Vững bước tiến trình cách mạng Bôliva
Sáu tháng sau chiến thắng của cố Tổng thống Ugô Chavết (Hugo Chavez), ngày 14/4, một lần nữa nhân dân Vênêxuêla lại khẳng định sự ủng hộ đối với tiến trình cách mạng Bôliva (Bolivar) thông qua lá phiếu bầu cho ứng cử viên Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất Vênêxuêla (PSUV) Nicôlát Mađurô (Nicolas Maduro) làm người lãnh đạo đất nước trong 6 năm tới để tiếp tục sứ mệnh mà ông Chavết để lại.
Sáu tháng sau chiến thắng của cố Tổng thống Ugô Chavết (Hugo Chavez), ngày 14/4, một lần nữa nhân dân Vênêxuêla lại khẳng định sự ủng hộ đối với tiến trình cách mạng Bôliva (Bolivar) thông qua lá phiếu bầu cho ứng cử viên Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất Vênêxuêla (PSUV) Nicôlát Mađurô (Nicolas Maduro) làm người lãnh đạo đất nước trong 6 năm tới để tiếp tục sứ mệnh mà ông Chavết để lại.
Cuộc bầu cử ngoài mong đợi do Tổng thống Chavết qua đời cách đây hơn một tháng vì căn bệnh ung thư quái ác cũng là cơ hội để ước vọng của đa số người dân tại quốc gia Nam Mỹ này về một tiến trình xây dựng “Chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21” không thể đảo ngược.
Ông Nicolas Maduro đã được bầu làm tổng thống Venezuela. |
Hoàn thành lời hứa
Trong thông cáo đầu tiên sau khi đã kiểm 99,12% số phiếu bầu, Hội đồng Bầu cử Quốc gia Vênêxuêla (CNE) chính thức thông báo Tổng thống lâm thời Mađurô đã giành thắng lợi với 50,66% số phiếu bầu, trong khi ứng cử viên đối lập, đại diện cho Bàn Đoàn kết Dân chủ (MUD) Ênrikê Caprilết (Henrique Capriles) được 49,07% số phiếu. Đây là chiến thắng khó khăn nhất trong suốt 14 năm cầm quyền của “chủ nghĩa Chavết”, nhưng vẫn cho thấy đa số người dân Vênêxuêla đều mong muốn con đường cách mạng Bôliva mà cố Tổng thống Chavết đã khởi xướng cần phải được tiếp tục và hoàn thiện. Chiến thắng của ứng cử viên đại diện cho PSUV dù sít sao nhưng chứng tỏ rằng đa số những người đã sát cánh cùng cố Tổng thống Chavết trong nhiều năm qua đã hoàn thành lời hứa với ông tiếp tục đưa con thuyền cách mạng xã hội chủ nghĩa tiến lên phía trước vì một tương lai tươi sáng của đất nước.
Trong lần cuối cùng xuất hiện trước nhân dân hồi đầu tháng 12/2012 trước khi sang Cuba phẫu thuật điều trị căn bệnh ung thư tái phát, ông Chavết đã đích thân chỉ định “phó tướng” Nicôlát Mađurô là người kế tục chèo lái con thuyền cách mạng Bôliva trong trường hợp ông không thể tiếp tục thực hiện sứ mệnh của mình và kêu gọi nhân dân bỏ phiếu cho ông Mađurô.
Mặc dù Tổng Tư lệnh Chavết không còn nữa, nhưng những thành tựu to lớn mà chính phủ của ông đã làm được trong gần 14 năm qua vẫn được đa số nhân dân Vênêxuêla thừa nhận và họ đặt niềm tin vào sự tiếp nối mà Tổng thống lâm thời Mađurô cam kết để đưa đất nước Vênêxuêla thực sự thoát khỏi tình trạng đói nghèo và bất bình đẳng xã hội.
Trong thời gian cầm quyền, chính phủ cánh tả của cố Tổng thống Chavết đã đầu tư 330 tỷ USD cho các chương trình xã hội, giảm tỷ lệ nghèo đói từ 70% xuống còn 23,9% và tỷ lệ bần cùng từ 40% xuống 5,9%. Ngoài ra, số người được hưởng trợ cấp xã hội đã tăng từ 387.000 người lên 1,92 triệu người, hệ thống giáo dục và y tế công cộng ngày càng được mở rộng ra khắp mọi tỉnh, thành trên cả nước.
