Vùng chè Đình Lập: rộn ràng đón xuân
–Thời điểm cuối năm, những người trồng chè trên địa bàn huyện Đình Lập lại tất bật thu hoạch vụ chè cuối cùng của năm. Trải qua nhiều khâu chế biến, các sản phẩm từ vụ chè tết như Ô Long, Bát Tiên, Ngọc Thuý bắt đầu “hành trình” từ huyện Đình Lập đến “chinh phục” các thị trường ở trong, ngoài nước.
Người dân thị trấn Nông trường Thái Bình thu hoạch vụ chè tết
Trong không khí háo hức chuẩn bị chào đón một năm mới, chúng tôi có dịp đến thăm vùng chè huyện Đình Lập – vùng chè lớn nhất của tỉnh không chỉ tạo chỗ đứng trên thị trường trong nước, mà còn xuất khẩu sang một số nước trên thế giới.
Để chè kịp “đón tết”
Thời điểm cuối năm tại vùng chè Đình Lập là lúc người trồng chè tất bật cho việc thu hoạch búp chè để chế biến chè thành phẩm đảm bảo cung ứng cho thị trường. Cùng các thành viên gia đình bà Nguyễn Thị Tuyên, khu Thống Nhất, thị trấn Nông trường Thái Bình đi thu hoạch chè vụ tết, chúng tôi đã được bà Tuyên chia sẻ về kinh nghiệm chăm sóc chè tết. Bà Tuyên cho hay: “Gia đình tôi hiện có 1,8 ha chè trong độ tuổi thu hoạch. Để có lứa chè xuân phục vụ vào dịp tết, từ tháng 9 dương lịch, bà con tại đây đã phải cắt bạt chè xuống thấp, sau đó tập trung chăm sóc. Từ tháng 11 trở đi đến những ngày giáp tết, chúng tôi sẽ thực hiện thu hoạch búp chè. Khác với chè tại các vùng như Tân Cương (tỉnh Thái Nguyên), chè tại Đình Lập trồng trên các sườn đồi cao, đất dốc nên hầu hết không thể tưới nước mà chủ yếu phụ thuộc vào nước mưa. Vì vậy, trong quá trình chăm sóc, bà con phải sử dụng cỏ khô để ủ gốc nhằm giữ ẩm. Đồng thời, cần bón thêm phân hữu cơ, phân chuồng thì búp chè mới đảm bảo chất lượng tốt nhất”.
Các bước chăm sóc như trên mới chỉ là một phần trong quá trình sản xuất vụ chè tết. Để đảm bảo chất lượng chè, những người trồng chè sẽ phải theo dõi tình hình phát triển của chè thường xuyên, liên tục để đảm bảo chè phát triển tốt, không bị sâu bệnh hại. Theo một số người trồng chè tại thị trấn Nông trường Thái Bình, hầu hết người trồng chè tại đây đều rất giàu kinh nghiệm. Họ chỉ cần nhìn lá chè là có thể biết cây chè thiếu chất gì, bị nhiễm bệnh hay không. Đơn cử như khi thấy lá chè xanh đồng đều, lá “mỡ” (“mỡ” theo người trồng chè chỉ độ bóng và dày dặn) có nghĩa là cây đang phát triển ổn định, chè thành phẩm sẽ đạt chất lượng cao.
Sản phẩm chè Đình Lập được Công ty Cổ phần Chè Thái Bình chế biến, đóng hộp và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài
Cùng với người dân tại thị trấn Nông trường Thái Bình, từ tháng 11 đến thời điểm giáp Tết Nguyên đán, người trồng chè tại xã Thái Bình và xã Lâm Ca cũng đã tập trung thu hoạch vụ chè tết. Hiện tại, diện tích chè của 2 xã khoảng 100 ha. Sản lượng chè đạt khoảng 700 tấn/năm. Theo tìm hiểu từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Đình Lập, 100% lượng chè búp sau khi được thu hoạch sẽ được Công ty Cổ phần Chè Thái Bình và các cơ sở chế biến tư nhân trên địa bàn thu mua, chế biến thành các sản phẩm như: chè Ô Long; chè Bát Tiên; chè Ngọc Thuý.
Theo kinh nghiệm của người làm chè, vụ chè tết là thời điểm cây chè phát triển trong tiết trời chuyển lạnh, việc trao đổi chất dinh dưỡng của cây cũng khác so với các mùa còn lại. Do đó, chè vụ tết có hương vị đậm đà hơn, đây cũng là điểm độc đáo của chè tết ở Đình Lập.
Điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu đã khiến chè Đình Lập mang những nét riêng so với chè tại các nơi khác. Cái “độc” trong hương vị chè tết rất rõ ràng, nhưng để có thể cảm nhận điều này rõ rệt, đầy đủ nhất thì vẫn cần đến những người có kinh nghiệm. Là người gắn bó với đất chè Đình Lập này từ những năm 70 của thế kỷ trước, ông Trần Thanh Nghiên, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chè Thái Bình là một trong những người hiểu rất rõ đối với hương vị của từng loại chè ở Đình Lập. Ông Nghiên chia sẻ: “Nếu như chè của các mùa khác thường có mùi thơm dịu, hương vị rất thanh tao thì chè vụ tết lại rất đậm đà. Sau khi uống xong, hương thơm của trà cùng với vị ngọt, đắng, chát của trà sẽ hoà quyện lại. Tất cả những điều đó tạo ra một hương vị rất riêng của chè tết.
