Vùng đất huyền diệu của đại ngàn
Thác Dray Drak thuộc xã Cư Pơng, huyện Krông Búk (Ðác Lắc) – một điểm đến nhiều tiềm năng để phát triển du lịch.
Xuất phát từ thành phố Buôn Ma Thuột qua trung tâm xã Pơng Drang, sau đó rẽ trái chừng 30 km, đoàn chúng tôi đến với xã Cư Pơng thuộc huyện Krông Búk (Ðác Lắc). Ðây là xã Anh hùng Lực lượng vũ trang trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và ngày nay đang là một trong những điểm sáng trong xây dựng kinh tế, đồng thời cũng là vùng đất có nhiều tiềm năng tự nhiên với hệ thống thác nước đẹp có thể phát triển du lịch.
Nằm ngay trung tâm dãy núi cùng tên thấm đẫm những truyền thuyết của đại ngàn Tây Nguyên, Cư Pơng là nơi cư trú, sinh sống từ bao đời nay của đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc Ê Ðê. Vùng đất đỏ bazan màu mỡ này hiện hữu những thác nước đẹp với các tên gọi gắn liền với nhiều huyền thoại lịch sử một thời như Dray Drak, Dray Hue, Juh. Những dòng thác đều nằm trên dòng suối đầu nguồn của dòng sông Ea H’Leo bắt nguồn từ phía đông đổ về phía tây, đẹp như nhận xét của nhà văn Mai Khoa Thâu là những “nàng công chúa ngủ trong rừng” từ lâu nay. Thác Dray Drak nằm tại buôn Khal, cách trung tâm xã khoảng 6 km. Từ xa nhìn lại, màn nước từ đỉnh thác đổ xuống 20 m, tung bọt trắng xóa như tấm khăn voan bao phủ vầng cổ thanh xuân của tán cây rừng và nương rẫy, vườn điều xanh mướt của đồng bào nơi đây.
Tuy nhiên, đường vào thác khó đi, xe phải men theo con đường mới mở, hết rẽ phải, rồi rẽ trái, mãi mới tới một rừng điều khá tốt, trên cây quả chín treo đầy. Xe dừng, chúng tôi tiếp tục đi bộ gần 1 km nữa mới tới khu vực thác. Ðường đi nhiều chỗ dốc gần như dựng đứng, chỉ có một con đường mòn nhỏ đủ để đặt vừa bước chân xuống các hòn đá, tay cũng phải bám chắc vào các gốc cây mới có thể đi được. Từ đỉnh thác đi xuống dòng suối dưới chân thác, mọi người trong đoàn đều dừng bước và ồ lên ngạc nhiên trước vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên hùng vĩ nơi đây. Trời Tây Nguyên mới có vài cơn mưa đầu mùa chưa thấm đất, vậy mà dòng thác có ba ngọn đổ từ độ cao hơn 20 m, dội thẳng xuống, hơi nước bung lên ướt đẫm lá cây một vùng. Những khối đá dưới chân thác hình lục giác, đen bóng như được một bàn tay nghệ nhân tài ba tạo ra, sắp xếp lại. Ðứng dưới chân thác, ngước mắt nhìn lên thấy trời xanh trong veo. Anh cán bộ văn hóa xã Cư Pơng đi cùng đoàn cho biết: “Trước đây hai bên thác có hai cây đa to đến mấy người ôm, cành lá xanh tốt, tạo bóng mát che cho thác như hai cái ô lớn, trông rất đẹp, nhưng tiếc là cơn bão số 12 năm ngoái đã làm đổ mất. Hy vọng là từ gốc cây còn lại sẽ tái tạo được sau vài mùa mưa tới”. Lãnh đạo xã Cư Pơng cho biết thêm, nhận thức được vẻ đẹp của thác Dray Drak mà thiên nhiên đã ban tặng, chính quyền và người dân đã dự tính sẽ trồng thêm cây ở khu vực quanh thác để tạo vẻ đẹp hơn nữa cho nơi đây. Hiện tại, hai bên bờ suối của thác nước vẫn còn khá nhiều cây cổ thụ, song tán cây quá nhỏ so với dòng thác có chiều rộng đến 20 m. Ngay dưới chân thác, các nghệ sĩ nhiếp ảnh trong đoàn chúng tôi đã nhờ nữ nhà văn H’Phi La làm người mẫu để chụp ảnh. Bụi nước bay lên trắng xóa, ánh mặt trời rọi xuống tạo nên cầu vồng ngũ sắc lung linh như ôm lấy người mẫu. Nhìn nữ người mẫu Ê Ðê trong trang phục quần áo dân tộc ngồi bên dòng thác, có cảm giác như đang lạc vào thế giới của Yang trong cổ tích, như thực như mơ. Phía bên phải dòng thác có chùm rễ cây si. Mỗi khi có cơn gió thổi qua, từng chùm rễ như làn tóc dài của người phụ nữ Ê Ðê vờn qua dòng thác, níu kéo làn nước, làm tôn thêm vẻ huyền bí.
Ở Ðác Lắc, tên sông, suối, hay dòng thác bao giờ cũng gắn với một truyền thuyết bi thương của tình yêu đôi lứa, hay sự trái ngang của số phận con người như thác: Dray H’Linh, thác Dray Nu, thác Trinh Nữ, thác Krông Kma… hay sông Krông Na, Krông Nô, Krông Bông, Ea H’Leo… Thác Dray Drak cũng có những huyền thoại của mình, song chỉ có những người già mới nhớ được và đang dần chìm vào quên lãng. Anh cán bộ văn hóa xã cho biết đây là vấn đề trăn trở của các đồng chí lãnh đạo địa phương và không ít người tâm huyết mong muốn khai thác vẻ đẹp tự nhiên đầy tiềm năng của Dray Drak cho phát triển du lịch, chứ không chỉ là một cái tên đơn sơ, mộc mạc. Tôi chợt nhớ đến thác Thủy Tiên trên dòng sông Krông Năng thuộc huyện Krông Năng. Cách đây hơn 30 năm, thác không có tên, khi những thanh niên xung phong vào đây làm kinh tế mới, nhà thơ Trần Chi khi ấy đã đặt tên Thủy Tiên cho thác và ví như nơi đây có các nàng tiên trên trời vì mê cảnh đẹp nơi trần thế cho nên xuống tắm. Từ đó thác có tên và truyền thuyết dòng thác ra đời, lưu đến hôm nay, được nhiều khách du lịch yêu thích đến khám phá, tham quan và dần trở thành một điểm đến hấp dẫn của Ðác Lắc.
Bên cạnh những tiềm năng để phát triển du lịch từ vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng, Cư Pơng còn là một địa danh cách mạng của tỉnh. Ngay từ năm 1940, đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây đã giác ngộ và một lòng đi theo Ðảng, có nhiều đóng góp, cống hiến sức người, sức của trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc. Cư Pơng đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1994.
Để đánh thức tiềm năng du lịch, Cư Pơng đang rất cần được quy hoạch và có những cơ chế, chính sách khuyến khích, mời gọi những nhà đầu tư có tài trí và tầm nhìn vào cuộc cùng chính quyền và người dân Cư Pơng. Ðó cũng là nghĩa cử đẹp của thế hệ sau đối với vùng đất căn cứ địa cách mạng và những người dân nơi đây đã dũng cảm chiến đấu và hy sinh quên mình góp phần vào công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Ý kiến ()