Phải thừa nhận rằng phe đối lập dường như đã trở nên đoàn kết hơn khi họ tập hợp được lực lượng lớn mạnh xung quanh ứng cử viên Ênrikê Caprilết, một nhân vật trẻ tuổi nhưng có bề dày tham gia chính trường gần hai thập kỷ và từng hai nhiệm kỳ làm thống đốc bang Miranđa (Miranda) – một trong những bang lớn nhất Vênêxuêla. Với sự hỗ trợ của bộ máy truyền thông đồ sộ cả trong và ngoài nước, ông Caprilết mong muốn có thể đảo ngược được tình thế trong cơ hội thứ hai để thay đổi “hướng đi” của đất nước Vênêxuêla. Thế nhưng, thất bại một lần nữa cho thấy họ vẫn còn thiếu những cam kết thực tế để thuyết phục những người ủng hộ cách mạng Bôliva thay đổi quyết định. Hơn nữa, với nhận thức chính trị được tôi luyện trong “thời đại Chavết”, phần lớn người dân Vênêxuêla hiểu rằng việc ứng cử viên cánh hữu lên nắm quyền sẽ đồng nghĩa với việc đất nước phải quay lại quá khứ, quay lại với mô hình chủ nghĩa tự do kiểu mới và khi đó tầng lớp dân nghèo chiếm phần lớn trong xã hội sẽ là những người chịu nhiều thiệt thòi nhất, trong khi tài nguyên và của cải đất nước rơi vào tay giới tư sản và các tập đoàn xuyên quốc gia. Chính vì vậy, ứng cử viên của PSUV Mađurô, người luôn trung thành với con đường mà cố Tổng thống Chavết đã chọn, vẫn là niềm tin đối với nhân dân Vênêxuêla để kế tục di sản mà nhà lãnh đạo tài ba này để lại.
Những thách thức của cách mạng Bôliva
Phát biểu trước những người ủng hộ ngay trong đêm 14/4, tổng thống đắc cử Mađurô khẳng định sẽ tuyệt đối trung thành với lý tưởng của người tiền nhiệm, sẽ tiếp tục triển khai và làm sâu sắc hơn nữa dự án xã hội chủ nghĩa thế kỷ 21 mà cố Tổng thống Chavết khởi xướng. Ông Mađurô nhấn mạnh sẽ thúc đẩy hơn nữa những cải cách về chính trị và kinh tế, làm việc hiệu quả hơn để đáp ứng một cách tốt nhất mọi nhu cầu của người dân, đồng thời sẽ mở rộng các chương trình xã hội vì người nghèo mà chính phủ đã triển khai trong hơn một thập kỷ qua.
Có lẽ thách thức lớn nhất đối với chính phủ của ông Mađurô thời “hậu Chavết” là làm thế nào để đa dạng hóa nền kinh tế đất nước, tránh tình trạng bị phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu dầu mỏ. Cùng với đó, chính phủ cách mạng Bôliva cũng phải đấu tranh một cách quyết liệt hơn để chống lại nạn tham nhũng cũng như giải quyết triệt để tình trạng tội phạm đang gây lo lắng trong xã hội. Những thách thức này sẽ đóng vai trò quyết định đối với sự thành bại của kế hoạch đưa Vênêxuêla vượt qua thời kỳ quá độ lên “chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21”.
Cùng với đó, ông Mađurô phải tìm cách giữ vững khối đoàn kết trong nội bộ ban lãnh đạo nhà nước và PSUV bởi đây cũng sẽ là yếu tố quyết định giúp cho chính phủ cánh tả dưới thời của ông có thể vững bước chống chọi với những thách thức.
Theo nhận định của giới phân tích, khác với thời kỳ Chavết, chính phủ dưới thời Mađurô sẽ ít dựa vào một cá nhân hơn và sẽ được điều hành theo phương thức tập thể cùng với các nhà lãnh đạo có uy tín khác trong nội các, trong đảng PSUV và 20 thống đốc bang thuộc đảng cầm quyền vừa mới thắng cử trong cuộc bầu cử địa phương mới đây. Bản thân ông Mađurô cũng từng khẳng định “đoàn kết chính là sức mạnh” và đó sẽ là tư tưởng điều hành chính phủ mà ông sẽ theo đuổi.
Những nền móng mà cố Tổng thống Chavết đã tạo dựng trong hợp tác và liên kết với các nước trong khu vực cũng như thế giới vẫn sẽ tiếp tục được triển khai và mở rộng hơn nữa trong thời gian tới. Tổng thống đắc cử Mađurô cam kết sẽ tiếp tục bán dầu cho các nước bạn bè ở vùng Caribê trong khuôn khổ dự án liên kết Petrocaribe. Vênêxuêla sẽ tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong tiến trình hội nhập và liên kết các nước trong khu vực, bảo vệ chủ quyền và quyền tự quyết định vận mệnh trước sự áp đặt của các nước lớn.
Thắng lợi ngày 14/4 là món quà lớn nhất mà người dân Vênêxuêla nói chung và ông Mađurô nói riêng đã làm được để tưởng nhớ Tổng Tư lệnh Chavết. Vẫn biết con đường phía trước còn nhiều chông gai và thách thức, nhưng những người ủng hộ đều hy vọng rằng dưới sự chèo lái của ông Mađurô, con thuyền cách mạng Bôliva sẽ tiếp tục hướng đi mà cố Tổng thống Chavết luôn mong mỏi.
Dangcongsan
Ý kiến ()