Được biết, trong thời điểm cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, sản phẩm chè của Đình Lập tiêu thụ tăng gấp 4 – 5 lần so với thông thường do nhu cầu sử dụng, làm quà tặng tăng cao. Do đó, các doanh nghiệp và cơ sở chế biến đã chủ động tăng lượng nhân công lên khoảng 20% và tăng ca, kíp để đẩy nhanh sản xuất. Sản lượng chè vụ tết sẽ chiếm khoảng 30 – 40% sản lượng chè trong năm. Các sản phẩm được Công ty Cổ phần Chè Thái Bình chế biến, đóng hộp, xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Nga, Đức… Bên cạnh đó, khoảng 30% lượng chè tết được các cơ sở tư nhân thu mua, chế biến và cung ứng ra thị trường nội địa.
Đưa sản phẩm vươn xa
Bà Vũ Thị Hương, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đình Lập cho biết: Để có thể góp phần nâng cao chất lượng, sản lượng chè Đình Lập, từ đầu năm 2022, Phòng NN&PTNT huyện đã tham mưu UBND huyện triển khai Kế hoạch số 20 về việc thực hiện Nghị quyết số 28 ngày 8/10/2021 của Ban Thường vụ Huyện ủy về xây dựng và phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu trong lĩnh vực nông nghiệp, giai đoạn 2020 – 2030. Trong đó, huyện tiếp tục phát triển vùng chè Đình Lập, tập trung tại xã Lâm Ca, Thái Bình, thị trấn Nông trường Thái Bình. Đến năm 2025, huyện phấn đấu phát triển diện tích cây chè lên 350 ha, sản lượng chè búp tươi đạt 1.500 tấn/năm; mục tiêu đến năm 2030, tổng diện tích cây chè là 450 ha, sản lượng chè búp tươi đạt 1.900 tấn/năm.
Trên cơ sở mục tiêu đề ra, Phòng NN&PTNT huyện đã hướng dẫn, hỗ trợ người dân phát triển diện tích chè trồng theo tiêu chuẩn VietGAP lên 40 ha, tăng hơn 30 ha so với trước đó. Đồng thời, đơn vị đã phối hợp với Công ty Cổ phần Chè Thái Bình thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc, giám sát quy trình sản xuất đối với khoảng 400 hộ gia đình nhận khoán trồng, chăm sóc chè trên địa bàn 26 thôn, bản của các xã Thái Bình, Lâm Ca và thị trấn Nông trường Thái Bình. Theo đó, các hộ công nhân sản xuất chè được công ty cung cấp giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… và đầu tư thâm canh theo quy trình của công ty. Sau khi thu hái các nguyên liệu chè búp tươi được thu gom về nhà máy của công ty để chế biến.
Đến nay, huyện Đình Lập đã phát triển vùng sản xuất chè với diện tích khoảng 200 ha, tập trung tại thị trấn Nông trường Thái Bình, xã Lâm Ca và xã Thái Bình. Cùng với việc hình thành vùng, bà con tại đây đã đẩy mạnh cơ giới hoá, áp dụng khoa học kỹ thuật vào quy trình trồng, chăm sóc nên sản lượng chè luôn đạt cao. Năm 2023, sản lượng búp chè tươi của huyện Đình Lập đạt 1.550 tấn, tăng gần 130 tấn so với năm 2022.
Từ kinh nghiệm của người trồng chè và sự quan tâm, hỗ trợ của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương, chất lượng và sản lượng chè ngày càng được nâng cao. Nhờ đó, đến hiện tại, cả 3 sản phẩm chè của huyện là chè Ô Long, chè Bát Tiên, chè Ngọc Thúy do Công ty Cổ phần Chè Thái Bình sản xuất đều đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 – 4 sao và được nhiều khách hàng trong, ngoài tỉnh biết đến.
Để thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm này, những năm gần đây, huyện Đình Lập đã hỗ trợ đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử và trên các trang mạng xã hội. Ngoài ra, sản phẩm còn được trưng bày, bán tại các hội chợ, hội nghị xúc tiến đầu tư, chương trình kết nối cung cầu. Nhờ đó, sản phẩm chè Đình Lập ngày càng được nhiều khách hàng biết đến và ưa chuộng. Bên cạnh đó, các sản phẩm chè Đình Lập tiếp tục được khách hàng trong nước ưa chuộng và đã có mặt tại nhiều hệ thống siêu thị, cửa hàng tại Lạng Sơn, Hà Nội, Hải Phòng… Đồng thời, các sản phẩm xuất khẩu cũng đạt được mức tiêu thụ ổn định tại một số thị trường nước ngoài, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Đài Loan.
Anh Hoàng Việt Bảo, người dân tại huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Do thường đi lại để phục vụ công việc nên tôi hay có dịp đến Lạng Sơn. Trong 3 năm gần đây, mỗi lần đến đây vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán, tôi thường tìm mua sản phẩm chè Ô Long của Đình Lập để sử dụng và làm quà biếu cho người thân trong gia đình và loại trà này rất được họ ưa thích”.
Dịp Tết Nguyên đán, người người hân hoan vui mừng chào đón và hy vọng bao điều tốt đẹp. Đây cũng là dịp để gia đình sum họp, đoàn tụ. Và trong không khí ấy, không thể nào thiếu chén trà ngày xuân. Xuân về, trong thời tiết se lạnh, mọi người quây quần bên ấm trà nóng, cùng nhau thưởng thức hương thơm của “chè Tết Đình Lập” chắc chắn là một khởi đầu đầy may mắn cho một năm mới an khang, thịnh vượng.
GIA KHÁNH
Ý kiến ()