cho liên kết và tăng trưởng” diễn ra ngày 16/9 tại TPHCM.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát cho rằng, vùng kinh tế Đông Nam Bộ có vị trí, vai trò đặc biệt trong sự phát triển kinh tế-xã hội trong cả nước, hội tụ những lợi thế nổi trội và có nhiều điều kiện để phát triển công nghiệp, dịch vụ, đặc biệt là phát triển các ngành như công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử, công nghiệp dầu khí…
Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2016, vùng Đông Nam Bộ đã thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất cả nước, chiếm 51,6% số dự án cấp mới, 62,5% lượt dự án tăng vốn và 42,2% tổng vốn đầu tư trong cả nước.
Tuy nhiên, theo ông Cao Đức Phát, sự phát triển của Đông Nam Bộ chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng.
Cụ thể, chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa cao, thiếu bền vững; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp so với yêu cầu phát triển, kết cấu hạ tầng chưa phát triển kịp với nhu cầu; sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương còn nhiều hạn chế. Mặc dù đã được quy hoạch thành vùng kinh tế trọng điểm, nhưng thiếu thể chế đặc thù, cũng như thiếu thể chế điều phối và liên kết kinh tế.
Theo các chuyên gia kinh tế, liên kết vùng đã được Việt Nam đặt ra hàng chục năm nay, nhưng thực tế, liên kết vùng hiện nay rất hạn chế. Các cơ chế liên kết vùng còn mang tính hành chính, hình thức.
Các tỉnh, thành phố chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu vùng; thiếu sự hợp tác của các địa phương trong việc hoạch định chính sách, giới thiệu nhà đầu tư, phân bổ nhà đầu tư; quy định vùng đã được lập, song lại thiếu các cấp quản lý thực hiện quy hoạch tương ứng.
TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, cùng nhiều chuyên gia cho rằng, liên kết vùng cần nương theo các quy luật của thị trường, phải dựa theo các dòng chảy của thị trường, chứ không chỉ đơn thuần là mang tính chính trị. Sự thành công của một địa phương cần phải đặt trong sự thành công của cả vùng, cùng nhau tạo ra cụm, chuỗi giá trị, cụm công nghiệp trong liên kết vùng.
Các địa phương cần có sự liên kết chặt chẽ để quy hoạch và phân bổ nguồn lực hợp lý trong một không gian rộng lớn hơn nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp (DN).
Cùng với đó, các địa phương trong vùng cần phải tạo ra cơ chế để đối thoại, phối hợp, đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy giao thương nhằm tạo thuận lợi cho các hoạt động của DN.
Để đạt được các yêu cầu nêu trên, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) Đặng Xuân Quang đề nghị, các địa phương vùng Đông Nam Bộ tập trung vào các giải pháp chính như: Hoàn thiện các quy hoạch chuyên ngành cho không gian phát triển kinh tế-xã hội, nhất là quy hoạch sử dụng đất để tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư; quan tâm làm tốt công tác quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch phát triển đô thị.
Cùng với đó, các địa phương phối hợp xây dựng mạng lưới giao thông đường bộ, đường thủy, đường không gắn kết với hệ thống vành đai các cụm, khu công nghiệp, khu chế biến tạo nên môi trường công nghiệp hiện đại, tạo thuận lợi cho các DN giảm chi phí sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh.
Ở góc độ DN, ông Nguyễn Băng Tâm, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM cho rằng, hiệp hội DN tại các tỉnh, thành phố đóng vai trò rất quan trọng trong chiến lược liên kết vùng, tuy nhiên, hiện nay, nhiều hiệp hội DN tại các tỉnh hoạt động chưa mạnh, thiếu sự liên kết.
Muốn tạo được sự liên kết vùng bền chặt, theo ông Tâm cần phải có một “nhạc trưởng” đứng ra chỉ đạo điều phối và liên kết kinh tế các tỉnh, thành phố theo một cơ chế liên kết đặc thù, đồng thời phát huy hơn nữa vai trò của các hiệp hội DN, đóng vai trò là những “nhạc công”.
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()